• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Quảng Trị: Khẩn trương khắc phục thiệt hại do cung cấp con giống bị bệnh cho người dân

Nguồn tin: Báo Quảng Trị, 07/11/2018
Ngày cập nhật: 8/11/2018

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, UBND xã Hải An (huyện Hải Lăng) và UBND xã Tân Lập (huyện Hướng Hóa), tỉnh Quảng Trị đã cấp phát cho các hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn xã 149 con lợn giống lai F1 và 10 con bò giống. Tuy nhiên, sau khi được cấp phát, một số con giống đã bị ốm và chết khiến người dân hoang mang lo lắng.

Những con bò giống cấp cho người dân thôn Bản Bù được cách ly để điều trị

Từ lợn bị bệnh chết...

Ngày 28/9/2018, 24 hộ dân là hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn xã Hải An được cấp tổng cộng 149 con lợn giống lai F1 có trọng lượng từ 9 - 11 kg/con theo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, vài ngày sau khi nhận nuôi, người dân đã báo với UBND xã về hiện tượng lợn giống được cấp bị chết rải rác với triệu chứng lợn bị tiêu chảy, sưng phù đầu. Đến thời điểm này, theo thống kê của UBND xã Hải An đã có 25 con lợn giống trên tổng số 149 con bị chết. Nguyên nhân được xác định là do lợn bị bệnh tiêu chảy ghép E. Coly. Theo phản ánh của người dân, số lợn giống này đã bị mắc bệnh trước khi cấp phát.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Khắc Mượn ở tại thôn Mỹ Thủy, xã Hải An cho biết, cũng như nhiều hộ nghèo và cận nghèo khác trên địa bàn, cuối tháng 9/2018 ông được nhận 6 con lợn giống lai F1 và 60 kg thức ăn công nghiệp cho lợn. Chưa kịp vui mừng thì số lợn giống được cấp phát của ông sau 2 ngày nhận nuôi đã lăn ra chết dần. Đến nay, trong chuồng của gia đình ông Mượn chỉ có 2 con lợn giống sống sót. Theo ông Mượn, chỉ sau vài ngày thả vào chuồng nuôi, số lợn giống được cấp phát của ông đã có dấu hiệu bị tiêu chảy, đầu sưng phù. Mặc dù đã được cán bộ thú y tiêm chích đầy đủ nhưng chỉ cứu được 2 con. “Lợn bị bệnh có thể do đã bị nhiễm bệnh từ trước, sau khi thay đổi môi trường sống và thức ăn, chế độ chăm sóc đã không thích nghi được”, ông Mượn cho hay.Cách đó không xa, gia đình ông Lê Mua ở tại thôn Mỹ Thủy cũng xảy ra tình trạng lợn giống sau khi nhận về nuôi bị ốm và chết vì bệnh tiêu chảy. Ông Mua cho biết, chỉ vài ngày sau khi thả vào chuồng nuôi lợn đã có dấu hiệu bị bệnh. Mặc dù đã báo ngay với cán bộ thú y để điều trị kịp thời nhưng trong số 7 con lợn giống được cấp thì chỉ cứu được 4 con, 1 con bị chết, còn 2 con bị còi cọc chậm phát triển.

Ông Nguyễn Công Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Hải An cho biết, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2017, UBND xã đã hợp đồng với Công ty TNHH MTV Châu Linh Hải Lăng (có địa chỉ tại số 17 Phan Thanh Chung, thị trấn Hải Lăng, huyện Hải Lăng) cung ứng 149 con lợn giống lai F1 và 6 tấn thức ăn cho 24 hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn xã. Trong đó hộ nghèo được cấp 7 con lợn giống, còn hộ cận nghèo được cấp 6 con cùng thức ăn công nghiệp cho lợn trong suốt quá trình nuôi. Tổng kinh phí của chương trình này là gần 350 triệu đồng bao gồm tiền lợn giống, thức ăn công nghiệp, thuốc thú y, tập huấn hướng dẫn kỹ thuật… Tuy nhiên, sau 2 ngày nhận nuôi đã có 1 con tại hộ ông Phan Văn Hùng ở tại thôn Đông Tân An phát bệnh tiêu chảy ghép E. Coly sưng phù đầu và chết. Tính đến ngày 6/10/2018 toàn bộ 24 hộ được cấp phát lợn đều có lợn bị tiêu chảy, trong đó có 12 hộ có lợn bị mắc bệnh tiêu chảy ghép E. Coly sưng phù đầu, gây chết 25 con. “Số lợn giống được cấp phát này đều được tiêm phòng đầy đủ, đảm bảo thời gian cách ly và có chứng nhận của cơ quan thú y. Vì vậy nguyên nhân lợn chết được xác định có thể là do quá trình vận chuyển, thời tiết thay đổi…”, ông Tuấn nhận định.

... Đến bò bị lở mồm long móng

Cũng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2018, ngày 29/10/2018, tại xã Tân Lập, huyện Hướng Hóa, Công ty TNHH Giống cây trồng - vật nuôi Tân Thành (có địa chỉ tại xã Cam Thành, huyện Cam Lộ) tổ chức bàn giao 10 con bò cái lai Sind có trọng lượng từ 100 - 150 kg cho 10 hộ dân thuộc 4 thôn bản đặc biệt khó khăn của xã. Buổi bàn giao có sự giám sát, kiểm tra của đại diện UBND xã Tân Lập, Trạm Chăn nuôi và Thú y, Phòng Dân tộc, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Hướng Hóa cùng các đơn vị liên quan. Tuy nhiên, chỉ chưa đầy một ngày nhận nuôi, nhiều hộ dân đã tá hỏa khi phát hiện bò giống được cấp có triệu chứng bị bệnh lở mồm long móng và có dấu hiệu lây lan sang bò nhà.

Trao đổi với chúng tôi, anh Hồ A Bích ở tại thôn Bản Bù, xã Tân Lập cho biết, ngày 29/10/2018 gia đình anh được nhận 1 con bò cái lai Sind do dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2018 hỗ trợ. Nhưng vừa mang về nhập đàn nuôi gồm 4 con của gia đình chưa đầy 1 ngày thì anh phát hiện con giống được cấp xuất hiện các triệu chứng như đau chân, lở miệng, sùi bọt mép, chảy nước mắt liên tục. Nghi ngờ bò giống được cấp bị mắc bệnh lở mồm long móng, anh Bích đã tiến hành cách ly và cấp báo với chính quyền địa phương để có biện pháp điều trị. Đến ngày 2/11/2018, đến lượt 1 trong 4 con bò của gia đình anh cũng xuất hiện các triệu chứng đau chân, lở miệng, sùi bọt mép… như con bò giống đã được cấp trước đó. Theo anh Bích, vì tin tưởng bò của dự án đã được tiêm phòng dịch bệnh đầy đủ nên khi nhận về anh không nuôi cách ly riêng mà thả chung với đàn bò nuôi của mình luôn. Ông Hồ Văn Chung, Trưởng thôn Bản Bù cho biết, thực hiện dự án hỗ trợ sản xuất thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, ngày 29/10/2018 Bản Bù được cấp 4 con bò cái lai Sind cho 4 hộ nghèo và cận nghèo để phát triển sản xuất. Nhưng đến ngày 30/10 đã có 3/4 hộ dân được nhận bò giống phản ánh bò có các triệu chứng của bệnh lở mồm long móng. “Hiện người dân đang rất hoang mang, lo sợ dịch bệnh sẽ lây lan cho đàn bò nhà”, ông Chung nói.

Ông Nguyễn Văn Nhuận, Chủ tịch UBND xã Tân Lập cho biết, để triển khai dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, qua nắm bắt nhu cầu của người dân, UBND xã đã hợp đồng với Công ty TNHH Giống cây trồng- vật nuôi Tân Thành cung cấp 10 con bò cái lai Sind và 23 con dê cỏ địa phương cho 16 hộ dân là hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn xã. Trong đó 10 hộ dân được cấp bò giống và 6 hộ được cấp dê giống. Tổng kinh phí thực hiện là 200 triệu đồng. Theo ông Nhuận, đơn vị cung ứng con giống đã được huyện Hướng Hóa thẩm định năng lực và đã có nhiều năm cung cấp giống cây trồng, vật nuôi trên địa bàn huyện. Khi cung cấp con giống đều có đầy đủ giấy tờ kiểm dịch, tiêm phòng đảm bảo thời gian cách ly nên xã mới tiếp nhận và khi tiếp nhận bằng cảm quan cũng không thấy bò giống có biểu hiện gì. Tuy nhiên, theo kiểm tra của chính quyền địa phương, đến nay đã có 4 con bò giống ở thôn Bản Bù và Làng Vây 2 bị bệnh lở mồm long móng. “Đơn vị cung ứng đã nuôi cách ly bò giống cả tháng nay mà không phát bệnh. Khi bàn giao vẫn khỏe mạnh. Có thể do quá trình vận chuyển hoặc thay đổi khí hậu do Tân Lập có tiểu vùng khí hậu khác với nơi bò được nuôi cách ly nên vật nuôi mới phát bệnh”, ông Nhuận cho hay.

Khẩn trương khắc phục

Theo ông Nguyễn Công Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Hải An, ngay sau khi phát hiện lợn bị bệnh, Công ty TNHH MTV Châu Linh Hải Lăng đã cử cán bộ kỹ thuật trực tiếp về địa bàn cùng với cán bộ thú y xã hướng dẫn người dân các biện pháp phòng trị bệnh. Tiến hành phun tiêu độc khử trùng, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi đảm bảo đúng theo quy trình điều trị bệnh. Đến nay, ngoài 25 con lợn bị chết, những con còn lại đều đã phát triển bình thường, trọng lượng bình quân đạt khoảng 20 - 25 kg/con, nếu tiếp tục chăm sóc tốt thì sau khoảng 1,5 - 2 tháng nuôi nữa là có thể xuất bán. Để ổn định tình hình, không để người dân bị thiệt thòi, ngoài việc cam kết cấp đổi lại giống cho những hộ có lợn chết sau một thời gian ổn định, công ty đã tiến hành thu hồi 50 con lợn giống sau khi điều trị lành bệnh đưa về trang trại của công ty chăm sóc, theo dõi và cam kết sẽ hỗ trợ lại số lợn này trong thời gian tới cho người dân. Ngoài ra, công ty còn cam kết với người dân sẽ tiếp tục chịu trách nhiệm theo dõi, điều trị và có hướng khắc phục về những sự cố có thể xảy ra trong thời gian tới theo hợp đồng đã ký với UBND xã.

Còn tại xã Tân Lập, ông Nguyễn Văn Nhuận, Chủ tịch UBND xã cho hay, ngay sau khi phát hiện bò bị bệnh, UBND xã đã báo cho Trạm Chăn nuôi & Thú y, Phòng NN&PTNT huyện, tổ chức cách ly, phun tiêu độc khử trùng; đồng thời cử cán bộ thú y xã cùng với cán bộ kỹ thuật của Công ty THHH Giống cây trồng - vật nuôi Tân Thành tiến hành điều trị theo đúng phác đồ của cơ quan chuyên môn. “Đến nay con bò giống ở thôn Làng Vây 2 đã hết các dấu hiệu bị bệnh, 3 con bò giống còn lại và 1 con bò nuôi của người dân ở thôn Bản Bù đến chiều nay sẽ tiêm xong các mũi cuối cùng nhưng nhìn bằng mắt thường thì các triệu chứng bệnh cũng không còn nữa”, ông Nhuận cho hay. Đại diện Công ty TNHH Giống cây trồng - vật nuôi Tân Thành cũng cam kết sẽ chịu mọi chi phí điều trị cho không chỉ bò giống của công ty mà còn điều trị cho các vật nuôi khác của người dân trên địa bàn xã như bò, dê, lợn… không may mắc bệnh lở mồm long móng.

Theo ông Nguyễn Ngọc Khả, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hướng Hóa, có khả năng bò đã bị nhiễm mầm bệnh từ trước đó nhưng chưa phát bệnh. Khi khí hậu thay đổi do bò được đưa từ vùng này đến vùng khác thì mới phát bệnh. Ông Khả cho biết thêm, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2018, đã có 48 con bò giống lai Sind được hỗ trợ cho người dân thuộc 4 xã và 1 thị trấn của huyện Hướng Hóa. Ngay sau khi nhận được thông tin bò giống bị bệnh lở mồm long móng ở xã Tân Lập, Phòng NN&PTNT đã chỉ đạo địa phương tập trung khoanh vùng, phun tiêu độc khử trùng, tiến hành điều trị cho số bò bị bệnh và tiêm phòng vắc xin bao vây. Đồng thời cùng Trạm CN&TY huyện triển khai rà soát lại, kiểm tra toàn bộ các xã, thị trấn được công ty này cấp bò giống để có biện pháp xử lý kịp thời.

Có thể nói, việc điều trị lành bệnh lở mồm long móng cho bò hoặc việc hỗ trợ điều trị và cấp phát lại con giống cho các hộ có lợn giống bị chết là điều cần thiết để các hộ nghèo sớm khôi phục chăn nuôi. Tuy nhiên, song song với đó, các cơ quan chức năng cùng đơn vị chuyên môn cần kiểm tra, xác định rõ trách nhiệm, có kết luận cuối cùng để công bố nguyên nhân cho người dân được biết. Từ đó, tránh những đồn đoán, dư luận không tốt làm ảnh hưởng đến một chương trình có ý nghĩa kinh tế, nhân văn được địa phương thực hiện hiệu quả trong thời gian qua.

Thục Quyên

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang