• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Chống hạn, tránh úng trong vụ hè thu

Nguồn tin: Báo Nghệ An, 01/06/2017
Ngày cập nhật: 2/6/2017

Vụ sản xuất hè thu năm nay sẽ gặp nhiều khó khăn, xu hướng diễn biến của thời tiết rất bất lợi, cùng với biến đổi khí hậu đang diễn ra khó lường. Vì vậy, các địa phương phải tập trung chỉ đạo và thực hiện nhiều giải pháp “né tránh” thì mới có một vụ sản xuất mới thành công.

Những năm gần đây, vụ sản xuất hè thu ở Nghệ An tương đối ổn định cả về diện tích và năng suất cây trồng. Gần đây nhất là vụ hè thu 2014, 2015 và cả vụ hè thu 2016, diện tích gieo cấy lúa luôn ổn định trên dưới 55.000 ha/vụ, năng suất đạt bình quân từ 49 - 49,5 tạ/ha vụ. Các loại cây trồng khác như ngô, lạc, vừng, đậu đỗ diện tích không lớn, nhưng cả diện tích và năng suất cũng khá ổn định.

Nông dân Yên Thành sản xuất sớm vụ hè thu. Ảnh: Anh Tuấn

Thực chất vụ sản xuất hè thu ở Nghệ An xưa và nay bà con nông dân vẫn quan niệm là “vụ sản xuất bấp bênh”, mang tính chất vừa chạy lụt, vừa né tránh bão lụt, nên sản xuất theo phương châm “lấy thì bù thục" để vừa đảm bảo ăn chắc, vừa có thu hoạch, thay vì đầu tư thâm canh cao để có năng suất cao.

Không những không đầu tư thâm canh cao, mà cơ cấu giống phần lớn là các giống lúa chất lượng cơm gạo kém như KD18, KD đột biến, KD28… Đây là những giống lúa "dễ tính" và sản lượng lúa làm ra chủ yếu phục vụ chăn nuôi, nơi nào có dư thừa nhiều thì bán lại cho các tư thương để sản xuất bún, bánh, nấu rượu… Vì vậy, sản xuất vụ lúa hè thu xưa và nay năng suất vừa không cao, vừa đem lại hiệu quả kinh tế không nhiều.

Vụ sản xuất hè thu 2017, Sở NN&PTNT xây dựng đề án được UBND tỉnh đồng ý với chỉ tiêu kế hoạch sản xuất 55.000 ha lúa, 16.000 ha ngô, 1.200 ha lạc, 4.000 ha đậu đỗ, 9.000 ha vừng và một số cây rau màu khác.

Riêng cây lúa phấn đấu đạt năng suất bình quân 49,5 tạ/ha, sản lượng 272.250 tấn. Trong số diện tích lúa hè thu năm nay cố gắng đưa vào cơ cấu 25.000 ha các giống lúa gạo hàng hóa chất lượng cao như: Bắc thơm 7, Hương thơm 1, VT-NA 9... để phục vụ nhu cầu người tiêu dùng và để gia tăng giá trị thu nhập cho bà con nông dân trong vụ lúa này.

Để đạt được mục tiêu trên, trước hết các địa phương và từng cơ sở sản xuất phải lượng định được những khó khăn và thuận lợi của vụ sản xuất hè thu năm nay, để từ đó chủ động có giải pháp khắc phục sớm.

Điều dễ thấy nhất về thuận lợi của vụ sản xuất hè thu năm nay là lúa xuân thu hoạch sớm hơn những năm bình thường từ 10 - 15 ngày ở vùng Diễn - Yên - Quỳnh và Đô Lương từ 8 - 10 ngày ở vùng Nam - Hưng - Nghi, Thanh Chương và các huyện miền núi.

Thuận lợi lớn thứ 2 là hầu hết diện tích lúa xuân được thu hoạch bằng cơ giới hóa rất nhanh để giải phóng đất làm hè thu sớm. Chính nhờ có 2 thuận lợi lớn nói trên, nên nhiều xã đã xuống đồng gieo cấy lúa hè thu từ nhiều ngày nay.

Khó khăn của vụ sản xuất hè thu năm nay là rất lớn, do hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra ngoài quy luật vốn có của nó không còn được duy trì nữa, đó là hiện tượng nắng nóng gay gắt, hạn hán nghiêm trọng, dông lốc xuất hiện...

Nông dân Diễn Châu gieo cấy hè thu. Ảnh: Thanh Tùng

Theo dự báo của ngành Khí tượng thủy văn thì bắt đầu từ cuối tháng 5 này trở đi nắng nóng kéo dài, nhiệt độ cao bất thường, hạn hán nghiêm trọng, xâm nhập mặn kéo sâu vào đất liền do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino đến quá sớm. Vì vậy, cho dù hiện tại toàn tỉnh có 625 hồ đập đang tích nước, nhưng lượng nước bốc hơi lớn thì không thể chủ quan với tình hình hạn hán.

Đặc biệt, ở vùng tưới nước bằng hệ thống bơm điện thuộc nguồn nước lấy từ sông Lam và nhiều con sông khác rất dễ gặp khó khăn do nguồn nước các con sông bị khô cạn; vì trời không mưa, nguồn nước sinh thủy ít, lại bị các nhà máy thủy điện giữ nước lại để phát điện kinh doanh…

Ngoài ra, cũng vì thời tiết nắng nóng sẽ là cơ hội cho hàng loạt loại sâu bệnh sinh sôi phát triển mạnh như: sâu cuốn lá, sâu đục thân, bọ trĩ, rầy các loại, bệnh khô vằn... sẽ liên tục phát sinh nhau phá hại lúa. Ngoài sâu bệnh ra, do nhiều năm nay ở Nghệ An không có mưa to, lụt lớn gây ngập úng, nên tình trạng chuột sinh sôi phát triển mạnh sẽ phá hại nặng nhiều loại cây trồng, điều đó đang đặt ra yêu cầu chúng ta phải có biện pháp tiêu diệt sớm ngay từ bây giờ.

Từ những khó khăn nói trên, vụ sản xuất hè thu năm nay không những hướng tới mục tiêu an toàn, thu hoạch sớm trước mùa mưa bão từ sau ngày 10 tháng 9 trở đi, mà còn phải là vụ sản xuất hè thu năng suất cao, có sản phẩm lúa gạo ngon để gia tăng giá trị thu nhập cho người sản xuất. Muốn vậy, theo chúng tôi, các địa phương và các cơ sở sản xuất nên tập trung làm tốt mấy vấn đề sau:

Giữ nước, sử dụng nước tiết kiệm. Để vụ hè thu không thiếu nguồn nước tưới nghiêm trọng, các đơn vị làm công tác thủy nông cùng với các địa phương và các cơ sở sản xuất phải tổ chức thành phong trào đắp bờ giữ nước tại ruộng, nạo vét kênh mương, tranh thủ bơm nước vào các sông, hồ, ao, mương máng… để giữ nước lại.

Ngoài ra, hạn chế đến mức thấp nhất diện tích lúa gieo sạ gây lãng phí nước lớn (cách làm này ở các huyện Yên Thành, Diễn Châu và Quỳnh Lưu chỉ đạo được bà con nông dân thực hiện tốt từ nhiều năm nay). Đồng thời, chỉ nên cơ cấu các giống lúa ngắn ngày, có thời gian sinh trưởng không quá tối đa 105 ngày và nên là những giống lúa có chất lượng cơm gạo ngon.

Trong vụ lúa hè thu hàng năm, toàn tỉnh có khoảng 18.000 - 20.000 ha diện tích thường bị ngập úng khi có mưa to từ 80 - 120mm, tập trung ở các huyện: Hưng Nguyên, ngoài đê Nam Đàn, vùng giữa Nghi Lộc, vùng hạ huyện Yên Thành, vùng hạ Thanh Chương, và một số vùng nhỏ ở các huyện khác. Những vùng này chỉ nên gieo cấy các giống lúa có thời gian sinh trưởng dưới 90 ngày và cần gieo mạ sớm trước khi gặt lúa xuân.

Trong suốt cả vụ sản xuất hè thu năm nay, các cơ sở sản xuất cần thường xuyên thăm đồng để phát hiện sớm các loại sâu bệnh gây hại trên cây trồng. Chắc chắn vụ lúa hè thu năm nay sẽ có các loại sâu hại gây thành dịch trên cây lúa như: sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân, rầy nâu và cả chuột. Vì vậy, việc thường xuyên thăm đồng, phát hiện sớm, phòng trừ ngay khi có sâu bệnh xuất hiện theo hướng dẫn của các trạm bảo vệ thực vật ở các huyện.

Doãn Trí Tuệ

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang