• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Thăng trầm hồ tiêu đất Phú: Kỳ 2: Vỡ mộng hồ tiêu

Nguồn tin: Báo Phú Yên, 14/04/2017
Ngày cập nhật: 16/4/2017

Vợ chồng anh Nguyễn Công Loan ở xã Sơn Thành Đông (huyện Tây Hòa) đang phải thu dọn những trụ tiêu chết do bệnh - Ảnh: Trung Hiếu

Trong cơn “sốt” hồ tiêu, nhiều người trồng tiêu ở Sơn Thành (gồm Sơn Thành Tây và Sơn Thành Đông thuộc huyện Tây Hòa) và nhiều người chưa từng trồng tiêu ở những nơi khác cũng đổ về Sơn Thành mua đất, lập vườn trồng tiêu. Diện tích tiêu của tỉnh tăng nhanh, bất chấp quy hoạch. Do đó, hàng loạt vườn tiêu nhiễm bệnh, cả trăm hécta tiêu lụi tàn, người trồng tiêu trắng tay, vỡ nợ.

Ồ ạt trồng tiêu

Nhiều năm trở lại đây, vùng tiêu Sơn Thành và các địa phương khác liên tục trúng đậm nhờ hồ tiêu có giá. Sau mỗi vụ, nhà vườn bỏ túi hàng trăm triệu đến cả tỉ đồng. Chếnh choáng men nồng hồ tiêu, người người, nhà nhà ồ ạt mua đất trồng tiêu bất chấp tính đỏng đảnh của loài cây được xếp vào hàng “khó ở” như hồ tiêu.

Ông Dương Văn Hòa ở thôn Đá Mài, xã Sơn Thành Tây (huyện Tây Hòa), cho biết: Năm 2012, vợ chồng tôi mua 4 sào đất (4.000m2) trồng tiêu, sau 4 năm chăm bẵm, vụ tiêu năm 2016, vườn tiêu cho trái bói. Dù chưa vào kỳ kinh doanh nhưng sản lượng được gần 7 tạ (700kg) tiêu khô, cho thu nhập hơn 100 triệu đồng. Thấy cây tiêu bội thu, gia đình mua 3 sào đất, trồng thêm tiêu. Còn gia đình anh Đồng Văn Đức ở thôn Đá Mài lại khác, mặc dù trước nay chưa từng trồng tiêu, chưa biết gì về cây tiêu và cũng không sẵn tiền để trồng tiêu, nhưng trong “cơn ngây ngất” hồ tiêu, vợ chồng anh quyết định bán rẫy keo đang kỳ sung mãn để lấy tiền làm tiêu. Anh Đức tâm sự: Thấy hàng trăm hộ trồng tiêu quanh vùng thắng lớn với mức thu nhập hàng trăm triệu đồng nên vợ chồng tôi ham quá bán luôn 3ha keo được 250 triệu đồng, vay thêm Ngân hàng NN-PTNT huyện Tây Hòa 50 triệu đồng nữa mua đất trồng 4 sào tiêu.

Trong cơn “sốt” hồ tiêu, người dân ở Sơn Thành đổ xô trồng tiêu, nhiều người ở nơi khác cũng đổ về đây trồng tiêu. Chị Võ Thị Loan ở thôn Sơn Tây, xã Sơn Thành Tây (huyện Tây Hòa), tâm sự: Trước đây, gia đình tôi sống ở Sông Hinh, chồng làm trong quân đội, tôi là giáo viên dạy trẻ, đồng lương công chức Nhà nước ít ỏi. Mơ ước đổi đời, hai vợ chồng xin nghỉ việc, gom hết tài sản, vốn liếng dành dụm được bấy lâu về Sơn Thành Tây mua đất trồng tiêu. Năm 2012, vợ chồng tôi sang được 2 lô đất rộng 1ha ở thôn Sơn Tây với giá 300 triệu đồng để trồng tiêu.

Theo Sở NN-PTNT, Phú Yên chưa có quy hoạch về diện tích, khu vực phát triển cây hồ tiêu; còn theo quy hoạch của Bộ NN-PTNT thì đến năm 2020, Phú Yên được phân bổ trồng 400ha tiêu. Trong khi đó, hiện nay, toàn tỉnh đã có gần 1.000ha tiêu, tăng gấp 2,5 lần so với quy hoạch.

Bùng phát dịch

Được xếp vào hàng đỏng đảnh, hồ tiêu rất khó trồng, kén đất, nhạy cảm với thời tiết... Khi người dân ồ ạt trồng tiêu, bất chấp các điều kiện cần thiết, khiến cho dịch bệnh xuất hiện ngày càng nhiều.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, từ năm 2010 đến nay, cây hồ tiêu ở Phú Yên xuất hiện bệnh khá nhiều. Ban đầu là những bệnh trên lá, thân, xuất hiện lẻ tẻ ở một số vườn. Nhưng sau mỗi năm dịch bệnh càng nhiều hơn, đỉnh điểm là kỳ dưỡng trái của vụ tiêu năm nay. Khi trời không “đãi” người trồng, mưa kéo dài liên tục làm nhiều vùng trồng tiêu bị ngập nước, phát sinh một số loại bệnh nguy hiểm như chết nhanh, chết chậm, tuyến trùng...

Hơn 1 tháng qua, vợ chồng anh Nguyễn Công Loan ở thôn Mỹ Bình, xã Sơn Thành Đông (huyện Tây Hòa) không màng đến chuyện ra vườn. Anh Loan buồn rầu chia sẻ: “Mỗi khi ra vườn, nhìn các trụ tiêu đang héo rũ từng ngày, lòng dạ chẳng thiết nuốt cơm. Từ cuối năm ngoái, cả vườn tiêu rộng hơn 4 sào với 600 trụ tiêu đang sung sức bỗng trở buồn, lá rủ xuống, đen dần rồi chết. Sau 3 tháng nhiễm bệnh, đã có 500 trụ tiêu chết, số còn lại cũng đang thoi thóp. Để trồng 600 trụ tiêu này, 3 năm qua, vợ chồng tôi đã đầu tư gần 700 triệu đồng, bây giờ thì trắng tay”. Cách vườn gia đình anh Loan không xa, vườn tiêu của ông Phạm Văn Nở cũng tan hoang không kém. Theo ông Nở, gần chục năm trồng tiêu, chưa năm nào ông thấy cây tiêu bị dịch bệnh hoành hành dữ dội như năm nay. Cả vườn tiêu hơn 500 gốc của gia đình ông chỉ còn trơ cây choái. Hôm chúng tôi ghé vườn thì ông đang thuê xe múc đào bỏ mấy trăm gốc lồng mứt, xới đất xử lý vôi bột, chuẩn bị cho mùa trồng mới.

Tại xã Sơn Thành Tây, những tháng qua, dịch bệnh quét qua đây không khác gì cơn bão, làm cho hàng loạt vườn tiêu tan tác, lụi tàn. Ông Sáu Tịnh ở thôn Sơn Trường, xã Sơn Thành Tây (huyện Tây Hòa), cho hay: Đến giờ tôi vẫn chưa khỏi bàng hoàng, cả vườn tiêu gần 1ha đang kỳ nuôi trái, các trụ tiêu khỏe mạnh, chi chít buồng, hạt tiêu đang thì tròn mẩy, hứa hẹn một vụ mùa bội thu bỗng chuyển vàng, lá úa dần từ dưới chân lên tới đọt rồi héo rũ, chỉ sau 1 tháng nhiễm bệnh, hơn 1.300 hố tiêu chỉ còn trơ choái.

Theo Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tây Hòa Nguyễn Dũng, toàn huyện có hơn 116ha tiêu bị thiệt hại hoàn toàn; trong đó, xã Sơn Thành Tây bị chết 95ha, Sơn Thành Đông 20ha, Hòa Phú 1ha. Còn theo Phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh, đợt dịch bệnh vừa qua cũng làm cho khoảng 60/180ha tiêu của địa phương bị nhiễm bệnh và chết với tỉ lệ thiệt hại khoảng 30%.

Chi cục phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN-PTNT) Đặng Văn Mạnh khẳng định: Nguyên nhân khiến dịch bệnh trên cây tiêu bùng phát là do người dân ồ ạt trồng tiêu trong khi kiến thức, kinh nghiệm thì chưa “tới”; cây giống không được chọn lựa kỹ. Đồng thời nhiều năm nay tiêu có giá nên người dân đầu tư thâm canh quá mức, phân thuốc nhiều, cây tiêu phát triển xanh tốt tăng sức quyến rũ, thu hút nhiều dịch bệnh tìm đến.

Ông Phạm Văn Nở ở xã Sơn Thành Đông (huyện Tây Hòa) thuê xe đào bỏ những trụ lồng mứt, xử lý đất để trồng lại tiêu - Ảnh: Trung Hiếu

“Nước mắt” tiêu đen

Những ngày này, cả vùng tiêu Sơn Thành phủ buồn ảm đạm. Nhà có tiêu chết chẳng buồn ra vườn; nhà có tiêu đang bị bệnh thì lo sốt vó, chạy đôn, chạy đáo hỏi thăm, mua thuốc điều trị; còn những gia đình có vườn tiêu chưa bệnh thì cũng chẳng yên vì chưa biết đến khi nào bệnh sẽ lan tới vườn nhà.

“Những năm trước, tiêu có bệnh nhưng chỉ thiệt hại vài chục đến trăm trụ là cùng. Còn nay, đã thấy bệnh là y như rằng sẽ chết sạch vườn. Hộ nào đã “ăn” được vài mùa thì còn đỡ; chứ những hộ mới bắt đầu trồng, đang trong kỳ kiến thiết thì trắng tay, vỡ nợ là cái chắc”, ông Nguyễn Thế Nga, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Thành Tây nói.

Dưới cái nắng oi ả buổi trưa tháng 4 nhưng chị Võ Thị Loan ở thôn Sơn Tây, xã Sơn Thành Tây (huyện Tây Hòa) vẫn chưa chịu nghỉ. Chị cố nán lại ngoài lô tiêu để rắc vôi khoanh vùng, mong hạn chế được mầm bệnh lan sang những trụ tiêu khác. Chị Loan ngao ngán: “Hết cách rồi, bây giờ ai chỉ gì thì làm nấy thôi chứ chẳng biết sao. Thuốc phun, thuốc sục gốc, rắc vôi... kiểu gì cũng đều làm cả nhưng tiêu cứ chết dần thế này chắc vỡ nợ”. Cách đây 5 năm, vợ chồng chị chuyển từ Sông Hinh về đây sinh sống, còn bỏ luôn công việc Nhà nước để ra trồng tiêu. Sau bao năm chăm sóc, chỉ mới thu được vụ tiêu bói chẳng thấm vào đâu so với hàng trăm triệu đồng đã đầu tư. Cả vườn tiêu nhà chị đã chết gần 300 trụ. Đưa tay quệt ngang mặt để che đi giọt nước mắt lưng tròng đang chực trào ra, chị Loan kể: “Hồi đó, vợ chồng tôi quyết chuyển về Sơn Thành mua đất, làm tiêu với hy vọng đổi đời. Không ngờ, 2 năm sau, anh (chồng chị Loan -PV) lâm bệnh nan y, tôi phải đổi nửa vườn tiêu (0,5ha) để lấy tiền chạy chữa nhưng anh vẫn không qua khỏi, để lại ba mẹ con chống chọi với cuộc đời. Mấy mẹ con đều trông chờ hết vào vườn tiêu, nhưng dịch bệnh bùng phát, vườn tiêu chết dần, bây giờ phải cố cứu vườn chứ không thì vỡ nợ. Để có tiền trồng tiêu, tôi đã góp hết vốn liếng, vay thêm 50 triệu đồng từ Ngân hàng NN-PTNT huyện Tây Hòa đầu tư xuống đất, bây giờ thì tiền của cứ lần lượt tuột theo tiêu”.

Tiêu chết, nhà nào có tiền hoặc còn “chạy” ra tiền thì cố “gồng mình” với cây tiêu. Nhưng cũng có không ít hộ “buông tay” và chẳng còn mơ màng gì với hồ tiêu. Theo ông Sáu Tịnh ở thôn Sơn Trường, xã Sơn Thành Tây (huyện Tây Hòa), bây giờ, không còn đủ vốn để trồng tiêu nên ông chuyển sang trồng chanh dây, thu nhập ít nhưng có lẽ sẽ bền hơn. Trong khi đó, gia đình ông Đồng Văn Đức cùng nhiều hộ dân khác ở thôn Đá Mài vì không còn tiền đầu tư nên chuyển sang trồng cỏ nuôi bò. Ông Đức cho hay: Vợ chồng tôi mua 4 sào đất từ Công ty CP Vina cà phê Sơn Thành hết 70 triệu đồng, đầu tư trong 2 năm qua tốn thêm 50 triệu đồng nữa nhưng đợt dịch vừa rồi đã mất sạch. Giờ chẳng biết làm gì nên tôi trồng ít cỏ nuôi bò, sắp tới không biết lấy tiền đâu trả cho ngân hàng.

Giám đốc Ngân hàng NN-PTNT chi nhánh huyện Tây Hòa Lê Văn Thiệt cho biết: Hiện tổng dư nợ ngân hàng cho nông dân huyện Tây Hòa vay để phát triển cây tiêu đạt gần 3,8 tỉ đồng với 426 hộ vay. Qua đợt dịch bệnh trên cây hồ tiêu, nhiều hộ gặp khó khăn do thiếu vốn tái đầu tư. Thời gian tới, nếu ngành chức năng, địa phương có thêm dự án phát triển hồ tiêu thì ngân hàng sẽ tạo điều kiện để người dân được vay thêm vốn phát triển sản xuất.

Trung Hiếu - Tuyết Hương

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang