• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Chọn cây cho đất từ phần mềm quản lý trực tuyến đất nông nghiệp

Nguồn tin: Báo Bắc Giang, 03/08/2017
Ngày cập nhật: 4/8/2017

Thực hiện Dự án "Phần mềm quản lý trực tuyến đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang", nhiều cánh đồng sản xuất hàng hóa được hình thành. Qua đây, cây trồng được phân bố rõ ràng, người dân nắm được công thức để lựa chọn giống, cách chăm sóc phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi quy hoạch phát triển vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao (CNC).

Sản xuất chè tập trung ứng dụng công nghệ cao tại bản Ven, xã Xuân Lương (Yên Thế).

Dễ quản lý, thuận tiện khai thác

Cuối năm 2015, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Viện Nông hóa - Thổ nhưỡng (Bộ Nông nghiệp và PTNT) chọn huyện Yên Thế thí điểm thực hiện mô hình. Phần mềm quản lý trực tuyến đất nông nghiệp giúp cơ quan chức năng thuận tiện nhận dạng loại đất, chất đất, dự báo lượng phân bón thích hợp; từ đó chỉ dẫn giúp người dân lựa chọn loại cây trồng tốt nhất và cách chăm sóc hiệu quả.

Bà Nguyễn Thị Thanh Xuân, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: “Dữ liệu về đất đai được cập nhật, lưu trữ bằng phần mềm công nghệ thông tin thuận tiện theo dõi. Kết quả cho thấy, phần lớn diện tích đất nông nghiệp có độ dày từ 60 cm trở lên, giữ ẩm tốt, thoát nước, nhiều mùn, độ PH từ 5- 7%, phù hợp với đặc tính sinh trưởng, phát triển của các loại cây trồng như: Lúa, rau màu, chè, cây ăn quả, lâm nghiệp. Trong đó, cây chè chiếm ưu thế lớn nhất”. Ví như, xã Tam Tiến có diện tích đất đồi bãi lớn. Trước kia người dân chủ yếu trồng sắn, vải thiều nhưng do không phù hợp với chất đất nên hiệu quả kinh tế thấp. Nhờ có bản đồ chỉ dẫn, địa phương xác định chè là cây chủ lực, phù hợp nên tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Toàn xã đã trồng mới 30 ha chè thay thế diện tích kém hiệu quả trước kia.

Tương tự, các xã: Xuân Lương, Canh Nậu, Tiến Thắng, Đồng Tâm, Tân Sỏi… cũng hình thành vùng trồng rau màu vụ đông, chè, cam, nhãn tập trung, thu nhập bình quân trên một ha nông nghiệp đạt hơn 90 triệu đồng, tăng từ 1-2 triệu đồng/ha. Riêng đối với cây chè, ngoài 200 ha trồng mới do UBND huyện hỗ trợ thực hiện tại các xã, người dân trong vùng đang tự chuyển đổi sản xuất giống cây trồng này với quy mô hơn 500 ha.

Hiện nay, các huyện còn lại trong dự án cũng đã có cơ sở dữ liệu cho phòng chức năng hướng dẫn người dân lựa chọn cây trồng, hình thành vùng sản xuất chuyên canh. Đơn cử tại huyện Hiệp Hòa, sau khi dự án triển khai cho thấy, địa phương có 4 nhóm đất chính, trong đó đất xám chiếm hơn 50%, có thể canh tác được nhiều loại cây trồng khác nhau gồm lúa, rau màu, cây ăn quả… Tuy nhiên, đặc điểm của đất này nghèo bazơ, chua, cần bổ sung chất dinh dưỡng phù hợp cây mới sinh trưởng, phát triển tốt. Ông Nguyễn Văn Toản, thôn Hoàng An, xã Hoàng Lương (Hiệp Hòa) cho biết: “Nhiều năm nay, nhà tôi trồng rau màu, cây ăn quả nhưng thân, lá hay bị vàng, chậm lớn mặc dù bón khá nhiều đạm. Từ khi dự án phần mềm quản lý trực tuyến đất nông nghiệp triển khai, tôi mới biết đất thiếu bazơ cần bổ sung phân bón vi lượng NPK. Nhờ thay đổi cách chăm sóc nên cây trồng không còn bị bệnh như trước”.

Hình thành vùng canh tác tập trung

Ông Nguyễn Anh Hoàng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết: “Phần mềm quản lý trực tuyến đất nông nghiệp bước đầu đã giúp các địa phương ứng dụng vào việc khai thác, sử dụng đất nông nghiệp; quy hoạch vùng canh tác tập trung, ứng dụng CNC vào sản xuất. Hiện các huyện, TP trong tỉnh đã và đang triển khai 22 mô hình sản xuất tập trung ứng dụng CNC; trong đó 19 mô hình sản xuất rau, quả còn lại là trồng hoa. Từ nay đến năm 2020, toàn tỉnh tiếp tục mở rộng diện tích vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC quy mô lớn. Do vậy, để lựa chọn được vùng quy hoạch, cây giống phù hợp, đồng thời nâng cao chất lượng nông sản thì phần mềm quản lý trực tuyến đất nông nghiệp đóng vai trò quan trọng.

Sau gần hai năm triển khai, đến nay, dự án đã cơ bản hoàn thành việc xây dựng, quản lý đất đai trên hệ thống phần mềm điện tử của TP Bắc Giang và 6 huyện gồm: Việt Yên, Yên Dũng, Lục Nam, Yên Thế, Hiệp Hòa, Sơn Động. Thời điểm này, đơn vị chuyên môn đang hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật quản lý trang trực tuyến cho cán bộ chuyên môn các địa phương; thao tác tìm kiếm trên mạng; đọc, phân tích chất lượng, tỷ lệ chăm sóc cây trồng trên từng loại đất. Nhờ hiểu rõ tính chất của loại đất, hàm lượng các nguyên tố vi lượng, chất dinh dưỡng, cán bộ khuyến nông có thể hướng dẫn nông dân điều tiết tỷ lệ phân bón, phát huy hiệu quả cao nhất trong canh tác.

Điển hình như thời gian gần đây, năng suất lúa của người dân xã Cảnh Thụy (Yên Dũng) cao hơn so với những vụ trước nhờ ứng dụng phần mềm quản lý trực tuyến đất nông nghiệp. Bà con nắm bắt được công thức sử dụng phân bón phù hợp với hiện trạng của đất. Bên cạnh đó, huyện cũng sử dụng phần mềm này để có vùng sản xuất tập trung, đầu tư phương tiện, máy móc gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch nông sản.

Trao đổi với Thạc sĩ Trương Xuân Cường, Chủ nhiệm dự án, được biết, đơn vị đang phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục rà soát, lấy mẫu đất thực hiện nghiên cứu, cập nhật số liệu lên hệ thống phần mềm. Qua đó đánh giá tài nguyên đất một cách toàn diện, làm cơ sở giúp tỉnh xác định cơ cấu cây trồng phù hợp với từng địa phương, hình thành vùng sản xuất hàng hóa. Tuy nhiên, do tỷ lệ nông dân biết sử dụng Internet còn thấp nên việc triển khai, áp dụng kết quả của dự án vào thực tế còn gặp khó khăn. Vì vậy thời gian tới, đơn vị triển khai đề tài phối hợp cùng các huyện, TP, Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức tập huấn cho bà con cách tra cứu phần mềm này để áp dụng hiệu quả.

Dự án do Sở Khoa học và Công nghệ, Viện Nông hóa - Thổ nhưỡng (Bộ Nông nghiệp và PTNT) thực hiện từ năm 2015 tại 6 huyện và TP Bắc Giang. Tổng kinh phí hơn 2,2 tỷ đồng từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học của tỉnh và đối ứng. Dự án góp phần giúp lựa chọn cây trồng phù hợp đất đai, cách chăm sóc giảm thiểu lượng phân bón dư thừa, hình thành vùng canh tác tập trung, an toàn, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất, phát triển KT-XH.

Hoàng Phương

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang