• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nâng cao giá trị sản phẩm chè

Nguồn tin: Báo Tuyên Quang, 14/07/2017
Ngày cập nhật: 16/7/2017

Tuyên Quang là tỉnh xếp vào tốp tỉnh có nhiều diện tích chè nhất khu vực miền núi phía Bắc với gần 9.000 ha. Cây chè trụ trên đất Tuyên Quang đã gần 60 năm nhưng hiệu quả sản xuất và đời sống người làm chè chưa cao do năng suất vườn chè chưa tương xứng tiềm năng, lợi thế, thương hiệu sản phẩm chưa được chú trọng.

Các hộ nhận khoán thuộc đội 11, Công ty cổ phần chè Mỹ Lâm thu hái chè.

Diện tích nhiều, năng suất thấp

Theo đánh giá mới đây của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh hiện có 8.861 ha chè, trong đó có 8.432 ha cho thu hái. Trong đó, huyện Yên Sơn có diện tích chè lớn nhất 2.937 ha, Hàm Yên 2.137 ha, Sơn Dương 1.567 ha, Na Hang 1.366 ha, còn lại các huyện, thành phố có diện tích chè dưới 500 ha.

Năng suất chè bình quân năm 2016 của tỉnh đạt 78 tạ/ha, trong khi đó bình quân chung của cả nước là 88 tạ/ha. Yên Sơn cũng là huyện có năng suất chè đạt cao nhất 93 tạ/ha, Sơn Dương 86 tạ/ha, Hàm Yên 82 tạ/ha, Na Hang 36 tạ/ha. Năng suất chè đạt thấp do diện tích chè chủ yếu trong dân, các hộ trồng tự phát, không ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống mới và thực hiện biện pháp thâm canh chè.

Với những nơi có các công ty cổ phần chè (trước đây là nông trường) thì ở nơi đó có năng suất chè cao, phần do các hộ nhận khoán vườn chè với doanh nghiệp, bà con các xã lân cận liên doanh với doanh nghiệp được tiếp cận tiến bộ kỹ thuật thâm canh chè. Trong đó, Yên Sơn có 2 doanh nghiệp (chè Sông Lô và chè Mỹ Lâm), Sơn Dương có chè Tân Trào. Đây là những doanh nghiệp chuyên sản xuất kinh doanh chè nhiều năm trên địa bàn tỉnh.

Điều dễ nhận thấy trong cơ cấu 15 giống chè trên địa bàn, những giống chè lá mỏng, búp nhỏ phát triển chậm (chè Trung du) chiếm tới 50% diện tích chè của tỉnh. Các giống chè có năng suất và chịu thâm canh như PH1, PH8, PH11, LDP1, LDP2 có 2.803 ha chiếm 30% diện tích, còn lại 20% là chè giống chè đặc sản (Bát Tiên, Đại Bạch Trà, Kim Tuyên, Ngọc Thúy, Phúc Vân Tiên). Tổng sản lượng chè nguyên liệu thu hái năm 2016 toàn tỉnh đạt 65.674 tấn, tăng 3.500 tấn so với năm 2014.

Hiện toàn tỉnh có 45 doanh nghiệp và HTX, tổ hợp tác đăng ký kinh doanh chế biến tiêu thụ sản phẩm chè với công suất chế biến 514 tấn nguyên liệu/ngày (16.850 tấn/năm). Từ các cơ sở chế biến và công suất thiết bị hiện nay thì sản lượng chè hiện có mới đáp ứng 40% công suất chế biến trên địa bàn. Do có nhiều cơ sở chế biến, thiết bị công nghệ khác nhau và thị trường tiêu thụ khác nhau dẫn đến giá bán có sự chênh lệch khá rõ. Nhóm hàng sản phẩm xuất khẩu có giá từ 20 đến 43 triệu đồng/tấn; nhóm sản phẩm nội tiêu bán từ 60 đến 80 triệu đồng/tấn và nhóm hàng có thương hiệu nội tiêu đạt 100 đến 120 triệu đồng/tấn. Cá biệt sản phẩm chè Bát tiên Mỹ Bằng 350 đến 500 triệu đồng/tấn.

Một số sản phẩm chè của các doanh nghiệp, hợp tác xã trong tỉnh trưng bày tại Hội nghị phát triển vùng nguyên liệu và chế biến chè do Sở Nông nghiệp - PTNT tổ chức tháng 6-2017.

Nâng cao giá trị sản phẩm

Nhìn vào thực trạng sản xuất chè của tỉnh, chúng ta thấy rõ tiềm năng, lợi thế cây chè vẫn chưa được phát huy. Năng suất chè nguyên liệu có sự chênh lệch khá lớn, các công ty cổ phần có từ 7 đến 10% diện tích đạt năng suất từ 20 đến 30 tấn/ha/năm. Trái lại, diện tích chè các hộ dân quản lý năng suất chỉ đạt 4 đến 7 tấn/ha/năm.

Nguyên nhân khiến năng suất chè đạt thấp là do người dân sử dụng giống chè thoái hóa; trồng chè ở vị trí có độ dốc cao; mật độ không đông đặc và chăm sóc thâm canh không đảm bảo quy trình. Trong công nghiệp chế biến có tới 45 cơ sở với thiết bị công nghệ khác nhau nên tạo ra mặt hàng sản phẩm khác nhau. Hầu hết các doanh nghiệp tư nhân tự sản xuất chế biến sản phẩm chè xanh truyền thống theo quy trình làm héo, dệt men, vò sao khô và lên hương, đánh mốc. Mặc nhiên chưa có chế tài và tiêu chí về xác định xuất xứ nguyên liệu, vệ sinh công nghiệp, vệ sinh an toàn thực phẩm và tiêu chí sản phẩm chè xanh về màu nước, hương, vị của sản phẩm chè.

Thực hiện các giải pháp cho ngành chè của tỉnh phát triển, thời gian qua, Tuyên Quang đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích sản xuất hàng hóa nói chung và cây chè nói riêng. Trong đó, BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết 16 về phát triển nông nghiệp hàng hóa giai đoạn 2016 - 2025.

Trước đó, năm 2014 có Nghị quyết 10 và 12 của HĐND tỉnh về khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, hỗ trợ một số cây trồng, vật nuôi. Cùng với đó là Nghị quyết 41 của HĐND tỉnh khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; chế tài về quản lý sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên cây chè và Quyết định số 10, Kế hoạch số 47 về dự án cánh đồng lớn.

Để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm và tạo được thương hiệu chè, tăng thu nhập cho người làm chè rất cần có chế tài quản lý cụ thể vùng nguyên liệu cho từng cơ sở sản xuất để đảm bảo đủ nguyên liệu cho sản xuất, giảm thiểu tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đủ thời gian cách ly. Đặc biệt, ngành chức năng và chính quyền các cấp cần hỗ trợ khuyến khích khâu chế biến, tạo ra sản phẩm chè chất lượng có sức cạnh tranh cao và đa dạng mẫu mã sản phẩm chè.

Duy Hùng

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang