• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Lâm Đồng: Giải bài toán thuốc bảo vệ thực vật

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng, 27/09/2017
Ngày cập nhật: 29/9/2017

Ðể giải bài toán giảm thiểu tình trạng sử dụng thuốc BVTV, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật khuyến khích người dân sử dụng biện pháp canh tác, biện pháp sinh học, vật lý cơ giới trên địa bàn tỉnh nhằm giảm thiểu sử dụng hóa chất, đảm bảo hiệu quả sản xuất.

Cầm tay chỉ việc

Trong những năm gần đây, tình trạng nông dân sử dụng thuốc BVTV, phân bón hóa học cho cây trồng đang có xu hướng ngày càng tăng, hệ lụy là sự phát sinh, phát triển của dịch hại trên diện rộng trở nên phức tạp hơn, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, và gây mối nguy về an toàn thực phẩm. Mặc dù IPM (ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp) có vai trò rất quan trọng đối với sản xuất, nhưng do chưa được quan tâm đúng mức nên việc duy trì ứng dụng IPM tại Lâm Đồng còn rất hạn chế, thiếu liên tục, thiếu gắn kết trong quy trình chỉ đạo sản xuất, đặc biệt là từ 2006 đến nay.

Trước thực trạng đó, Chi cục Trồng trọt và BVTV đã chú trọng nhân rộng diện tích áp dụng IPM bằng các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức nông dân về IPM, xây dựng quy trình IPM trên các loại cây trồng, xây dựng các mô hình quản lý dịch hại giảm thiểu sử dụng thuốc BVTV, nhân rộng IPM trong sản xuất đại trà. Năm 2016, Chi cục đã hoàn thiện 4 quy trình phòng trừ tổng hợp sâu bệnh hại trên cây chè, dâu tây, ớt ngọt, điều và tổ chức tập huấn, tuyên truyền 22 lớp cho 850 nông dân về quy trình quản lý dịch hại tổng hợp, trong đó 8 lớp IPM/điều; 10 lớp IPM/chè; 2 lớp IPM/dâu tây; 2 lớp IPM/ớt ngọt. Ngoài ra, Chi cục đã tổ chức in ấn, cấp phát 1.200 cuốn tài liệu quy trình PTTH sâu bệnh trên chè, dâu tây, ớt ngọt cho các huyện để tập huấn, chuyển giao cho nông dân trong năm 2017. Tổ chức thực hiện 5 mô hình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây chè, dâu tây, ớt ngọt, điều (quy mô 0,1 ha/dâu tây; 0,5 ha/chè, điều). Kết quả các mô hình có ứng dụng các biện pháp tổng hợp (vệ sinh đồng ruộng, luân canh cây trồng…) sử dụng bẫy dính, các chế phẩm sinh học bảo vệ thiên địch đã góp phần giảm số lần sử dụng thuốc BVTV từ 3 - 5 lần so với canh tác của nông dân. Tiếp tục năm 2017, đang triển khai 2 mô hình IPM chè, quy mô 1 ha tại Bảo Lâm, Bảo Lộc; 2 mô hình IPM trên bắp cải, quy mô 2 sào; 2 mô hình IPM khoai tây; đồng thời mở 15 lớp tập huấn về quy trình quản lý dịch hại tổng hợp trên khoai tây, hành, bó xôi, bắp cải…

Bà Vũ Thị Thúy, Trưởng Phòng Bảo vệ thực vật cho biết: “Một trong những biện pháp chuyển tải được người dân đánh giá rất cao là Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM). Đây thực chất là chương trình giảm thiểu mối nguy hại do lạm dụng hóa chất, nhất là thuốc BVTV trên cây trồng, song vẫn đảm bảo hiệu quả sản xuất. Với hình thức chuyển giao từ gần gũi nhất là cầm tay chỉ việc đã giúp nâng cao ý thức của người nông dân trên vấn đề phòng trừ dịch hại trên cây trồng”.

Thay đổi dần nhận thức

Ông Nguyễn Văn Bền, xã Ka Đô (Đơn Dương) cho biết, tham gia chương trình IPM người nông dân chúng tôi đã được trang bị nhiều kiến thức về quản lý dịch hại cho cây trồng, đã thấy được vai trò, lợi ích của thiên địch, tác hại của việc lạm dụng thuốc, phân bón đến hệ sinh thái đồng ruộng, sức khỏe con người và chất lượng nông sản.

Thông qua chương trình tập huấn, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh đã lồng ghép tuyên truyền việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất bằng các giải pháp tiến bộ khoa học kỹ thuật mới đã giúp cho nội dung các buổi tập huấn thêm sinh động, cuốn hút người dân tham gia.

Qua thực tế triển khai trên đồng ruộng, Chương trình IPM đã thật sự mang lại hiệu quả cao giúp người nông dân nhận thức, thay đổi tư duy, cách làm theo phương pháp mới được tiếp cận, từ đó giúp giảm được chi phí sản xuất, ổn định cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng, hạn chế ô nhiễm, bảo vệ tốt môi trường.

Ông Lại Thế Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thông tin, Lâm Đồng là một trong số ít địa phương thực hiện chương trình ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp thành công và phổ biến nhất. Đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 7.799 ha rau, 211 ha hoa, 89 ha atisô và dâu tây, 3.150 ha chè, 1.108 ha lúa, 23.250 ha cà phê… sử dụng các loại thuốc sinh học. Đặc biệt là việc nhân rộng đàn ong ký sinh sâu non sâu tơ từ năm 1997 đến nay trên cây bắp cải rất hiệu quả. Chính vì vậy, số lượng sử dụng thuốc trừ sâu của nông dân giảm rất nhiều chỉ còn 3 - 4 lần/vụ, trong đó sử dụng ít nhất 2 - 3 lần phun thuốc trừ sâu sinh học. Tỷ lệ thuốc trừ sâu sinh học cũng tăng 3- 4 lần/vụ. Điều đó chứng tỏ ý thức của người dân trong việc hạn chế sử dụng thuốc BVTV ngày càng được nâng cao.

Hoàng Yên

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang