• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Khuyến khích sản xuất giống phục vụ “Cánh đồng lớn”

Nguồn tin: Báo An Giang, 25/08/2017
Ngày cập nhật: 26/8/2017

Với việc hỗ trợ 30% chi phí kiểm định đồng ruộng, chi phí kiểm nghiệm giống xác nhận cho nông dân các tổ giống ở 6 địa phương có thế mạnh, An Giang đặt kỳ vọng tự sản xuất được trên 80% nhu cầu giống phục vụ “Cánh đồng lớn” (CĐL) trong 4 năm tới.

Cần có tiếng nói chung

An Giang là nơi khởi đầu cho mô hình CĐL của toàn vùng ĐBSCL, đến nay, diện tích thực hiện mô hình liên kết CĐL đứng hàng đầu trong khu vực. Tuy nhiên, có một mâu thuẫn tồn tại lâu nay là doanh nghiệp (DN) tham gia CĐL thường buộc nông dân sử dụng giống xác nhận do DN cung cấp, trong khi nông dân lại muốn sử dụng giống do họ tự sản xuất hoặc đặt hàng các tổ giống trong khu vực. “Cũng là giống xác nhận, được kiểm định, kiểm nghiệm nhưng giống do tổ giống cung ứng chỉ 9.000 đồng/kg, trong khi giống do công ty đưa xuống cho nông dân sản xuất lại tính giá 13.000 - 14.000 đồng/kg. Tiền lúa giống cao cộng với các khoản khác tăng khiến chi phí đầu vào cao, trong khi DN thu mua sản phẩm lại tính giá thị trường chưa hợp lý nên hợp đồng dễ bị “gãy kèo”. Tôi thấy việc xây dựng CĐL gắn với tổ giống là rất hay bởi giúp nông dân có được nguồn lúa giống xác nhận với giá hợp lý, tiết kiệm chi phí sản xuất” - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) lúa giống Tư Minh Trần Hoàng Minh (xã Vĩnh Trạch, Thoại Sơn) phân tích. Ông Minh cho rằng, để bảo đảm tính bền vững trong liên kết sản xuất CĐL, cần xây dựng hợp đồng chặt chẽ, ràng buộc về pháp lý, gắn nghĩa vụ và trách nhiệm của DN và nông dân tham gia. “Bên nào vi phạm, làm “bể” hợp đồng phải bị xử lý nghiêm. Trên thực tế, khi nông dân sản xuất có lời thì không “bẻ chĩa”, bởi làm ăn mất uy tín thì sau này chơi với ai”- Giám đốc HTX lúa giống Tư Minh nhấn mạnh.

Nhân giống lúa phục vụ CĐL

Là một nông dân tham gia liên kết với khá nhiều DN trong thời gian dài, ông Phan Đức Minh, Tổ giống xã Vĩnh Khánh (Thoại Sơn) cho rằng, khi liên kết CĐL, nông dân đừng vội đòi hỏi lợi nhuận cao mà nên giữ uy tín làm ăn với DN. Khi DN phát triển thì nông dân được hưởng lợi theo. “Tuy nhiên, DN cũng không nên quá “thủ” về phần mình, phải chia sẻ với nông dân. Thay vì chi hoa hồng cho các đại lý phân phối giống, phân, thuốc xuống nông dân, DN có thể trừ phần hoa hồng này vào giá thành để cung ứng trực tiếp cho nông dân với giá rẻ hơn. Đồng thời, có thể sử dụng giống xác nhận tại chỗ của các tổ giống với giá thấp hơn. Khi chi phí đầu vào giảm, nông dân có lời, sẽ yên tâm gắn bó lâu dài với DN” - ông Phan Đức Minh chia sẻ.

Đẩy mạnh xã hội hóa giống lúa

Hiện nay, các DN đang triển khai CĐL trên địa bàn tỉnh với nhiều hình thức khác nhau. Có DN đầu tư đầu vào - tiêu thụ đầu ra, có DN đầu tư, cung ứng giống đầu vụ và thu hồi vốn cuối vụ, có DN chỉ tiêu thụ, không đầu tư, cũng có DN đầu tư bằng cách cho nông dân tạm ứng tiền để mua giống và vật tư nông nghiệp. Cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông An Giang Phạm Thành Tâm cho biết, việc sử dụng giống lúa của các CĐL hiện nay chủ yếu do DN cung cấp giống. Tuy nhiên, nhiều nơi nông dân đã tự sản xuất giống từ trước nên không nhận giống của DN, nông dân tin tưởng giống lúa của mình hơn. Thực trạng này dẫn đến khó kiểm soát, quản lý chất lượng giống. “Theo khuyến cáo, sản xuất lúa theo CĐL cần áp dụng chương trình “1 phải, 5 giảm”, trong đó “1 phải” là phải sử dụng giống cấp xác nhận. Trên thực tế, từ hiệu quả của Dự án xã hội hóa giống lúa giai đoạn 2011-2013, đến cuối năm 2016, trên địa bàn tỉnh đã có 38 cơ sở, công ty sản xuất - kinh doanh giống lúa. Trong đó, hơn 25.000 tấn của các tổ giống đã được công nhận đạt chất lượng QCVN:01-54” - ông Tâm đánh giá.

Phong trào xã hội hóa giống lúa phát triển mạnh là cơ sở để UBND tỉnh phê duyệt Dự án sản xuất lúa giống phục vụ CĐL giai đoạn 2017-2020. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), dự án triển khai cho các nông dân, DN, tổ nhân giống cộng đồng của 6 địa phương có thế mạnh về sản xuất giống là Châu Thành, Châu Phú, Tịnh Biên, Tri Tôn, Thoại Sơn và Chợ Mới. Đến năm 2020, dự án đặt mục tiêu nhân giống từ siêu nguyên chủng ra nguyên chủng 156 héc-ta, sản lượng 780 tấn. Sau đó, nhân từ giống nguyên chủng ra giống xác nhận 6.424 héc-ta (đạt QCVN:01-54), sản lượng 38.544 tấn, đáp ứng trên 80% diện tích CĐL, đảm bảo chất lượng tiêu dùng và xuất khẩu gạo. Để khuyến khích các tổ giống tham gia, ngân sách sự nghiệp nông nghiệp dự kiến hỗ trợ gần 1,22 tỷ đồng cho các tổ giống mạnh nhân giống siêu nguyên chủng (hỗ trợ 50% chi phí). Đối với nông dân các tổ giống trong vùng dự án, được hỗ trợ 30% chi phí kiểm định đồng ruộng và chi phí kiểm nghiệm giống xác nhận.

Ngô Chuẩn

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang