• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Sẽ siết chặt các quy chuẩn trong chăn nuôi

Nguồn tin: Báo Đồng Nai, 11/11/2018
Ngày cập nhật: 13/11/2018

Từ ngày 1-1-2019, Luật Quy hoạch sẽ có hiệu lực, vì thế quy hoạch chăn nuôi của tỉnh Đồng Nai sẽ hết hiệu lực. Trước tình hình đó, nhiều người băn khoăn có khả năng ngành chăn nuôi sẽ “vỡ trận” sau nhiều năm chính quyền cố gắng sắp xếp vào quy hoạch để tránh nguy cơ ô nhiễm.

Một trang trại nuôi heo ở xã Gia Tân 2 (huyện Thống Nhất).

Theo quy hoạch, Đồng Nai có 139 vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi với diện tích 15,7 ngàn hécta. Toàn tỉnh hiện có trên 3 ngàn trang trại chăn nuôi với khoảng 660 trang trại nằm trong vùng quy hoạch khuyến khích phát triển chăn nuôi.

* Lo ngại tổng đàn tăng quá nhanh

Trong 2 năm 2017-2018, do giá heo, gà cao nên tổng đàn tăng nhanh. Đến đầu tháng 11- 2018, tổng đàn heo của tỉnh đã ở mức hơn 2,5 triệu con, tăng trên 400 ngàn con so với 2 năm trước; gà là 21,1 triệu con, tăng gần 4 triệu con. Các trang trại cũng không ngừng mở rộng diện tích và quy mô của đàn, đưa Đồng Nai trở thành “thủ phủ” nuôi heo, gà của cả nước.

Dự báo ngành chăn nuôi của tỉnh có tốc độ tăng trưởng nhanh, nên từ nhiều năm trước UBND tỉnh đã tiến hành quy hoạch, sắp xếp lại những vùng khuyến khích chăn nuôi để bố trí các trang trại nhằm quản lý về môi trường tốt hơn.

Tuy nhiên, khi Luật Quy hoạch triển khai thì các quy hoạch ngành khác, trong đó có quy hoạch chăn nuôi sẽ hết hiệu lực. Nhiều câu hỏi được người dân trên địa bàn đặt ra như: những trang trại chăn nuôi nằm trong khu dân cư, nơi có nguy cơ gây ô nhiễm cao hoặc ở những nơi không phù hợp với quy hoạch có phải di dời hay không? Và nếu phải di dời thì sẽ đi đâu?

Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết: “Nhiều trang trại nằm trong khu dân cư đã có yêu cầu phải di dời hiện đang chờ Luật Quy hoạch có hiệu lực; khi không còn quy hoạch vùng khuyến khích chăn nuôi nữa thì có phải di dời tiếp hay không? Người dân sống trong vùng có chăn nuôi lo ngại nếu bỏ quy hoạch thì tổng đàn heo, gà có thể tăng nhanh khó kiểm soát”.

Bà Nguyễn Thị Trang, chủ trang trại gà ở xã Gia Tân 2 (huyện Thống Nhất) chia sẻ: “Tôi có nhiều trại nuôi gà, trong đó có những trại nằm trong vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi của huyện song cũng có trại nằm ngoài. Tôi hy vọng đầu năm tới, khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thì những trại ở khu dân cư không phải di dời nữa”.

Nhiều trang trại chăn nuôi không nằm trong vùng quy hoạch trước đây được địa phương yêu cầu di dời vào vùng khuyến khích chăn nuôi, nay đang hy vọng luật mới có hiệu lực sẽ không phải di dời. Trái lại, người dân lại lo chăn nuôi phát triển ồ ạt, nguy cơ ô nhiễm không khí, nguồn nước ngầm, nước mặt sẽ rất cao.

* Sẽ có những ràng buộc khác

Ông Nguyễn Hữu Nguyên, Phó giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư cho rằng dù tổng đàn heo, gà của tỉnh hiện nay đã phát triển nhanh hơn nhiều so với quy hoạch đến năm 2020 của tỉnh, nhưng theo quy định tỉnh không thể cấm các dự án chăn nuôi xây dựng mới hoặc mở rộng. Không còn quy hoạch vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi nữa thì tỉnh sẽ căn cứ vào các quy định tiêu chuẩn của ngành nông nghiệp, môi trường... để kiểm soát, nếu đáp ứng được mới cấp phép đầu tư. “Vấn đề môi trường được tỉnh rất quan tâm nên các dự án chăn nuôi không đảm bảo về môi trường, nguy cơ gây ô nhiễm cao thì tỉnh sẽ không cấp phép đầu tư” - ông Nguyễn Hữu Nguyên nhấn mạnh.

Như vậy, dù không còn quy hoạch vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi thì việc quản lý của tỉnh vẫn sẽ không buông lỏng. Các sở, ngành, địa phương sẽ căn cứ vào Luật Chăn nuôi sắp thông qua, các nghị định, thông tư... để quản lý.

Ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai cho hay: “Sẽ không có ảnh hưởng gì lớn khi bỏ quy hoạch chăn nuôi, vì các ngành, địa phương sẽ quản lý theo quy chuẩn ngành. Các quy định của ngành khá đầy đủ và chặt chẽ nên sẽ không xảy ra tình trạng chăn nuôi phát triển ồ ạt không quản lý được”.

Ngành chăn nuôi hiện đã có những quy định riêng là buộc phải đặt các trang trại cách xa khu dân cư, trường học... Lĩnh vực quản lý môi trường cũng có quy định nước thải trong chăn nuôi phải xử lý đạt loại A trước khi thải ra môi trường, khí thải cũng phải đảm bảo. Các ngành sẽ dựa vào những quy định trên để kiểm soát chặt nhằm đảm bảo về môi trường, dịch bệnh gia súc, gia cầm.

Chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc Nguyễn Thị Cát Tiên cho biết: “Huyện có tổng đàn heo lớn nhất tỉnh nên những dự án chăn nuôi không đảm bảo về môi trường địa phương sẽ từ chối nhằm bảo vệ môi trường. Khi phát triển chăn nuôi quá nhiều, vấn đề bảo vệ môi trường rất khó khăn”.

Tại các địa phương khác, thời gian qua do chăn nuôi tăng trưởng “nóng”, công tác xử lý chất thải trong chăn nuôi chưa nghiêm túc hình thành các “điểm đen” về môi trường nên các huyện rất cân nhắc trong việc đề nghị giới thiệu địa điểm, cấp phép đầu tư mới.

Trong xây dựng nông thôn mới, môi trường là tiêu chí rất quan trọng. Các địa phương không làm tốt công tác bảo vệ môi trường, để xảy ra ô nhiễm sẽ không giữ được danh hiệu xã nông thôn mới và xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Hương Giang

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang