• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Đắk Nông: Hàng trăm ha cao su chậm khai thác do nhiễm bệnh phấn trắng

Nguồn tin: Báo Đắk Nông, 29/05/2017
Ngày cập nhật: 1/6/2017

Mặc dù năm nay thị trường cao su đang có dấu hiệu khởi sắc nhưng do phần lớn diện tích cao su của bà con bị bệnh phấn trắng tấn công nên việc cạo mủ đã bị chậm lại làm ảnh hưởng đến sản lượng mủ, gây thiệt hại không nhỏ cho người trồng cao su.

Theo Chi cục Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp-PTNT) do thời tiết diễn biến thất thường nên bệnh phấn trắng có điều kiện phát sinh trên cây cao su. Mặc dù các đơn vị chuyên môn và nông dân đã nỗ lực triển khai các biện pháp phòng trừ nhưng bệnh hại vẫn xảy ra làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển của vườn cây.

Vườn cao su 9 năm tuổi của ông Đào Xuân Thuấn ở thôn 5, xã Hưng Bình (Đắk R’lấp) chưa thể khai thác do vườn cây bị bệnh phấn trăng

Gia đình bà Nguyễn Thị Minh ở thôn 2, xã Hưng Bình (Đắk R’lấp, Đắk Nông) có 5 ha cao su. Đến thời điểm này, như mọi năm, gia đình bà đã tiến hành khai thác mủ được hơn 2 tháng. Thế nhưng năm nay, việc cạo mủ phải dừng lại do vườn cây bị nhiễm bệnh phấn trắng khiến cao su liên tục rụng lá non.

Bà Minh cho biết: “Năm nay do thời tiết thất thường, bệnh phát sinh sớm nên nhiều nhà trồng cao su trở tay không kịp”.

Ông Lê Văn Tiến ở thôn 9, xã Đắk Sin có gần 3 ha cao su đang thời kỳ kinh doanh, nhưng cách đây hơn 3 tháng đã phát hiện có dấu hiệu của bệnh phấn trắng. Tình trạng bệnh này đã ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch khai thác mủ của gia đình.

Qua tìm hiểu, năm nay, toàn tỉnh có hàng trăm ha cao su bị bệnh phấn trắng, tập trung nhiều ở các huyện như: Đắk R’lấp, Tuy Đức, Đắk Song, Đắk Glong, Krông Nô… Bệnh phấn trắng thường xuất hiện trong mùa thay lá, khoảng từ tháng 1 đến tháng 3 hằng năm.

Bệnh phấn trắng phát triển mạnh vào thời điểm cây cao su vừa rụng lá xong. Bệnh không làm chết cây và khi thời tiết chuyển sang mùa mưa thì bệnh sẽ tự chấm dứt nên bà con nông dân còn chủ quan, xem nhẹ và chưa có cách phòng, chữa hiệu quả.

Trao đổi về bệnh này, bà Hoàng Ngọc Duyên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật cho rằng, bệnh phấn trắng trên cây cao su xuất hiện thường niên. Bệnh do nấm OidiumHeveae Steim gây ra. Nếu không xử lý kĩ, nấm tồn tại từ vụ này qua vụ khác, trên cây thực sinh hay vườn nhân giống. Đối với những vườn cây kiến thiết cơ bản (1 – 5 năm tuổi), nấm thường gây hại trên chồi non và làm chết chồi. Ở những vườn cây đã cho khai thác, nấm thường xuất hiện trong mùa thay lá, làm rụng lá non và hoa, giảm thời gian thu hoạch, dẫn đến giảm năng xuất vườn cây. Các nhà vườn phải thường xuyên thăm vườn để kịp thời phát hiện bệnh. Khi cao su nhiễm bệnh hoặc chưa nhiễm bệnh, bà con nên căn cứ vào lớp lá mới để quyết định xử lý bằng cách phun thuốc trực tiếp lên cây.

Tuy nhiên, hiện nay, do các hộ trồng cao su với diện tích nhỏ lẻ, việc đầu tư phương tiện xử lý bệnh, máy phun thuốc chuyên dụng rất khó khăn, cây cao su lại khá cao, vòi phun máy thủ công không thể vươn tới những điểm lá bị bệnh... trong khi bệnh dịch ngày càng khó phòng trừ và lây lan trên diện rộng. Do đó, các cấp, ngành chuyên môn và nông dân cần khai thác triệt để điều kiện sẵn có để phòng trừ bệnh nhằm hạn chế và cắt đứt nguồn lây lan bệnh. Có như vậy, cây cao su mới mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân trên địa bàn tỉnh.

Những loại thuốc đặc trị phổ biến hiện nay như: Kumulus 80DF, Sulox 80WP nồng độ 0,3%. Ngoài ra, bà con có thể sử dụng các loại thuốc có chứa hoạt chất Hexaconazole (Anvil 5SC, Callinex 50SC nồng độ 0,15%) để phun lên tán lá khi có 10% lá non nhú chân chim và ngưng phun khi có 80% lá đã già. Đồng thời, có thể kết hợp phun thuốc Sulox 80WP với phân bón lá cao cấp Multi-K nhằm tăng cường khả năng sinh trưởng và chống chịu bệnh của cây cao su.

Văn Tâm

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang