• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Xây dựng thương hiệu dược liệu Lào Cai

Nguồn tin: Báo Lào Cai, 24/08/2017
Ngày cập nhật: 25/8/2017

Những năm gần đây, các địa phương trong tỉnh (Bắc Hà, Sa Pa, Si Ma Cai, Bát Xát) đã đưa vào khảo nghiệm một số mô hình trồng cây dược liệu và khuyến khích người dân trồng, góp phần nâng cao thu nhập. Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế từ cây dược liệu còn thấp, sản xuất manh mún, chưa bền vững. Do vậy, để phát triển ngành dược liệu cũng như tạo dựng được thương hiệu dược liệu Lào Cai, cần có chiến lược dài hơi, từ thay đổi cơ chế, chính sách đến phát triển vùng chuyên canh, ứng dụng công nghệ cao và tìm đầu ra cho sản phẩm ổn định.

Thay đổi từ chính sách

Lào Cai được đánh giá là địa phương có chủng loại cây dược liệu phong phú và đa dạng. Toàn tỉnh hiện có gần 1.000 ha cây dược liệu. Đặc biệt có các quần thể cây thuốc quý nằm trong hệ thực vật của dãy Hoàng Liên Sơn như: Tam thất hoang, sâm vũ diệp, cây bảy lá một hoa, chè dây, giảo cổ lam, đỗ trọng… Ngoài diện tích dược liệu tự nhiên, một số loài dược liệu được bà con nhân trồng đại trà đã và đang trở thành cây trồng chủ lực, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho người dân vùng cao (bình quân thu nhập từ 100 - 240 triệu đồng/ha).

Người dân Si Ma Cai chăm sóc cây tam thất.

Qua thực tế sản xuất dược liệu những năm gần đây, nhận thấy tiềm năng và triển vọng của ngành dược liệu, cuối năm 2016, UBND tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch phát triển dược liệu tỉnh Lào Cai đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, đến năm 2020, tỉnh sẽ ưu tiên quy hoạch phát triển 10 chủng loại cây dược liệu có thế mạnh về thị trường tiêu thụ, trên cơ sở khai thác các điều kiện của các tiểu vùng khí hậu á nhiệt đới và rừng tự nhiên, với tổng diện tích là 1.200 ha. Đến năm 2030, mở rộng diện tích và chủng loại dược liệu hàng hóa có ưu thế trên địa bàn tỉnh lên 22 chủng loại chính, với diện tích là 3.799 ha, 100% diện tích và sản lượng cây dược liệu của vùng quy hoạch đảm bảo tiêu chuẩn thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc của Tổ chức Y tế thế giới (GACP - WHO). Đến năm 2030 sẽ có 12 cơ sở thu gom, sơ chế và bảo quản dược liệu, với diện tích từ 500 đến 1.000 m2/khu sơ chế, 3 cơ sở chế biến sản phẩm dược liệu tại huyện Sa Pa, Bắc Hà và thành phố Lào Cai; sản lượng cây dược liệu hàng hóa đạt từ 4.500 tấn đến 5.000 tấn sản phẩm (năm 2020) và từ 11.000 tấn đến 11.500 tấn sản phẩm (năm 2030).

Tỉnh đã ban hành một số chính sách ưu tiên, ưu đãi đối với các cá nhân, doanh nghiệp tham gia trồng dược liệu, mở ra cơ hội phát triển cho ngành dược liệu trên địa bàn. Ngoài ra, các cấp, các ngành cũng thực hiện làm cầu nối liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp thu mua, chế biến dược phẩm trong nước để tiêu thụ dược liệu cho người dân. Trong Đề án “Tái cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016 - 2020”, tỉnh đã quy hoạch sẽ mở rộng diện tích trồng cây dược liệu ứng dụng quy trình sản xuất công nghệ cao lên 350 ha. Diện tích cây dược liệu được canh tác theo quy trình ứng dụng công nghệ cao thực hiện tại các huyện: Bát Xát (80 ha), Bắc Hà (50 ha), Sa Pa (65 ha), Si Ma Cai (45 ha), Mường Khương (65 ha), Văn Bàn (45 ha). Các loại cây dược liệu được trồng chủ yếu như: Đương quy, xuyên khung, atiso, đan sâm, tam thất…

Chú trọng sản phẩm đặc hữu

Theo nghiên cứu của Trạm Nghiên cứu trồng cây thuốc Sa Pa (Viện Dược liệu Trung ương), tại Lào Cai có hơn 1.000 loài cây dược liệu, trong đó có 78 loài có tiềm năng khai thác và 70 loài quý hiếm thuộc diện phải bảo tồn. Chưa kể, còn có hàng trăm cây thuốc được thu hái, sử dụng theo kinh nghiệm dân gian của người dân tộc thiểu số… Các loài dược liệu được trồng theo hướng sản xuất hàng hóa trên địa bàn tỉnh như: Atiso, đương quy, đẳng sâm, đan sâm, cát cánh, tam thất bắc… Các loài này được nhập nội, di thực từ các quốc gia khác vào Việt Nam. Trong khi đó, các loài bản địa có giá trị cao lại ít được trồng phổ biến, nên chưa có sản phẩm đặc hữu.

Người dân Si Ma Cai làm đất trồng đương quy.

Hiện, Trạm Nghiên cứu trồng cây thuốc Sa Pa đang nghiên cứu và bảo tồn hơn 300 loài cây dược liệu bản địa và 50 loài cây dược liệu nhập nội. Ông Phạm Ngọc Khánh, Phó trưởng Trạm Nghiên cứu trồng cây thuốc Sa Pa cho biết: Dãy núi Hoàng Liên rất đa dạng về chủng loại cây dược liệu, trong đó, nhiều loài cây quý hiếm, có đặc tính dược liệu, giá trị kinh tế cao như: Tam thất hoang, sâm vũ diệp, các loài thuộc chi thất diệp nhất chi hoa, Hoàng Liên gai… Đây là các loài cây dược liệu bản địa, thích hợp canh tác trên địa hình đồi núi cao, đất dốc, khí hậu mát mẻ. Ngoài các loại cây đã được trồng thành hàng hóa, đây cũng là những loài dược liệu có nhiều triển vọng nếu được nhân rộng. Cũng theo ông Khánh, để xây dựng được thương hiệu dược liệu cho Lào Cai, ngoài việc quy hoạch, khuyến khích phát triển, liên kết tiêu thụ sản phẩm, cần đầu tư nhân rộng một số cây dược liệu bản địa mang tính đặc hữu của Lào Cai; đồng thời, cần nghiên cứu và phổ biến cách sử dụng thuốc của người dân tộc thiểu số trong chữa bệnh cho người dân có hiệu quả.

Việc quy hoạch vùng trồng, ban hành các chính sách ưu đãi đối với ngành dược liệu cho thấy tỉnh đã quan tâm đến phát triển dược liệu. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra cho ngành dược liệu Lào Cai là phải xây dựng được thương hiệu riêng. Có như vậy, mới nâng cao giá trị của cây dược liệu, đồng thời mở hướng phát triển kết hợp phục vụ du lịch; quảng bá các sản phẩm đặc hữu của Lào Cai đến du khách trong, ngoài nước.

Ðức Phương

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang