• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Vì sao nông dân chuyển dịch khỏi cây lúa?

Nguồn tin: Báo An Giang, 25/10/2017
Ngày cập nhật: 26/10/2017

“Trồng lúa bây giờ hiệu quả kinh tế không cao, năm nào “được mùa thì rớt giá”, trong khi các loại cây trồng khác cho thu nhập cao, đầu ra ổn định, nhiều triển vọng...”- ông Trần Văn Minh, nông dân sản xuất giỏi xã Long Phú (TX. Tân Châu, tỉnh An Giang), chia sẻ.

Từ yếu tố khách quan…

Gia đình ông Trần Văn Minh có 4 héc-ta đất canh tác lúa 2 vụ. 5 năm gần đây, thời tiết biến đổi thất thường nên năng suất lúa thấp. Sản xuất không lãi, gia đình rơi vào cảnh khó khăn. “Mùa mưa thì nắng, mùa nắng thì mưa. Thời điểm lúa trổ bông, mưa nhiều gây đổ ngã, năng suất rất thấp. Sản xuất từ huề vốn đến lỗ, tôi quyết định chuyển một phần đất trồng lúa sang trồng những loại cây trồng khác, có giá trị kinh tế cao hơn như: Chuối cao, mít Thái Lan, nhãn indox, xoài cát Hòa Lộc và xoài Cát Chu…” - ông Minh chia sẻ.

Bình quân mỗi công đất, ông Minh đầu tư khoảng 10 triệu đồng (chi phí ban đầu) để chuyển dịch ra khỏi cây lúa. Trong số 40 công đất nhà, đến nay ông đã chuyển 14 công sang trồng những loại cây ăn trái. Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, ông đã áp dụng mô hình xen canh giữa các loại cây trồng để phát triển sản xuất, nhờ vậy cuộc sống gia đình ông khấm khá hơn. “Trái cây bây giờ rất dễ bán. Hàng ngày, thương lái lặn lội khắp làng, tìm đến vườn để mua hàng rồi mang ra chợ. Một số trái cây như xoài Cát Chu, cát Hòa Lộc, cam xoàn, mít Thái… không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu sang Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ và nhiều quốc gia khác trên thế giới, vì vậy đầu ra rất nhiều triển vọng…” - ông Minh thông tin.

Báo cáo từ ngành Nông nghiệp cho thấy, hiện nay trên địa bàn tỉnh đã có hàng chục ngàn héc-ta đất trồng lúa được chuyển đổi sang các loại cây trồng khác như: Cam xoàn, quýt đường, bưởi da xanh, chanh không hạt, trái hạnh, chanh dây, nhãn Indox, chuối, xoài cát Hòa Lộc, xoài Cát Chu, xoài Đài Loan, mít, ổi, cốc, sen... Đi đầu trong chuyển dịch ra khỏi cây lúa là các địa phương: Chợ Mới, Tri Tôn, Tịnh Biên, Châu Phú, An Phú, Châu Thành. Bởi, những năm gần đây, tình hình xuất khẩu gạo gặp khó, giá gạo xuất khẩu nhiều lúc thấp hơn giá bán tại thị trường nội địa, nông dân trồng lúa lao đao. Các quốc gia nhập khẩu gạo từ Việt Nam từng bước vươn lên tự chủ về lương thực, vì vậy lượng gạo nhập khẩu giảm, trong khi thị trường có nhiều nguồn cung hơn.

Đến đầu ra sản phẩm

Cùng với cuộc cách mạng công nghệ 4.0, nông dân trong tỉnh sẽ tiếp tục làm nên những kỳ tích trong nông nghiệp, góp phần đưa sản xuất phát triển, đời sống nông dân đi lên. “Vấn đề nông dân chuyển dịch ra khỏi cây lúa được dự báo trong hơn 10 năm qua. Đây là yếu tố khách quan, phù hợp với tình hình sản xuất mới. Bởi, sản xuất bây giờ là “bán cái người ta cần, chứ không phải bán cái mình có”, trồng vườn, đầu ra của sản phẩm luôn được thuận lợi vì vậy nông dân “tự cứu mình trước” - bà Trần Thị Lài, xã Vĩnh Xương (TX. Tân Châu), khẳng định.

5 năm qua, đất trồng lúa của bà Lài đã chuyển sang trồng xoài cát Hòa Lộc, Cát Chu. Bà Lài trồng xoài không chỉ bán ở thị trường trong nước, mà còn xuất khẩu sang Nhật Bản thông qua các công ty tại TP. Hồ Chí Minh. Bà Lài cho biết, 1 trái xoài Cát Chu khi vào thị trường Nhật Bản (bán tại siêu thị) có giá lên đến 100.000 đồng/trái. Tuy nhiên, quy trình trồng đòi hỏi rất nghiêm ngặt, phải đảm bảo sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Ngoài trồng xoài, bà Lài còn là một vệ tinh của công ty thu mua hàng hóa để xuất khẩu. So với những năm trồng lúa, hiện cuộc sống gia đình bà chẳng những đủ ăn mà đã giàu lên. Hay ở Tri Tôn, Thoại Sơn, nhiều nông dân đã chuyển hẳn sang trồng chuối xuất khẩu và đời sống của những nông hộ này đã khá lên.

Chuyển dịch ra khỏi cây lúa là phù hợp với đề án tái cơ cấu của ngành Nông nghiệp, qua đó một mặt nhằm giảm bớt áp lực cho cây lúa, mặt khác đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi để tránh rủi ro từ thị trường. Tuy nhiên, nếu phong trào chuyển dịch ra khỏi cây lúa vẫn theo lối tự phát thì đây không phải là điều đáng mừng mà là đáng lo, bởi đến một thời điểm nào đó, ai cũng trồng xoài Cát Chu thì cảnh “thừa hàng, dội chợ” là điều khó tránh khỏi…

“Nhà nước cần tạo điều kiện về mặt cơ chế, chính sách để người dân chuyển dịch thành công. Cụ thể, cần tiếp tục tìm kiếm thị trường tiêu thụ để nông sản làm ra được tiêu thụ tốt. Cập nhật và công bố quy hoạch sử dụng đất một cách kịp thời để tránh tình trạng đất trồng lúa chuyển lên thành đất vườn, sau đó cán bộ địa chính phường, xã đến phạt vì mục đích sử dụng đất đã bị sai…” - ông Nguyễn Văn Phương, xã Bình Phước Xuân (Chợ Mới), kiến nghị.

MINH HIỂN

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang