• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Thăng trầm hồ tiêu đất Phú: Kỳ 1: “Vàng đen” trên vùng đất đỏ

Nguồn tin: Báo Phú Yên, 13/04/2017
Ngày cập nhật: 16/4/2017

Người dân xã Sơn Thành Tây (huyện Tây Hòa) phát triển kinh tế từ trồng tiêu - Ảnh: Trung Hiếu

Qua gần 30 năm se duyên trên vùng cao nguyên đất Phú, cây tiêu đã khẳng định được vị thế hạng sang với thương hiệu cây làm giàu. “Chơi” với hồ tiêu nhanh giàu, nhưng cũng không cây nào khiến người trồng mau trắng tay như hồ tiêu. Để hồ tiêu phát triển vững bền, người dân làm giàu bền vững, các ngành chức năng cần có định hướng phát triển cụ thể; đồng thời người dân cần nhanh chóng tiếp cận, ứng dụng quy trình chăm sóc khoa học, thân thiện môi trường cho vườn tiêu.

Qua nhiều mùa hồ tiêu sốt giá, người trồng tiêu ở Phú Yên ví von hồ tiêu là “vàng đen” gặt được từ đất. Trong suốt 4 vụ liền (2013-2016), sau mỗi mùa thu hoạch, hầu hết các hộ trồng tiêu đều có thu nhập hàng trăm đến cả tỉ đồng, đời sống phất lên rất nhanh. Không là vùng trồng tiêu trọng điểm của cả nước, nhưng những năm qua, cây hồ tiêu đã trở thành cây làm giàu của người dân trên những vùng đất đỏ của tỉnh, góp phần thay đổi diện mạo nhiều vùng quê.

Gian nan hồ tiêu về đất Phú

Là vùng trồng tiêu đầu tiên và lớn nhất Phú Yên, hiện nay Tây Hòa đã có gần 700ha tiêu. Nhớ về những ngày đầu gian khó khi đưa cây tiêu về đất Phú, bà Trần Thị Minh Thư, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty CP Vina cà phê Sơn Thành, cho biết: Năm 1975, Nông trường quốc doanh Sơn Thành được thành lập (tiền thân của Công ty CP Vina cà phê Sơn Thành ngày nay). Ban đầu, nông trường trồng sắn, bắp... nhưng sản lượng và doanh thu bấp bênh. Đến năm 1983, nông trường bắt đầu chuyển sang trồng cà phê. Tuy nhiên, khí hậu ở Phú Yên lại không thích hợp, thời điểm cà phê ra hoa đậu trái đúng vào mùa gió nam nên hoa thụ phấn không đạt, sản lượng thấp. Trong lúc chưa biết trồng cây gì cho phù hợp với vùng đất đỏ ở Sơn Thành (nay là xã Sơn Thành Tây - PV) thì trong chuyến công tác tại Quảng Trị, ông Trần Ngọc Trinh, giám đốc nông trường thời bấy giờ đã đến vùng trồng tiêu Vĩnh Linh và đưa về một số cây giống trồng thí điểm 5 sào (5.000m2), đó là vào năm 1988.

Ông Đặng Đình Dần (đội mũ) giới thiệu vườn tiêu đang kỳ cho trái với tác giả - Ảnh: Tuyết Hương

Ngày ấy, nông trường chọn vùng đất phì nhiêu nhất ở đội 2 (thuộc thôn Sơn Nghiệp - PV) để trồng tiêu. Nhớ lại những ngày đầu gian truân, bà Lương Thị Ngãi kể: “Thời bấy giờ tôi là kỹ sư nông nghiệp phụ trách đội sản xuất số 2. Ngoài trồng cà phê, đội còn được giao trọng trách trồng thí điểm cây tiêu. Lúc đó, cây tiêu là cây trồng mới trong cả nước và hoàn toàn mới ở Phú Yên; quy trình trồng chưa có, kỹ thuật, kinh nghiệm cũng không, điều kiện canh tác thì vô cùng ngặt nghèo. Nước tưới được bơm dợi mấy bận từ đập Suối Hiền mới về tới hồ, rồi ra vườn. Canh tác trong điều kiện khó khăn nên tỉ lệ tiêu sống sót không cao, chỉ khoảng 50-60%.

Theo bà Trần Thị Minh Thư, mặc dù vậy nhưng anh em trong nông trường vẫn không nản chí. Để tiếp tục mở rộng diện tích trồng tiêu, lúc bấy giờ, nông trường tổ chức nhiều cuộc thi “kiện tướng cỏ gấu” nhằm cổ vũ cho công nhân thi đua phát quang, dọn cỏ gấu để lấy đất trồng tiêu. Với tinh thần “có sức người sỏi đá cũng thành cơm”, sau gần chục năm, chúng tôi đã nhân giống, mở rộng diện tích lên gần 200ha. Nhiều vườn tiêu vào kỳ thu hoạch, sản lượng đạt rất cao, giá trị kinh tế hơn hẳn so với cà phê nên nông trường bắt đầu chuyển đổi, phá bỏ cà phê để trồng tiêu. Khoảng năm 2001, cây tiêu đã “phủ sóng” toàn nông trường. Đến nay, sau gần 30 năm phát triển cây tiêu, Công ty CP Vina cà phê Sơn Thành đã có hơn 450ha tiêu, tạo việc làm ổn định, giúp nhiều gia đình phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu.

“Ngoài vùng quy hoạch của Công ty CP Vina cà phê Sơn Thành, cây tiêu còn được người dân các xã Sơn Thành Đông, Hòa Phú... phát triển. Đến nay toàn huyện Tây Hòa đã có gần 700ha tiêu”, ông Nguyễn Dũng, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tây Hòa cho hay.

Những tỉ phú “vàng đen”

Sau gần 30 năm đứng chân trên vùng đất Phú, cây tiêu đã góp phần thay đổi đáng kể đời sống của người dân, nhiều gia đình vươn lên làm giàu từ hồ tiêu. Trong căn nhà 3 gian rộng rãi, ngửa mặt ra con đường bê tông còn nồng mùi xi măng tươi mới, ông Đặng Đình Dần ở thôn Sơn Trường, xã Sơn Thành Tây (huyện Tây Hòa), cho hay: Vườn tiêu đang kỳ nuôi trái nên cần “ăn” nhiều, hai vợ chồng vừa cho công nhân bón thêm phân vi sinh cho vườn, bổ sung dinh dưỡng hỗ trợ cây. Hy vọng vụ này sản lượng tiêu sẽ đạt “đỉnh”.

Tiêu được giá nhiều mùa liền giúp người trồng có thu nhập cao - Ảnh: Trung Hiếu

Quê ở Hà Tĩnh, vợ chồng ông Dần về Sơn Thành (nay là Sơn Thành Tây) lập nghiệp từ những năm 1987. Ban đầu được Nông trường Cà phê Sơn Thành giao khoán cho 1ha trồng cà phê, vợ chồng ông còn khai hoang trồng thêm 1ha nữa. Sau gần chục năm trồng cà phê nhưng hiệu quả không đạt thì nông trường có chủ trương chuyển sang trồng tiêu, gia đình tôi cũng phá bỏ cà phê chuyển dần. Đến năm 2000, gia đình có được 2ha tiêu. “Những năm đầu khi mới trồng tiêu khó khăn vô kể, tiền đầu tư vô thì nhiều nhưng chẳng thu được đồng nào, gia đình tôi cũng như nhiều người trồng tiêu khác ở Sơn Thành phải làm đủ việc để kiếm sống. Qua 4 năm kiến thiết, vườn tiêu cho trái. Hồi đó, đất cũ, cây mới hợp nhau nên năng suất tiêu đạt rất cao. Mỗi vụ thu hoạch bỏ túi vài chục triệu đồng, nhờ vậy kinh tế gia đình bắt đầu đi lên, cuộc sống ổn định, con cái được đầu tư ăn học” ông Dần kể.

Đặc biệt, từ năm 2013-2016, tiêu có giá cao, khoảng 180.000-220.000 đồng/kg, cho thu nhập khoảng 500 triệu đồng/ha/vụ. Từ vườn tiêu này, vợ chồng ông Dần có điều kiện nuôi các con ăn học nên người. Hiện người con trai giữa đang là giảng viên Trường đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh. Cô con gái út là giáo viên dạy ngoại ngữ ở một trường phổ thông tại TP Hồ Chí Minh. Duy - anh trai lớn đang nối nghiệp, giúp cha, mẹ quản lý vườn tiêu. Vừa qua, vợ chồng ông Dần mua đất, cất căn nhà tầng hơn 1,5 tỉ đồng cho vợ chồng người con trai lớn an cư lạc nghiệp.

Rời Sơn Thành, chúng tôi tìm về xã Đức Bình Đông (huyện Sông Hinh), nơi được xem là vùng trồng tiêu sớm nhất ở huyện miền núi này. Thả cái cuốc xuống đất, tạm dừng việc khai rãnh, ông Huỳnh Văn Xiệc ở thôn Bình Giang, nói: “Mấy tháng vừa qua mưa dữ quá, nếu không có hệ thống thoát nước tốt thì vườn dễ úng nước dẫn đến dịch bệnh. Tranh thủ mấy ngày nắng, tôi thuê thêm ít công nữa để khai thêm một số rãnh con trong vườn. Trước khi trồng tiêu, nhà tôi cũng trồng đủ thứ cây bắp, mè... nhưng giá cả bấp bênh, thu nhập không ổn định. Thấy đất ở đây đỏ quạch nên tôi nghĩ có thể nó thích hợp trồng tiêu như ở Sơn Thành Tây. Nghĩ là làm, đích thân tôi tìm về Sơn Thành Tây để học kinh nghiệm và mua dây lươn về ươn trồng 400 trụ tiêu. Sau 4 năm chăm sóc, vườn tiêu cho thu hoạch, đem lại lợi nhuận gần trăm triệu đồng. Thấy hồ tiêu “thơm” quá thế là tôi đem hết tiền thu được đầu tư lại cho vườn. Từ 2,5 sào (2.500m2) tôi mở rộng dần lên 1ha, 2ha và đến giờ đã được 3ha, trong đó có 1ha đang kỳ kinh doanh. Bình quân, mỗi trụ tiêu thu hoạch hơn 3kg, tương đương 4,8 tấn/ha/vụ. Mấy năm gần đây hồ tiêu có giá nên thu nhập từ vườn tiêu cũng tăng lên đáng kể, khoảng 600 triệu đồng/năm. Cá biệt, vụ tiêu 2015, vườn tiêu sai buồng, hạt tiêu chắc nên thương lái thu giá 250.000 đồng/kg, cao hơn 30.000 đồng/kg so với giá mua tiêu của các hộ quanh vùng. Vụ tiêu năm đó nhà tôi thu được 1,2 tỉ đồng”. Nhờ có kinh tế ổn định, vợ chồng ông Xiệc đầu tư cho các con ăn học. Hiện 3 người con của ông Xiệc đều đã thành tài, 2 người là giáo viên, 1 người là kỹ sư xây dựng.

Từ Đức Bình Đông, cây tiêu bắt đầu “lan” dần về các xã Ea Ly, Ea Bar, Sông Hinh (huyện Sông Hinh)... Hiện nay, toàn huyện miền núi phía tây này đã có khoảng 180ha tiêu. Đến với Sông Hinh từ những năm 1990, gia đình ông Nguyễn Trọng Sơn ở xã Ea Bar (huyện Sông Hinh) không thể nào quên được những tháng ngày cơ cực khi mới đi kinh tế mới từ Nghệ An vào. Ông Sơn cho hay: “Những năm đầu khi mới về lập nghiệp, vừa không có tiền, vừa không có đất, hai vợ chồng cố gắng khai hoang và thuê đất của Công ty Cà phê Ea Bar để trồng cà phê và tiêu. Đến nay, gia đình đã có được vườn tiêu rộng 2,2ha, bình quân mỗi năm cho thu nhập hơn 500 triệu đồng”. Cũng nhờ cây tiêu, kinh tế gia đình ông ngày càng “phất”. Mới đây, vợ chồng ông Sơn cất được căn nhà 2 tầng hơn 1 tỉ đồng. Ông còn là điển hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, nhiều năm liền được huyện tuyên dương.

Hôm nay, về qua các xã Sơn Thành Đông, Sơn Thành Tây (huyện Tây Hòa) cũng như một số địa phương trồng hồ tiêu ở huyện Sông Hinh, đâu đâu chúng tôi cũng bắt gặp những con đường bê tông phẳng lì đuổi nhau chạy về cuối thôn, xóm. Nhiều nhà trúng tiêu có tiền đầu tư cho con cái ăn học, xây dựng nhà cửa khang trang. Ông Trịnh Lâm Hải, Chủ tịch UBND xã Sơn Thành Tây, vùng trồng tiêu trọng điểm của tỉnh, cho biết: Qua gần 30 năm đứng chân ở Sơn Thành Tây, cây tiêu đã khẳng định chỗ đứng của mình, là loại cây trồng có lợi thế cạnh tranh nhất hiện nay, giúp người dân ổn định cuộc sống, trở nên khá giả, có điều kiện cho con ăn học đỗ đạt. Cây tiêu còn góp phần thay đổi đáng kể bộ mặt vùng đất đỏ Sơn Thành Tây. Hiện toàn xã có hơn 500ha tiêu, bình quân, mỗi hécta tiêu cho thu nhập khoảng 500 triệu đồng/vụ. Mỗi năm, người trồng tiêu ở đây có thu nhập từ 100 triệu đến cả tỉ đồng. Cả xã hiện có gần 300 hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, tất cả đều nhờ vào cây tiêu.

Trung Hiếu - Tuyết Hương

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang