• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Tiến đến nền nông nghiệp sạch, hữu cơ

Nguồn tin: Báo An Giang, 09/02/2017
Ngày cập nhật: 11/2/2017

Việc lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), các chất kích thích tăng trưởng ở lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi trong thời gian qua đã dẫn đến một hệ lụy khó lường. Sản phẩm lúa, cá tra xuất khẩu chỉ bán được giá thấp hoặc bị trả về; chi phí sản xuất cao, lợi nhuận không đáng kể; sức khỏe con người luôn bị đe dọa.

Nhận thức được vấn đề trên, 7 năm qua, ông Phan Minh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Ba Lá Phong An Giang (phường Mỹ Phước, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) đã lặn lội khắp các vùng đất trong tỉnh để tìm người hợp tác, triển khai mô hình (mang tính thí điểm) bằng phương pháp canh tác lúa không sử dụng thuốc BVTV, bón phân hóa học. Thay vào đó, trên mảnh ruộng của mình, ông chỉ sử dụng phân hữu cơ vi sinh và các chế phẩm sinh học.

Ông Phan Minh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Ba Lá Phong An Giang bên ruộng lúa hữu cơ

Vụ đầu tiên, ông Tuấn hợp tác với Hợp tác xã nông nghiệp Thạnh Lợi (thị trấn Cái Dầu, Châu Phú) sản xuất trên diện tích 2.000m2. Phương thức hợp tác, công ty đưa giống, phân, đồng thời hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân. Nông dân tham gia liên kết bằng cách góp đất, bỏ công chăm sóc. Lúa sau khi thu hoạch được công ty bao tiêu với giá luôn cao hơn lúa thường từ 2.000 - 3.000 đồng/kg. Mô hình ban đầu triển khai tại huyện Châu Phú chỉ có 2.000m2 đất. Về sau, ông tiếp tục thí điểm ở các địa phương như: TX. Tân Châu, Châu Thành, Thoại Sơn và nay là TP. Long Xuyên. Ở mỗi nơi, ông đều tìm được những cộng sự tích cực, có cùng chí hướng để cổ vũ cho cách làm nông nghiệp sạch, hữu cơ. Đến nay, bình quân mỗi năm, Công ty TNHH Ba Lá Phong An Giang đưa ra thị trường khoảng 60 tấn lúa sạch, tương đương 30 tấn gạo với nhãn hiệu gạo hữu cơ Ba Lá Phong. “Mục đích của chúng tôi là muốn cùng với nông dân các địa phương trong tỉnh xây dựng mô hình sản xuất sạch, từng bước tiến đến nền nông nghiệp hữu cơ để có sản phẩm chất lượng, có lợi cho sức khỏe con người, phục vụ cộng đồng. Song, chúng tôi cũng gặp không ít khó khăn và đang rất cần sự hỗ trợ từ phía Nhà nước” - ông Phan Minh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Ba Lá Phong An Giang, chia sẻ.

Thực tế cho thấy, muốn tiến đến một nền nông nghiệp sạch, hữu cơ trên đồng đất bị ô nhiễm nặng như hiện nay thì trước hết, đồng ruộng phải có một nền đất hữu cơ. Muốn vậy, người nông dân phải thực hiện việc chuyển đổi. Nghĩa là phải cải tạo lại hệ sinh thái của đất, bởi trước đây, nông dân phun xịt quá nhiều thuốc trừ sâu, trừ cỏ nên đã giết chết các loại vi khuẩn có lợi trong đất. “Quá trình cấy lại vi khuẩn có lợi trên nền đất chết phải mất ít nhất từ 2-3 vụ. Việc cấy vi khuẩn thông qua quy trình canh tác bón phân hưu cơ vi sinh để cải tạo nền đất. Thực hiện quy trình canh tác này, đa phần ruộng lúa cho năng suất không trúng bằng cách làm cũ nên nông dân rất dễ chán, bỏ giữa chừng. Chính điều này mà phong trào sản xuất theo quy trình canh tác sạch, hữu cơ khó đạt được. Mặt khác, đến thời điểm này, Nhà nước vẫn chưa có cơ chế cụ thể, rõ ràng để hỗ trợ nông dân trong giai đoạn chuyển đổi từ 2-3 vụ như nói ở trên nên quy trình sản xuất sạch, hữu cơ ít ai thực hiện…” - ông Lưu Văn Dũng, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân phường Mỹ Phước, TP. Long Xuyên, chia sẻ.

7 năm theo đuổi một quy trình canh tác để có được 1 sản phẩm sạch, mang tính hữu cơ, cung cấp cho cộng đồng mà ông Tuấn đã thực hiện không phải dễ. Bởi, để sản phẩm được cộng đồng công nhận là sạch, hữu cơ, ngoài quy trình canh tác, sản phẩm phải được 1 cơ quan mang tính độc lập chứng nhận. Một số công ty như Công ty Diễn Phú (Cà Mau) với gạo hữu cơ Hoa Sữa phải mời cơ quan giám định nước ngoài vào để chứng nhận, điều này làm cho giá thành sản xuất đội lên, giá bán sản phẩm lên đến 70.000 đồng/kg, khiến thị trường tiêu thụ gặp rất nhiều khó khăn. Để khắc phục tình trạng này, Nhà nước cần có cơ chế phù hợp, đưa ra tiêu chuẩn hợp lý, đồng thời tạo điều kiện để doanh nghiệp tiên phong tìm thị trường cho loại sản phẩm này, sau đó phát động nông dân chuyển đổi mô hình canh tác để sản phẩm thật sự sạch và hữu cơ… Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức cộng đồng, tiến đến một nền nông nghiệp sạch, hữu cơ nhằm bảo vệ sức khỏe con người.

“Lợi ích của quy trình canh tác hữu cơ là cải thiện, duy trì cảnh quan tự nhiên và hệ sinh thái nông nghiệp. Thực hành phương thức canh tác này sẽ đảm bảo việc duy trì và gia tăng độ màu mỡ lâu dài cho đất, củng cố các chu kỳ sinh học trong nông trại, đặc biệt là các chu trình dinh dưỡng, bảo vệ cây trồng dựa trên việc phòng ngừa là chính (thay cho cứu chữa), đa dạng các vụ mùa và các loại vật nuôi, phù hợp với điều kiện địa phương…” - ông Phan Minh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Ba Lá Phong An Giang, chia sẻ.

MINH HIỂN

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang