• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Chăm sóc, phục hồi cây hoa màu sau bão

Nguồn tin: Báo Quảng Trị, 21/09/2017
Ngày cập nhật: 24/9/2017

Bão số 10 tuy không đổ bộ trực tiếp vào tỉnh Quảng Trị song do nằm trong vùng ảnh hưởng của bão nên đã gây nhiều thiệt hại cho sản xuất. Nhất là vào thời điểm xảy ra bão số 10, các địa phương ở vùng gò đồi và miền núi chưa thu hoạch xong lúa hè thu, diện tích cây hoa màu của toàn tỉnh cũng chưa thu hoạch dứt điểm, do đó nhiều diện tích rau màu và sắn bị dập nát, gãy đổ.

Nông dân ra đồng chăm sóc hoa màu

Do đó, ngay sau khi bão tan, nông dân những vùng bị thiệt hại đã tích cực ra đồng tháo nước, chăm sóc, bón phân phục hồi sinh trưởng cho các loại cây trồng. Ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh và các địa phương cũng đã chỉ đạo, hướng dẫn nông dân khẩn trương thu hoạch lúa hè thu và chăm sóc hoa màu có hiệu quả. Bão số 10 gây ra mưa to làm ngập úng cục bộ nên ngay cả sau khi nước rút và các nơi không bị ngập thì nước cũng tích tụ trong đất khá lâu. Do vậy, sau khi bão xong có nắng to càng khiến cho cây màu dễ bị héo, kém sức sống.

Sau mưa, độ ẩm tăng cao là điều kiện tốt để các loại sâu bệnh phát sinh, phát triển khá nhiều trên cây hoa màu như nấm đen, rầy... Hơn nữa, hoa màu là những loại cây có thân, lá mềm rất dễ bị dập nát và thối rửa nếu gặp mưa với cường độ mạnh, mưa nhiều. Vì thế, nhằm khắc phục những tác động xấu của mưa bão, những ngày qua, nông dân trong tỉnh đã tích cực ra đồng tỉa, dặm, chăm sóc các loại cây hoa màu. Cùng với biện pháp tăng cường bón phân, người dân còn tiến hành phun thuốc bảo vệ thực vật để cây sớm phục hồi.

Chị Lê Thị Cúc, ở thôn Mai Xá, xã Gio Mai, huyện Gio Linh trồng 2 sào khoai lang. Hàng ngày chị đều đặn cắt rau ra chợ bán đưa lại nguồn thu nhập đáng kể. Nhưng từ khi xảy ra bão số 10 đến nay, chị phải nghỉ thu hái để chăm sóc phục hồi vườn rau do bị dập nát. Chị Cúc cho biết: “Mưa bão to quá làm nát hết cả rau, nên sau khi bão tan gia đình tôi tiến hành ngay việc chăm sóc, cắt những thân rau bị dập nát, vun gốc, tỉa cành cho rau ra mầm mới, đồng thời bón thêm phân vì mưa to đã làm trôi rửa lượng phân khá nhiều. Nếu chăm sóc muộn quá thì số rau bị dập sẽ thối gây ra nhiều dịch bệnh mà rau cũng khó đâm chồi mới, có khi bị rụi luôn”.

Giờ đây, vườn rau của gia đình chị Cúc đã nảy lộc mới, dự kiến khoảng 10- 15 ngày nữa sẽ cho thu hoạch. Ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh cùng chính quyền địa phương đã khuyến cáo nông dân chú ý phòng trừ kịp thời các loại sâu bệnh thường xuất hiện sau mưa bão như bệnh lở cổ rễ hại ớt, dưa, bí; bệnh vàng lá; thối thân; khi ruộng cây màu khô nước, cần xới phá váng nhẹ trên mặt luống tạo điều kiện cho đất dễ thoát hơi nước và cây hút dinh dưỡng được thuận lợi hơn. Đặc biệt, do ảnh hưởng của bão nên bộ rễ, bộ lá bị tổn thương nặng, tạo điều kiện cho các loại sâu bệnh tấn công.

Vì vậy, nông dân cần tăng cường kiểm tra và phòng trừ các loại dịch bệnh cho hoa màu. Bà Thái Thị Kim Tuyến, Phó Trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Triệu Phong cho biết: “Ngay sau khi bão xong, cán bộ kỹ thuật của trạm đã về tận cơ sở để chỉ đạo và hướng dẫn nông dân phục hồi sản xuất bằng các biện pháp kỹ thuật chăm sóc cây trồng, thực hiện bón phân, vun gốc để tăng cường dinh dưỡng, tạo độ cứng cáp cho cây, đồng thời đối với các ruộng hoa màu bị bệnh thì phun phòng trừ kịp thời”.

Theo chỉ đạo chung, với những diện tích rau màu mà vẫn còn có thể khôi phục được, để tránh tình trạng mưa xuống, nắng lên, khiến cho cây trồng bị thối rửa thì nông dân cần có phương án để che chắn cho cây khỏi bị nắng, tránh tình trạng cây bị chết ẻo. Đối với một số diện tích bị nấm gây hại cần phun một số loại thuốc phòng trừ các loại nấm như kết hợp chế phẩm KH, Pennac P, siêu lân... liều lượng phun theo hướng dẫn của nhà sản xuất, chăm sóc bổ sung, bón thêm phân khi thời tiết thuận lợi giúp cây trồng nhanh chóng phục hồi nhằm bảo vệ thành quả lao động của mình từ đầu vụ tới nay, ổn định sản xuất, góp phần tăng thu nhập cho người dân và tạo điều kiện thuận lợi để sản xuất vụ đông tiếp theo.

Võ Thái Hòa

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang