• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Thương nhân và vai trò kết nối trong ngành hàng cà phê

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng, 11/09/2017
Ngày cập nhật: 12/9/2017

Nhắc tới ngành hàng cà phê, người ta hầu hết chỉ nghĩ tới người nông dân trồng cà phê, doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu và nhà chế biến. Còn một tầng lớp rất quan trọng trong ngành hàng cà phê lại chưa được đánh giá vai trò của mình, đó là những thương nhân nhỏ đã góp phần tạo nên sự linh hoạt của ngành hàng cà phê bằng vai trò kết nối của mình.

Cà phê Arabica tại Nam Ban, Lâm Hà. Ảnh: D.Quỳnh

Ông Hoàng Sĩ Bích, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cho biết, qua một nghiên cứu của IDH (Tổ chức sáng kiến thương mại bền vững), Lâm Đồng có 76 doanh nghiệp và 564 hộ kinh doanh thu mua, sơ chế cà phê. Ông Bích khẳng định: “Với xấp xỉ 150 ngàn ha cà phê trồng tại hầu khắp các địa phương trong tỉnh, nếu không có đội ngũ thương nhân thu mua, nông dân sẽ không thể bán cà phê một cách nhanh chóng, các công ty cà phê lớn cũng không đủ nhân lực và chi phí đầu tư để thu gom. Những thương lái là tác nhân trung gian hiệu quả, giúp các công ty lớn và nông dân gặp nhau và rất cần đánh giá để phát huy vai trò trung gian của thương nhân trong việc phát triển ngành hàng cà phê”. Tại diễn đàn cà phê toàn cầu tại Việt Nam cũng khẳng định là “không thể không tính tới vai trò của thương nhân nếu muốn phát triển bền vững ngành hàng cà phê Việt Nam”.

Khác với nhiều cộng đồng cùng trồng cà phê trên thế giới như Brazil hay Ethopia, ngành hàng cà phê Việt Nam nói chung và Lâm Đồng nói riêng mang tính nhỏ lẻ, nông dân trồng cà phê với diện tích hẹp và manh mún. Bởi vậy, việc thu mua sản phẩm không thể làm theo quy mô lớn mà phải phụ thuộc vào những thương nhân địa phương.

Tại Lâm Đồng, chỉ có 10% lượng cà phê được bán trực tiếp cho các công ty lớn, 90% lượng cà phê còn lại được thu gom bởi các thương nhân trung gian. Nếu không có thương nhân, cà phê trong dân sẽ rất khó để tiếp cận thị trường nhanh chóng và hiệu quả.

Không chỉ giữ vai trò thu mua, nhiều thương nhân cà phê còn cung cấp cả vật tư đầu vào như phân bón, giống cà phê, thuốc bảo vệ thực vật cho nông dân theo hình thức tín chấp trả chậm, giúp nông dân có vốn để chăm sóc cà phê mà không phải tìm tới “tín dụng đen”. Ông Trịnh Tấn Vinh, Chi hội trưởng Chi hội sản xuất cà phê bền vững huyện Di Linh cho biết, hầu hết nông dân xung quanh ông trồng cà phê đều bán cho thương lái, rất nhanh và tiện lợi.

Tuy nhiên, thu mua qua trung gian ngành cà phê không phải không có những yếu tố bất lợi. Với người trồng cà phê, nông dân phải phụ thuộc vào sự đánh giá của thương nhân về chất lượng hạt. Và nhiều bài học về thương nhân cà phê vỡ nợ, chiếm dụng hàng chục tỷ đồng cà phê ký gửi của nông dân cũng khiến mối quan hệ trở nên bấp bênh. Với thương nhân cũng phải chịu rủi ro khi mất mùa hay nông dân thay đổi, không chịu thực hiện hợp đồng do “giao hẹn miệng”. Bà Nguyễn Thị Tám, đại diện Công ty cà phê Tám Trình, Lâm Hà chia sẻ: “Công ty chúng tôi đầu tư cho nông dân từ phân bón, thuốc men… nhưng nếu mùa vụ không đạt yêu cầu, bà con không có cà phê để bán, công ty không thu hồi được tiền đầu tư. Thậm chí nhiều hộ có cà phê nhưng mang đi bán chỗ khác, chúng tôi cũng không có cách nào ép họ trả tiền. Thương nhân cũng gặp nhiều rủi ro trong làm ăn và đây cũng là lo lắng chung của thương nhân cà phê”. Và xét trên lợi ích chung, thu mua qua thương nhân nhỏ khiến hạt cà phê không thể truy xuất nguồn gốc, không đảm bảo được chất lượng do sự pha trộn của đại lý thu gom. Đây cũng là yếu tố khiến hạt cà phê không đảm bảo được giá trị như vốn có.

Làm sao để phát huy vai trò của thương nhân trong sự phát triển bền vững ngành hàng cà phê Việt? Câu hỏi tuy khó nhưng đã manh nha có câu trả lời. Bà Quỳnh Chi, đại diện Diễn đàn cà phê toàn cầu Việt Nam đánh giá, nhiều địa phương trong đó có Lâm Đồng đã bắt đầu tạo được những mối liên kết doanh nghiệp - thương nhân - nông dân, giúp đường đi của hạt cà phê thuận lợi hơn. Trong đó, nông dân tổ chức thành các nhóm hộ, tổ hợp tác, hợp tác xã để có đủ năng lực liên kết trực tiếp với các doanh nghiệp cà phê, hạn chế khâu trung gian. Các thương nhân ký hợp đồng với doanh nghiệp cà phê, chịu trách nhiệm giám sát, theo dõi, hỗ trợ và thu mua hạt cà phê của người nông dân theo đúng hợp đồng với doanh nghiệp. Và doanh nghiệp cà phê lớn đảm bảo ký kết hợp đồng với nông dân và đại lý, cung cấp kỹ thuật, kinh phí, đảm bảo đầu ra bền vững cho hạt cà phê. Với Lâm Đồng, con số có thay đổi theo hàng năm nhưng nhiều công ty cà phê lớn như Intimex Mỹ Phước, Nestlé, 2.9, OLAM, ACOM… đang liên kết với hàng ngàn nông hộ và một số đại lý để thu mua theo hợp đồng liên kết. Đây chính là một phương hướng phát triển tốt để giúp hạt cà phê mang lại lợi nhuận cao nhất cho người nông dân, thương nhân và doanh nghiệp đồng thời xây dựng chất lượng bền vững cho hạt cà phê Việt.

Diệp Quỳnh

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang