• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nắm rõ, quản lý chặt chẽ tình hình dịch bệnh để phát triển cà phê bền vững

Nguồn tin: Báo Đắk Nông, 10/08/2017
Ngày cập nhật: 13/8/2017

Thực hiện việc giám sát và quản lý tốt tình hình dịch bệnh trên cây cà phê một cách hiệu quả có vai trò quan trọng trong sản xuất và phát triển cà phê bền vững.

Việc áp dụng biện pháp sinh học hoặc hóa học kết hợp với sinh học trong phòng trừ bệnh hại cho cây cà phê rất cần được người dân chú trọng. Ảnh: Y Sơn

Theo thống kê, toàn tỉnh Đắk Nông hiện nay có 123.568 ha cà phê với tổng sản lượng khoảng hơn 240.000 tấn; trong đó, hơn 85% diện tích cà phê là của các hộ gia đình. Đây là cây trồng chủ lực của tỉnh khi giá trị xuất khẩu luôn chiếm gần 30% tổng giá trị xuất khẩu trên địa bàn. Theo khảo sát của Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên mới đây cho thấy, việc nắm rõ, kiểm soát và quản lý các loại bệnh hại trên cây cà phê đối với người dân trên địa bàn tỉnh vẫn chưa được chú trọng đúng mức.

Các loại dịch bệnh trên cây cà phê hiện nay chủ yếu là bệnh vàng lá thối rễ, bệnh gỉ sắt, khô cành khô quả, nấm hồng, đốm mắt, lở cổ rễ, thối nứt thân….Kết quả điều tra cũng cho thấy, có tới trên 60% số vườn khảo sát đều bị 2 loại bệnh là vàng lá - thối rễ và gỉ sắt. Nhưng mức độ gây hại vẫn trong tầm kiểm soát của người dân. Ngoài ra, tỷ lệ vườn cây bị bệnh khô cành khô quả cũng khá cao tới hơn 46% và bệnh nấm hồng trên 48%...

Tại các khu vực trọng điểm trồng cà phê của tỉnh như Đắk Mil, Đắk Song, Đắk R’lấp và thị xã Gia Nghĩa, khi được hỏi có tới hơn 95% người cho biết, họ chỉ biết sử dụng hóa chất khi cây cà phê bị bệnh hoặc sử dụng theo định kỳ hằng năm để phòng bệnh. Vì vậy, tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong phòng trừ bệnh trên cà phê vẫn còn phổ biến. Thực trạng này không chỉ làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm cà phê mà còn ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người trồng cà phê lẫn môi trường sinh thái.

Tuy nhiên, hiệu quả phòng, trừ bệnh hại trên thực tế chưa cao. Điều này dẫn đến tình trạng mất cân bằng sinh thái trong sản xuất và xảy ra tình trạng kháng thuốc đối với một số loại bệnh. Trong khi đó, biện pháp sinh học hoặc hóa học kết hợp với sinh học chưa được người dân chú trọng áp dụng. Qua khảo sát cũng cho thấy, số hộ được tập huấn nghiệp vụ về các biện pháp phòng, trừ bệnh hại trên cây cà phê trên địa bàn có tỷ lệ rất nhỏ.

Đối với các loại bệnh hại trên cây cà phê, người trồng cà phê cần có chế độ chăm sóc hợp lý và biện pháp phòng trừ tổng hợp từ khâu thăm vườn, vệ sinh vườn cây, đến bón phân, tưới nước và sử dụng biện pháp bảo vệ thực vật giữa hóa học kết hợp với sinh học nhằm cân bằng môi trường sinh thái góp phần vào phát triển bền vững cà phê. Chú trọng mở các lớp tập huấn, hội thảo về phòng trừ sâu bệnh trên cây cà phê đối với người dân nhằm giúp bà con nhận thức rõ từng loại bệnh, cũng như quy trình phòng, trừ bệnh một cách hiệu quả.

Rõ ràng cùng với ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu như đã xảy ra trong thời gian qua thì tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật có tính phổ biến đang làm giảm giá trị của ngành sản xuất cà phê trên địa bàn tỉnh. Do đó, để ngành cà phê tỉnh nhà phát triển bền vững, cùng với định hướng phát triển cà phê chất lượng cao thì vấn đề sản xuất cà phê an toàn, cà phê sinh thái, cà phê sạch đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường xuất khẩu, cũng như nhu cần ngày càng phổ biến của người tiêu dùng cần phải được chú trọng. Đây cũng là giải pháp góp phần tạo sức cạnh tranh của cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới từng bước được nâng cao hơn.

Theo khuyến cáo của Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên thì việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong phòng, trừ các loại bệnh trên cây cà phê theo nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng lúc, đúng cách) hiện nay là rất quan trọng và sẽ đưa lại hiệu quả tối ưu. Tuy nhiên, để tuân thủ theo nguyên tắc 4 đúng thì người dân cần nâng cao nhận thức, nắm bắt rõ quy trình nghiệp vụ liên quan.

Bình Minh

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang