• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Đắk Lắk: Người chăn nuôi huyện Ea Kar cẩn trọng tăng đàn

Nguồn tin: Báo Đắk Lắk, 11/07/2018
Ngày cập nhật: 12/7/2018

Sau gần 2 năm rớt giá thê thảm, hiện nay giá heo hơi khá cao, trung bình khoảng 45.000/kg, tăng gần gấp đôi so với thời điểm sát đáy. Với mức giá này, người chăn nuôi heo đã có lợi nhuận tốt. Tuy nhiên, sau đợt khủng hoảng thừa vừa qua, nhiều nông hộ đã cảnh giác hơn trong việc đầu tư tái đàn.

Đầu tư tăng “chất” đàn heo

Gắn bó với nghề chăn nuôi heo đã lâu, gia đình anh Nguyễn Văn Thưởng ở thôn Ninh Thanh 1, xã Ea Kmút (huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk) hiểu rõ quy luật của thị trường và những rủi ro trong nghề. Trải qua nhiều đợt thua lỗ vì dịch bệnh, năm 2009, gia đình anh đã vay mượn vốn đầu tư xây dựng trang trại với 3 dãy chuồng, nuôi 100 heo nái, 500 heo thịt. Theo anh Thưởng, để phát triển chăn nuôi ổn định lâu dài thì không thể chạy theo thị trường. Vì vậy, vào những năm thị trường heo hơi sốt giá, gia đình anh cũng không tăng đàn theo phong trào mà chú trọng khâu chăm sóc, phòng bệnh nhằm tăng “chất” đàn heo. Không chỉ tuân thủ nghiêm ngặt quy trình từ khâu chọn con giống, tiêm phòng, sử dụng men vi sinh trộn vào thức ăn, khử clo nước uống, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ… gia đình anh còn lắp đặt hệ thống làm lạnh, quạt thông gió, ghi chép đầy đủ nhật ký từng cá thể...

Nhờ vậy, từ năm 2010 đến nay, trang trại chăn nuôi của gia đình anh Thưởng phát triển ổn định, mỗi năm cung cấp cho thị trường 1.500 con heo giống và khoảng 80 tấn heo thịt. “Nhờ đầu tư trại lạnh và quy trình chăn nuôi khép kín, bảo đảm an toàn dịch bệnh và an toàn sinh học nên trang trại không xảy ra dịch bệnh, giá thành bán ra chỉ khoảng 32.000 đồng/kg nên khi giá heo hơi xuống thấp, gia đình tôi vẫn bám trụ được. Muốn phát triển chăn nuôi heo bền vững thì không thể chỉ trông chờ giá heo tăng cao mà phải tính toán kỹ lưỡng để có giá thành cạnh tranh nhất”, anh Thưởng chia sẻ.

Một hộ chăn nuôi heo trang trại trên địa bàn xã Ea Kmút duy trì được số lượng đàn nuôi nhờ áp dụng kỹ thuật chăn nuôi khép kín, an toàn dịch bệnh.

Trong khi các hộ chăn nuôi với quy mô lớn còn có thể xoay sở, lấy lúc giá cao bù khi thấp thì những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thực sự đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc tái đàn. Đơn cử như gia đình ông Phạm Xuân Đệ ở thôn 6, xã Xuân Phú. Từ cuối năm 2016 đến nay, gia đình ông chỉ duy trì còn lại 2 heo nái, 20-30 heo thịt, nhiều ô chuồng nuôi đã bỏ trống, thậm chí dỡ bỏ để sử dụng vào mục đích khác. Ông Đệ cho hay, trong 2 năm giá heo tụt dốc, việc chăn nuôi của gia đình ngày càng khó khăn, tiền cám còn khất nợ đại lý nên gia đình ông không còn vốn để tái đàn. Để khắc phục khó khăn và tăng chất lượng đàn vật nuôi, gia đình ông đang phát triển mô hình sử dụng chế phẩm sinh học ủ cám gạo, bắp làm thức ăn cho heo do Trạm Khuyến nông huyện hỗ trợ, chuyển giao nhằm giảm chi phí đầu tư, chăm sóc nhưng đàn heo vẫn tăng trọng tốt, tỷ lệ nạc cao, hạn chế rủi ro dịch bệnh.

Chú trọng phòng chống dịch bệnh

Cuối năm 2016, toàn huyện Ea Kar có 120.000 con heo, đến nay còn khoảng trên 90.000 con. Mặc dù mấy tháng gần đây giá heo hơi đã tăng dần và hiện đang ở mức cao nhưng số lượng đàn heo giảm so với những năm trước cho thấy người chăn nuôi trên địa bàn huyện đang e dè và cẩn trọng trong việc tăng đàn.

Cán bộ Trạm Chăn nuôi – Thú y huyện kiểm tra việc xây dựng cơ sở chăn nuôi heo an toàn sinh học của gia đình anh Nguyễn Văn Thưởng ở xã Ea Kmút.

Theo ông Hoàng Công Nhiên, Trưởng Trạm Chăn nuôi – Thú y huyện, để ngành chăn nuôi heo của huyện phục hồi và phát triển bền vững, huyện cần có chính sách hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi, trong đó tập trung xây dựng các cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh và an toàn sinh học, tuyên truyền, khuyến khích các cơ sở đầu tư hệ thống chuồng trại, thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh, xử lý môi trường. Bên cạnh đó, huyện cũng khuyến khích cơ sở chăn nuôi làm tốt khâu chọn con giống, sử dụng các loại thức ăn tự phối trộn bằng các nguyên liệu sẵn có tại địa phương thay thế thức ăn công nghiệp nhằm tăng “chất” đàn heo và tăng sức cạnh tranh về giá.

Ông Hồ Tấn Cư, Trưởng Phòng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn huyện Ea Kar cho biết, các ngành chức năng của huyện đang tập trung thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh, khử độc, tiêu trùng, tiêm phòng vắc xin. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến cáo người dân tăng cường chăm sóc đàn vật nuôi, phòng trừ dịch bệnh, điều chỉnh quy mô đàn heo phù hợp với nhu cầu thị trường, vận động hộ chăn nuôi tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã, chăn nuôi theo mô hình liên kết giữa sản xuất - tiêu thụ. Có như vậy thì mới khôi phục và phát triển ngành chăn nuôi heo theo hướng bền vững.

Đến cuối năm 2017, giá trị sản xuất chăn nuôi của huyện Ea Kar đạt trên 1.916 tỷ đồng (giá hiện hành), chiếm 30,3% cơ cấu ngành nông nghiệp. Theo kế hoạch, năm 2018, huyện Ea Kar phấn đấu giá trị sản xuất chăn nuôi đạt trên 2.187 tỷ đồng, chiếm 30,6% cơ cấu ngành nông nghiệp và đến năm 2020 đưa tỷ trọng chăn nuôi đạt 35,3%.

Nguyễn Xuân

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang