• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Lào Cai: Y Tý tìm đầu ra cho cây dược liệu

Nguồn tin: Báo Lào Cai, 14/08/2017
Ngày cập nhật: 15/8/2017

Y Tý là xã vùng cao của huyện Bát Xát (Lào Cai), có khí hậu tiểu vùng ôn đới lục địa đặc thù, phù hợp với các loại cây dược liệu và cây ăn quả ôn đới. Những năm qua, chính quyền và người dân xã Y Tý đã mở rộng diện tích sản xuất cây dược liệu, nhằm phát huy thế mạnh địa phương. So với các loại cây trồng truyền thống như ngô, lúa, thì cây dược liệu mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Tuy nhiên, việc tìm đầu ra ổn định bằng liên kết trong sản xuất và bao tiêu sản phẩm vẫn đang là bài toán khó đối với địa phương.

Cán bộ xã Y Tý kiểm tra sự sinh trưởng của cây đương quy.

Dược liệu là cây trồng thế mạnh và được chính quyền xã lựa chọn là cây chủ lực giúp người dân xóa đói, giảm nghèo. Nhiều hộ dân địa phương đã mạnh dạn tham gia mô hình sản xuất các loại cây dược liệu và bước đầu có thu nhập khá. Gia đình anh Sùng A Hờ, thôn Ngải Chồ trồng cây hoàng sin cô từ 3 năm trước. Hoàng sin cô là cây dược liệu trồng để lấy củ, có tác dụng tốt cho sức khỏe. Với mỗi cây hoàng sin cô, gia đình anh Hờ thu từ 1,5 kg - 2 kg củ tươi. Theo anh Hờ, nếu bán số lượng lớn sản phẩm cho các đơn vị thu mua, với mức giá 2.000 đồng/kg trở lên là người dân đã có lãi. Củ hoàng sin cô bảo quản được lâu, nếu không bán được cho các tư thương, người dân có thể bán lẻ tại các chợ phiên hoặc bán cho khách du lịch với giá trung bình 10.000 đồng/kg. Mỗi ha hoàng sin cô, người dân thu khoảng 50 triệu đồng. Anh Hờ chia sẻ: Cây dược liệu mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với cây ngô. Nếu có thị trường tiêu thụ ổn định, chúng tôi sẽ mở rộng diện tích trồng.

Năm 2017, người dân xã Y Tý trồng 5 ha đương quy, 60 ha xuyên khung và trồng thử nghiệm một số loại dược liệu khác, như đan sâm, bạch truật, cam thảo, hoàng sin cô… Các loại cây dược liệu phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng địa phương, sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất cao. Một số diện tích dược liệu được doanh nghiệp, cá nhân liên kết tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, nên sự liên kết này chưa chặt chẽ và thiếu tính bền vững.

Gia đình chị Sò Thó Chơ, thôn Mò Phú Chải đã chuyển đổi gần 5.000 m2 đất nương trồng ngô sang trồng cây đương quy được 2 năm. Năm đầu tiên, sản phẩm đương quy tiêu thụ khá thuận lợi, toàn bộ sản phẩm được một doanh nghiệp thu mua với giá 18.000 đồng/kg. Thế nhưng, sang năm thứ 2 thì việc tiêu thụ gặp khó khăn, không có doanh nghiệp đứng ra thu mua sản phẩm, chị Chơ phải thu hoạch dần, mang bán lẻ ở chợ phiên. Năm nay, chị Chơ vẫn đặt niềm tin vào cây trồng này và duy trì diện tích cây đương quy, với hy vọng sẽ có doanh nghiệp thu mua sản phẩm.

Được biết, năm 2016, người dân xã Y Tý liên kết với một số doanh nghiệp để trồng cây đương quy. Tuy nhiên, đến thời điểm thu hoạch, mưa nhiều, khiến phần lớn củ bị hỏng, nên doanh nghiệp không thu mua. Ngoài đương quy, một số cây dược liệu khác cũng khó tiêu thụ do nhiều lý do, trong đó có nguyên nhân sản xuất chưa đạt theo yêu cầu của đơn vị thu mua. Với diện tích dược liệu đã trồng và tình trạng khó khăn khi bán sản phẩm cho doanh nghiệp, người dân chủ yếu tiêu thụ thông qua bán lẻ, dẫn đến mối liên kết trong sản xuất và tiêu thụ cây dược liệu trở nên lỏng lẻo.

Theo ông Tráng A Lù, Phó Chủ tịch UBND xã Y Tý, dược liệu là cây trồng thế mạnh của địa phương, được chọn là cây chủ lực giúp người dân xóa đói, giảm nghèo trong thời gian tới. Hiện nay, việc tiêu thụ sản phẩm dược liệu gặp khó khăn. Chính quyền xã đang tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp “bắt tay” với nông dân. Đến nay, có một số doanh nghiệp ký hợp đồng tiêu thụ với người dân. Từ sự liên kết này, người dân sẽ được hướng dẫn sản xuất đúng quy trình, hỗ trợ vật tư và có đơn vị bao tiêu đầu ra cho sản phẩm. Đây là giải pháp để phát triển dược liệu bền vững tại Y Tý.

Thúy Phượng

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang