• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Gỡ khó cho cây lúa Nhật

Nguồn tin: Báo An Giang, 10/11/2017
Ngày cập nhật: 11/11/2017

Được xem là cây nông nghiệp mang lại nguồn thu cho người nông dân nhưng lúa Nhật vẫn gặp khó khăn trong việc mở rộng, phát triển diện tích canh tác. Vì vậy, việc tìm hướng tháo gỡ vướng mắc trong chuỗi liên kết tiêu thụ lúa Nhật là cần thiết, để mô hình này tiếp tục phát huy hiệu quả trong thời gian tới.

Đánh giá về hiệu quả của chuỗi liên kết sản xuất lúa Nhật, Chủ tịch Hội Nông dân (HND) tỉnh Châu Văn Ly cho biết: Cây lúa Nhật không còn xa lạ với người ND An Giang. Thực tế, đây là mô hình cho hiệu quả rõ rệt khi Công ty TNHH Angimex - Kitoku đảm bảo được đầu ra cho ND bằng giá thu mua ở mức cao nếu so với các giống lúa khác. ND tham gia mô hình rất yên tâm, không bị ảnh hưởng bởi điệp khúc “được mùa mất giá”.

Hiện tại, ND tham gia ký hợp đồng với Công ty TNHH Angimex - Kitoku đều canh tác một trong các giống lúa: Hana, Akita và Koshi. Theo kế hoạch, công ty sẽ ký hợp đồng bao tiêu với ND mức giá 6.500 đồng/kg cho giống Hana, 6.900 đồng/kg cho giống Akita và giống Koshi sẽ được thu mua ở mức 7.000 đồng/kg trong năm 2018. Đây được xem là mức giá lý tưởng nếu so với các giống lúa IR50404 hay OM6976 vốn được ND trồng đại trà. Tuy nhiên, do cây lúa Nhật xuất thân từ vùng khí hậu khác biệt so với Việt Nam nên người ND còn gặp khó trong kỹ thuật canh tác. “Kinh nghiệm canh tác đang là vấn đề cốt lõi để quyết định nguồn thu từ cây lúa Nhật chứ không phải yếu tố thị trường. Theo nhiều ND, cây lúa Nhật dễ ngã đổ, chậm phát triển nên họ có phần "e dè" khi tiếp cận. Do đó, việc đẩy mạnh hỗ trợ kỹ thuật cho bà con đang là vấn đề cần thiết để nâng cao hiệu quả của cây trồng này” - ông Châu Văn Ly phân tích.

Anh Cao Văn Hiếu, ND xã Thoại Giang (Thoại Sơn) thật tình cho biết: “Tôi đã gắn bó với cây lúa Nhật nhiều năm nay nhưng chỉ làm 1 vụ đông xuân. Tuy nhiên, tôi quyết định sẽ trồng lúa Nhật cả 3 vụ lúa với diện tích 4,7ha trong năm 2018. Hiện tại, tôi chỉ lo quá trình khử lẫn sẽ tốn nhiều chi phí và việc ND tự vận chuyển lúa đến kho cho công ty, gây nhiều khó khăn cho chúng tôi”. Thực tế, muốn kéo giảm chi phí khử lẫn người ND phải “chung thủy” với cây lúa Nhật. Theo ngành chuyên môn, việc canh tác lúa Nhật liên tục sẽ hạn chế được công đoạn khử lẫn. Bên cạnh đó, cần có sự liên kết giữa những ND có đất canh tác liền kề nhau khi trồng lúa Nhật. Nếu rơi vào tình trạng “da beo”, người trồng lúa Nhật sẽ tốn chi phí cho việc khử lẫn. Đồng thời, việc sử dụng phân bón vừa phải, khai nước thường xuyên sẽ giúp hạn chế tình trạng đổ ngã.

Năm 2017, Công ty TNHH Angimex - Kitoku đã hợp đồng với ND thực hiện 2.300ha lúa Nhật với năng suất dao động khoảng 4-6 tấn/ha. Theo kế hoạch, công ty sẽ ký hợp đồng bao tiêu diện tích 4.000ha lúa Nhật với ND trong năm 2018. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Quang Thi, diện tích này chưa tương xứng với tiềm năng phát triển của cây lúa Nhật. “Cả tỉnh có khoảng 250.000ha đất trồng lúa nhưng lúa Nhật chỉ chiếm có 4.000ha. Vì vậy, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đối tác trong chuỗi liên kết sản xuất lúa Nhật để tiếp tục mở rộng diện tích. Hiện tại, không có nhiều chuỗi liên kết như Công ty TNHH Angimex - Kitoku với người ND. Do đó, phải tận dụng những điều kiện thuận lợi và có hướng khắc phục khó khăn để mô hình tiếp tục phát huy hiệu quả” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Quang Thi yêu cầu.

Nhằm tháo gỡ những khó khăn trong việc vận chuyển lúa đến kho của công ty, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Liên minh Hợp tác xã (HTX) cho các HTX thành viên kinh doanh dịch vụ vận chuyển tham gia hỗ trợ ND. “Nếu chi phí vận chuyển do phía công ty chi trả và có hẳn lực lượng tham gia chở lúa đến kho, ND sẽ yên tâm để gắn bó với cây lúa Nhật. Theo đó, các HTX làm dịch vụ vận chuyển sẽ căn cứ vào lịch thời vụ, diện tích, địa điểm… để đảm bảo quá trình chuyên chở lúa đúng theo hợp đồng, không làm trễ thời gian của phía công ty và ND cũng được lợi” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Quang Thi phân tích.

Để cây lúa Nhật có điều kiện phát triển hơn nữa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Quang Thi yêu cầu HND các cấp đẩy mạnh công tác vận động, hình thành HTX hoặc tổ hợp tác sản xuất lúa Nhật tại những địa phương có điều kiện thuận lợi. “Nếu cần thiết, chúng tôi có thể hỗ trợ công ty thuê đất của ND để trồng lúa Nhật theo thời gian hợp đồng 10 năm. Đây là hình thức sản xuất lớn kiểu tích tụ ruộng đất nhằm theo kịp bước phát triển mới trong nông nghiệp. Mong rằng, Công ty TNHH Angimex - Kitoku, HND tỉnh và bà con ND sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa để cây lúa Nhật phát triển mạnh trong thời gian tới” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Quang Thi kỳ vọng.

THANH TIẾN

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang