• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Cấp thiết tìm cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu

Nguồn tin: Báo Cần Thơ, 31/05/2017
Ngày cập nhật: 1/6/2017

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia vừa tổ chức tọa đàm "Tìm giải pháp canh tác cây trồng hợp lý thích ứng biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL" tại tỉnh Hậu Giang, các cơ quan quản lý, nhà khoa học đều nhìn nhận rằng, tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản tại ĐBSCL. Việc tìm ra những giải pháp canh tác cây trồng vừa đảm bảo năng suất, chất lượng cũng như thích ứng được các yếu tố cực đoan của BĐKH cho vùng ĐBSCL đang là nhiệm vụ cấp thiết.

Chủ động chuyển đổi

Gia đình chị Nguyễn Thị Bé, ở ấp Nhơn Thuận, xã Nhơn Nghĩa (huyện Phong Điền, TP Cần Thơ) đang thu hoạch cà.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, Trương Cảnh Tuyên cho hay, thời gian qua do ảnh hưởng của BĐKH đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển nông nghiệp của tỉnh. Tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp, mô hình, trong đó có một số mô hình bước đầu đã mang lại kết quả như: mô hình lúa – tôm ứng phó với tình hình hạn hán và xâm nhập mặn ở xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ; mô hình trồng cam xoàn ứng dụng hệ thống tưới nhỏ giọt và tưới phun; mô hình chuyển đổi từ đất trồng lúa sang trồng dưa hấu chuyên canh; mô hình trồng mía ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới ở xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp;... Nông dân rất năng động trong thực hiện các mô hình chyển đổi, thu nhập trên đơn vị diện tích tăng so với độc canh cây lúa.

Ông Nguyễn Hoàng Nhựt, ấp Đông An, xã Đại Thành, thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang có 8 công đất trồng lúa, chủ yếu lấy công làm lời, bởi thu nhập từ cây lúa thấp. Cuối năm 2010, ông chuyển đổi sang trồng cam. "Sau 3 năm trồng, cây cam sành cho trái ổn định và có thu nhập. Năm 2015-2016 với 1.800 cây cam sành, thu hoạch được 15 tấn, giá bán trung bình 16.000 đồng/kg, trừ chi phí, tôi lời 170 triệu đồng. Năm 2017, năng suất cao hơn năm 2016 ước khoảng 20 tấn, với giá bán trung bình hiện nay 20.000 đồng/kg, tôi dự tính thu lãi được 300 triệu đồng. Nhờ chuyển đổi sang cây cam sành, thu nhập gia đình cải thiện hơn so với trồng lúa, kinh tế gia đình trở nên ổn định hơn"- ông Nhựt cho hay. Còn ông Nguyễn Thanh Điều, ấp 7, xã Vị Trung, huyện Vị Thủy có 9,5ha đất trồng lúa; ông Điều mạnh dạn chuyển đổi phương thức sản xuất trên 1,5ha lúa như: sạ thưa, sử dụng bảng so màu lá lúa để bón phân hợp lý, giảm số lần dùng thuốc trừ sâu bệnh,… năng suất lúa cũng cao hơn trước từ 500 - 800 kg/ha. Sau khi trừ các khoản chi phí đầu tư, ông Điều đạt lợi nhuận 34 triệu đồng/ha cao hơn so với trước kia 9 triệu đồng/ha.

BĐKH ngày càng khắc nghiệt, dịch bệnh trên lúa phức tạp; không có lũ để mang phù sa về, đất ngày càng khô cằn, trồng lúa phải tốn nhiều chi phí phân bón hơn trước. Giá cả bấp bênh, lúa bị thương lái ép giá… Nhiều nông dân trồng lúa đã chủ động các giải pháp thích ứng với BĐKH. Ông Nguyễn Văn Rạng, ấp 6, xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang cho hay, gia đình tôi có 3ha diện tích đất trồng lúa ngoài đê bao ngăn mặn. Tôi mạnh dạn luân canh một vụ lúa-một vụ tôm; nuôi tôm quảng canh lợi nhuận đạt 101,7 triệu đồng/3ha/năm. Mô hình còn tận dụng được chất hữu cơ từ thức ăn và phế thải của tôm giúp cho lúa phát triển tốt mà không cần sử dụng nhiều phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo duy trì năng suất bền vững và cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng. Đây là tiền đề trồng lúa hữu cơ, phát triển nông nghiệp sạch trong tương lai.

Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang, tỉnh đã chuyển đổi một phần diện tích đất chuyên trồng lúa 3 vụ/năm sang 2 vụ lúa 1 vụ màu góp phần đa dạng hóa cây trồng trong điều kiện xâm nhập mặn, góp phần tăng thu nhập và lợi nhuận cho người nông dân, tăng nguồn nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi- thủy sản trong nước, hạn chế nhập khẩu mè, bắp, đậu nành… Năng suất trung bình của mô hình trồng mè 894 kg/ha, lợi nhuận trung bình trên 8,98 triệu đồng/ha. Mô hình trồng bắp nếp lợi nhuận 48,95 triệu đồng/ha, cao hơn nhiều so với lúa hè thu. Mô hình trồng bắp được liên kết tiêu thụ theo hợp đồng và đang duy trì ở huyện U Minh Thượng... Tại huyện Phong Điền, TP Cần Thơ, những năm gần đây do thời tiết không thuận lợi, khó khăn trong việc lấy nước cải tạo đất trồng lúa, nên nông dân đã chuyển sang trồng xen kẽ một số loại cây trồng như: đậu, bắp, đậu cô ve, cà, bầu, hẹ, hoa huệ… Chị Nguyễn Thị Bé, ở ấp Nhơn Thuận, xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, có 3 công đất ruộng cặp quốc lộ 61C chuyên trồng lúa, nhưng nguồn nước khan hiếm, phù sa ít vào đồng ruộng, chi phí sản xuất tăng, diện tích canh tác ít nên hầu như không có lời. "Tháng 7-2015, gia đình tôi đầu tư lên liếp trồng cà, với giá bán khoảng 5.000 đồng/kg, 3 công cà lợi nhuận gấp nhiều lần so với trồng lúa"- chị Bé cho biết.

Giải pháp cấp thiết

Các nhà khoa học đầu ngành nông nghiệp cho rằng, giải pháp quan trọng là canh tác cây trồng hợp lý thích ứng với BĐKH, bố trí thời vụ hợp lý. Chuyển đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây khác có hiệu quả cao hơn và sử dụng ít nước hơn; tăng diện tích luân canh lúa – màu và lúa – thủy sản. Chuyển cơ cấu 3 vụ lúa đông xuân – xuân hè – hè thu sang cơ cấu đông xuân – hè thu – thu đông trong các vùng ngọt hóa, không ngập và ngập nông. Ngoài ra, đẩy mạnh việc ứng dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến theo hướng sử dụng ít hơn vật tư đầu vào. PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu-Trường Đại học Cần Thơ cho hay, nông dân ở các tỉnh ven biển ĐBSCL như: Sóc Trăng, Bến Tre, Trà Vinh, Bạc Liêu… đã thay đổi tập quán sản xuất, một số khu vực chuyên trồng lúa 3 vụ đã chuyển sang trồng khoai- bắp- lúa, dưa hấu-đậu xanh-bắp, mô hình trồng màu-lúa-khoai… Các mô hình sản xuất trên được triển khai đã thu được những kết quả quan trọng, đặc biệt đã giúp người nông dân xác định được những ưu tiên trong sản xuất thích nghi với BĐKH và bố trí thời vụ hợp lý, chọn lựa cây, con phù hợp.

GS.TS Nguyễn Thị Lang, Viện lúa ĐBSCL cho rằng, nông nghiệp vùng ĐBSCL cần phải chuyển hướng theo chiều sâu, trên cơ sở phát triển khoa học nông nghiệp, những tiến bộ kỹ thuật mới để ứng dụng các giống lúa cải tiến có khả năng chống chịu ngập một phần do lũ, ngập hoàn toàn, chống chịu khô hạn, chống chịu mặn… Viện lúa ĐBSCL có một số giống lúa cải tiến cho năng suất cao, thích ứng với BĐKH như: giống lúa OM 4900, OM 5451, OM 4488… cho những vùng ngập sâu tỉnh An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp và 1 phần của TP Cần Thơ; giống lúa OM 8108, OM 8104… cho khu vực nhiễm mặn như: Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Kiên Giang; giống lúa OM 6677, MNR1, MNR2, MNR3… chống chịu đất nhiễm phèn ở tỉnh Hậu Giang, Long An.

Theo ông Trần Văn Khởi, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, BĐKH đang tác động mạnh mẽ tới ĐBSCL, nơi có sản lượng nông sản, thủy sản lớn nhất cả nước. Bên cạnh đó, nước biển dâng, nguồn nước trên thượng nguồn sông Mekong đổ về giảm, hạn hán, xâm thực mặn gia tăng, phèn hóa đang biểu hiện ngày càng rõ rệt và chưa có khuynh hướng dừng lại ở khu vực này. Đây là lúc cấp thiết phải xây dựng các giải pháp nhằm giảm thiểu, khắc phục những tác động này đối với ĐBSCL. Đồng thời phải có giải pháp phát triển thị trường bền vững cho nông sản.

Ông Vũ Trọng Khải, chuyên gia nghiên cứu độc lập về kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn:

Thị trường là chuyện của doanh nghiệp

Chuyển đổi sản xuất nông nghiệp phải làm tổ chức theo chuỗi ngành hàng, mà nhạc trưởng là doanh nghiệp (DN) chế biến và tiêu thụ. 3 vấn đề nông dân không thể giải quyết được: một là thị trường và thương hiệu, hai là áp dụng công nghệ mới, ba là vốn. DN khi có thị trường thì mới đặt hàng nông dân, nhưng nhiều DN chưa làm được điều này. Còn nông dân thì cứ sản xuất theo ý mình, như nuôi heo của Đồng Nai và cả nước vừa rồi thì trông mong vào thị trường Trung Quốc, nhưng nhiều thương nhân Trung Quốc có tôn trọng chữ tín hay không? Họ có hợp đồng mua thịt heo với ta đâu mà giữ chữ tín. Thế mà mình căn cứ vào thị trường tiểu ngạch để mình chăn nuôi thì mình sai. Chỉ có DN mới làm được thị trường quốc tế thôi, trang trại dù có nghìn con heo cũng không thể nào làm thị trường.

Kế đến là giống cây trồng vật nuôi để nông dân chuyển đổi sản xuất. Trong điều kiện BĐKH, phải nghiên cứu BĐKH diễn ra như thế nào và cần cả một ngành công nghiệp tạo giống thích ứng với BĐKH. Mà làm giống đâu phải là một hai năm hay một vài vụ, mà là cả chục vụ mới ra được giống chất lượng. Trung Quốc đầu tư hai chục năm nay rồi, chứ đầu phải làm là có ngay. Cần phải có tầm nhìn dài hạn rồi đầu tư nghiên cứu khoa học chọn tạo giống tốt nhất, vừa thích ứng với BĐKH, vừa đáp ứng nhu cầu thị trường.

Khánh Hoàng

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang