• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Cây tiêu chết hàng loạt

Nguồn tin: Người Lao Động, 09/03/2017
Ngày cập nhật: 11/3/2017

Người dân trồng hồ tiêu tại khu vực Tây Nguyên đang lao đao vì cây chết hàng loạt trong khi giá thị trường xuống

Tại tỉnh Gia Lai, nhiều người dân đã đầu tư hàng trăm, thậm chí hàng tỉ đồng cho vườn tiêu nhưng chỉ được thời gian đầu cây phát triển xanh tốt, khi vào giai đoạn chuẩn bị thu hoạch thì lần lượt chết.

Hàng trăm hecta hồ tiêu của nông dân Tây Nguyên bị trụi lá. Ảnh: Hoàng Thanh

Anh Lê Văn Kiến (ngụ xã Ia Plứ, huyện Chư Pứh, tỉnh Gia Lai) cho biết gia đình anh đã trồng cây hồ tiêu từ nhiều năm trước. Sau một thời gian cho thu hoạch đều đặn mỗi năm khoảng 3 tấn, thu hàng trăm triệu đồng. Thế nhưng năm nay, vườn tiêu 3.000 trụ nhà anh chết gần hết, chỉ còn khoảng trên 100 trụ.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai, trong năm 2016, diện tích hồ tiêu trên địa bàn bị chết do sâu bệnh chỉ 32,6 ha, tuy nhiên con số thực tế cao gấp nhiều lần. Nguyên nhân hồ tiêu chết được xác định là do người trồng chưa áp dụng đúng các biện pháp khoa học kỹ thuật, thâm canh quá mức, sử dụng các loại phân bón hóa học quá liều, không cân đối tỉ lệ… nên cây hồ tiêu mất sức đề kháng, bị các loại nấm bệnh tấn công. Bên cạnh đó, những diện tích không phù hợp, địa hình trũng cũng được người dân tận dụng trồng hồ tiêu.

Còn tại tỉnh Đắk Lắk, bất chấp khuyến cáo của ngành nông nghiệp, người dân vẫn đổ xô trồng hồ tiêu trên cả những diện tích không phù hợp. Đến cuối năm 2016, sau khi có nhiều đợt mưa lớn, hơn 600 ha hồ tiêu ở đây chết khô, gây thiệt hại lớn cho nông dân.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, từ đầu năm 2016 đến nay, toàn tỉnh có hơn 2.776 ha hồ tiêu bị sâu bệnh gây hại, chiếm 10% tổng diện tích hồ tiêu toàn tỉnh. Trong đó, hơn 579 ha bị bệnh vàng lá chết nhanh, 1.113 ha bị bệnh vàng lá chết chậm, 1.083 ha bị các loại sâu bệnh khác gây hại tập trung các huyện Buôn Đôn, Ea H’leo, Ea Kar, Krông Năng…

Trước tình trạng hồ tiêu chết hàng loạt, TS Đặng Bá Đàn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây hồ tiêu - Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, cho rằng đối với những vùng đất nhiễm bệnh, các cơ quan chuyên môn cần có đánh giá tổng thể từng vùng đất, từ đó sớm có quy trình hướng dẫn người dân trồng mới, giải đáp thắc mắc cho dân. Cụ thể, cần có nhóm “bác sĩ hồ tiêu” xuống địa phương giúp dân, không thể nói chung chung được.

Trong khi đó, ông Hà Ngọc Uyển, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai, cho rằng chỉ có nâng cao nhận thức của người dân thì mới tránh được rủi ro, cứ làm theo lối mòn hiện tại, theo thói quen không phù hợp thì thiệt hại chắc chắn còn xảy ra. Ngoài ra, người dân còn phải áp dụng khoa học kỹ thuật, tham gia các mô hình liên kết sản xuất hướng bền vững với các doanh nghiệp. “Đây là những giải pháp căn cơ, chứ đừng có mơ hồ, kỳ vọng có thuốc đặc trị. Muốn làm được thì cần tổng hợp nhiều yếu tố từ giống sạch, đất phù hợp, kỹ thuật bảo đảm” - ông Uyển nói.

Giá giảm, thương lái không dám găm hàng

Ngày 7-3, giá hồ tiêu tại tỉnh Gia Lai ở mức 101.000 đồng/kg, thấp hơn khoảng 10.000 đồng so với đầu mùa và từ 30.000 - 40.000 đồng so với trung bình các năm trước.

Còn tại Đắk Lắk, giá hồ tiêu giao dịch trong khoảng 120.000 - 130.000 đồng/kg. Tuy nhiên, với mức giá này vẫn có lãi cao hơn cây cà phê nên người dân vẫn tiếp tục trồng.

Giá hồ tiêu trên thị trường xuống thấp là do diện tích mở rộng, cung nhiều hơn cầu. Hơn nữa, Việt Nam là nước cung cấp tới 50% sản lượng hồ tiêu trên thế giới nên chỉ cần tăng sản lượng là giá sẽ giảm.

Bà Bùi Thị Vượt - một thương lái thu mua hồ tiêu tại huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai - cho biết từ đầu vụ, giá tiêu lên xuống rất thất thường. “Với giá hồ tiêu như hiện nay rất bất ổn, thương lái chúng tôi không ai dám mua trữ” - bà Vượt nói.

Hoàng Thanh - Cao Nguyên

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang