• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Thanh Hóa: Chăn nuôi khu vực miền núi còn nhiều khó khăn

Nguồn tin: Báo Thanh Hóa, 16/01/2018
Ngày cập nhật: 18/1/2018

Trang trại chăn nuôi của bà Ngô Thị Hòa, bản Cang, xã Xuân Phú (Quan Hóa) đang phải hoạt động cầm chừng vì khó khăn đầu ra cho sản phẩm.

Cùng với những chương trình, chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh Thanh Hóa, chăn nuôi khu vực miền núi thời gian qua đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức đang đặt ra...

Do chịu ảnh hưởng chung từ cơn “bão giá lợn” từ cuối năm 2016, việc phát triển đàn lợn của huyện Lang Chánh gặp nhiều khó khăn. Các hộ gia đình không dám mạo hiểm đầu tư chăn nuôi với số lượng lớn, chủ yếu quy mô nhỏ. Để ngành chăn nuôi của địa phương có những bước phát triển vững chắc, phát huy được tiềm năng, lợi thế, huyện đang tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ, cơ chế khuyến khích từ Quyết định số 50/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nghị quyết của huyện về phát triển chăn nuôi. Tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn, hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ - thuật trong chăn nuôi. Tăng cường công tác kiểm soát dịch bệnh, thực hiện đúng, đủ việc tiêm phòng các loại vắc - xin cho đàn gia súc, gia cầm theo kế hoạch.

Trang trại chăn nuôi của bà Ngô Thị Hòa, bản Cang, xã Xuân Phú (huyện Quan Hóa), mỗi năm đều xuất ra thị trường hàng tấn thịt thương phẩm, cung cấp giống các loại cho hầu khắp các xã trên địa bàn, thu nhập trung bình 300 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, những vụ thu hoạch “trong tiếng cười” như thế đã trở thành quá khứ. 2 năm trở lại đây, trang trại của bà Hòa hết chật vật chống chọi với sự khắc nghiệt của thời tiết lại lao đao trong những cơn bão giá. Hệ quả, cả một trang trại được đầu tư quy mô giờ chỉ dám hoạt động cầm chừng, số tiền nợ ngân hàng sau mỗi lần đáo hạn cứ tăng lên. Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh trang trại, bà Hòa chỉ tay về phía những chuồng lợn nái, lợn siêu nạc, lợn mán... đang đến thời kỳ xuất bán, thở dài: “Lứa lợn này đáng lẽ phải cho chúng xuất chuồng rồi, ngặt một nỗi thương lái ép giá rẻ quá. Bây giờ chấp nhận bán lỗ đi thì không đành, mà giữ lại cũng quá tội vì giá thức ăn cao quá”.

Có thể thấy chăn nuôi khu vực miền núi gặp không ít khó khăn, thách thức do tập quán sản xuất của các hộ dân còn nhiều hạn chế, chưa mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi với số lượng tổng đàn lớn. Giá cả thị trường đầu ra các sản phẩm chăn nuôi không ổn định, giá lợn hơi ở mức thấp. Thiếu các doanh nghiệp liên kết đầu tư và bao tiêu sản phẩm ổn định, trong khi giá thức ăn đầu vào cao. Chính vì lẽ đó, khi đầu tư phát triển với tổng đàn lợn người chăn nuôi thường gặp rủi ro dẫn đến tâm lý ngại đầu tư.

Bên cạnh những khó khăn, chăn nuôi khu vực miền núi cũng có những điểm sáng. Dự án bò thịt chất lượng cao được triển khai tại xã Lương Trung (Bá Thước) do Công ty CP Chăn nuôi Bá Thước đầu tư với quy mô 10.000 con được nhập từ Úc về đã hoàn thành xong phần xây dựng với các hạng mục: San lấp mặt bằng, nhà chế biến thức ăn, nhà chứa thức ăn, đường giao thông nội bộ, nhà điều hành, khu tập kết bò, khu chứa phân, hệ thống thoát nước. Với 100 ha diện tích cỏ trồng được, từ đầu năm đến nay công ty đã nhập 12.461 con bò nuôi vỗ béo để cung cấp thịt bò cho thị trường trong nước.

Theo số liệu thống kế của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến ngày 1-10-2017, 11 huyện miền núi đã phát triển được 152.108 con trâu, đạt 100% so với cùng kỳ và chiếm 75,8% tổng đàn trâu toàn tỉnh; đàn bò đạt 102.578 con, tăng 11,9% so với cùng kỳ, chiếm 40,4% tổng đàn bò toàn tỉnh. Riêng đàn lợn, do ảnh hưởng của cơn “bão giá lợn”, nên giảm 251.348 con, chỉ đạt 85,8% so với cùng kỳ, chiếm 32% tổng đàn lợn toàn tỉnh.

Để thúc đẩy ngành chăn nuôi khu vực miền núi phát triển, phát huy được tiềm năng, lợi thế, theo ông Mai Thế Sang, Trưởng phòng Chăn nuôi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, thời gian tới ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương miền núi củng cố và phát triển chăn nuôi hữu cơ, kiểm soát dịch bệnh, an toàn thực phẩm đối với con nuôi đặc sản có tiềm năng lợi thế trên địa bàn. Áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào chăn nuôi, giảm giá thành sản phẩm. Đưa công tác thụ tinh nhân tạo vào chăn nuôi để nâng cao tầm vóc cho đàn gia súc; đồng thời rà soát, quy hoạch, tạo quỹ đất để phát triển trang trại chăn nuôi tập trung.

Nguyễn Trường

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang