• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Thâm canh lúa theo phương pháp SRI

Nguồn tin: Báo Bình Thuận, 10/03/2017
Ngày cập nhật: 11/3/2017

Lần đầu tiên tại Bình Thuận, mô hình “Thâm canh lúa theo phương pháp SRI” (System of Rice Improvement), với lượng giống chỉ từ 8 kg/sào (giống ML48) nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao vừa được thực hiện tại cánh đồng Mương Chang, xã Phú Lạc (Tuy Phong).

Lâu nay, tập quán của nông dân trong tỉnh là gieo sạ lúa dày, với 18 đến 25 kg/sào, tốn nhiều lúa giống, tốn phân, nước… Hưởng ứng chương trình do Bộ Nông nghiệp & PTNT phát động giảm lượng hạt giống gieo sạ để tiết kiệm chi phí sản xuất và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng kỹ thuật canh tác tiết kiệm nước, trong vụ đông xuân 2016-2017, được sự hỗ trợ của tổ chức SNV (Tổ chức phát triển Hà Lan), Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư tỉnh đã xây dựng mô hình “áp dụng phương pháp tưới nước tiết kiệm” (ướt khô xen kẽ) và mô hình “Thâm canh lúa theo phương pháp SRI” tại HTX Long Hương (Tuy Phong). Theo đó, mục đích của mô hình nhằm định lượng mật độ gieo sạ hợp lý và cách sử dụng nước tiết kiệm có hiệu quả trong canh tác lúa, tăng năng suất, giảm chi phí sản xuất. Đồng thời, làm cơ sở khoa học để tuyên truyền, vận động nông dân thay đổi tập quán canh tác, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và góp phần giảm thiểu biến đổi khí hậu, cải thiện môi trường.

Vụ đông xuân 2016-2017, ông Nguyễn Văn Di (đội 3, HTX Long Hương) với 8 sào lúa tham gia mô hình vẫn chưa vội gặt. Dẫn chúng tôi đi tham quan từng ruộng lúa đang chín trĩu hạt, ông Di dừng lại ở một thửa ruộng, giới thiệu: “Trước đây tôi gieo cấy với mật độ giống 18 kg/sào (1.000 m2). Năm nay, dù rất lo lắng nhưng tôi vẫn mạnh dạn thử nghiệm gieo trồng chỉ với 8 kg giống/sào vì có hỗ trợ của Nhà nước và hy vọng vào năng suất lý thuyết của mô hình”. Ông Di dự kiến, năng suất lúa đông xuân năm nay của gia đình đạt khoảng 7,5 tấn/ha, cao hơn mọi năm (7 tấn/ha). Ngoài ra, thực hiện canh tác theo SRI giảm được 2 lần phun thuốc, tiết kiệm giống, phân bón, công chăm sóc.

Nói về mô hình “Thâm canh cây lúa theo phương pháp SRI”, chị Lương Thị Anh Đào - cán bộ phụ trách mô hình (Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh) cho biết: “Mô hình được thực hiện bằng 4 công thức thử nghiệm, gồm lượng giống gieo sạ 8 kg/sào, 10 kg/sào, 12 kg/sào và 16 kg/sào (đối chứng). Quá trình theo dõi, cho thấy mật độ gieo sạ 8kg/sào có số nhánh hữu hiệu và đạt năng suất cao nhất. Ngược lại, gieo sạ 16 kg/sào khả năng đẻ nhánh kém”.

Tại buổi hội thảo về mô hình diễn ra tại huyện Tuy Phong mới đây, rất nhiều nông dân địa phương tham dự đã bày tỏ sự vui mừng vì hiệu quả đó. Tuy nhiên, bà con lo lắng cho rằng tỷ lệ gieo 12 kg/sào sẽ phù hợp và yên tâm hơn vì bà con chưa quen cách gieo 8 kg/sào. Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh, các điểm triển khai mô hình cho thấy việc áp dụng SRI giảm được khoảng 40 - 50% lượng giống. “Ước tính, nếu áp dụng SRI trên diện rộng (với lượng giống gieo 12 kg/sào), nông dân HTX Long Hương với diện tích 110 ha, sản xuất 3 vụ mỗi năm có thể tiết kiệm được khoảng 19,8 đến 42,9 tấn giống, tương đương 217 đến 471 triệu đồng”. Ngoài ra, qua những kết quả thu được và đối chứng với ruộng sản xuất theo tập quán thì nước tưới theo SRI, nông dân sử dụng nguồn nước có hiệu quả hơn (từ 30-35% so canh tác truyền thống). Bên cạnh đó, tưới nước theo phương pháp SRI, cây lúa sinh trưởng phát triển tốt bộ rễ, hạn chế tối đa hiện tượng đổ ngã khi gặp điều kiện thời tiết bất lợi.

Mặc dù đây là một phương pháp trồng lúa hiệu quả và thân thiện với môi trường, nhưng để nông dân áp dụng và nhân rộng, cần phải làm thay đổi nhận thức của họ, những người đã quá quen thuộc với phương pháp canh tác truyền thống. Một khi người nông dân đã chấp nhận thay đổi thì SRI có thể mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho những người trồng lúa, đặc biệt là người nghèo.

SRI là phương pháp canh tác lúa sinh thái và hiệu quả, tăng năng suất nhưng giảm chi phí đầu vào như giống, phân bón, thuốc trừ sâu và nước tưới. Những nguyên tắc/kỹ thuật cơ bản của phương pháp này bao gồm: cấy mạ non, cấy một dảnh, cấy thưa, quản lý nước, làm cỏ sục bùn và bón phân hữu cơ…

KIỀU HẰNG

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang