• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Thời cơ vụ thu đông

Nguồn tin: Báo An Giang, 13/07/2017
Ngày cập nhật: 14/7/2017

Trước tín hiệu khả quan của thị trường xuất khẩu gạo, nhất là nhu cầu đáp ứng các hợp đồng xuất khẩu cuối năm 2017, vụ thu đông được xem là thời cơ thuận lợi của các địa phương có lợi thế như An Giang. Giành thắng lợi vụ thu đông sẽ góp phần quan trọng vào mục tiêu tăng trưởng của ngành Nông nghiệp, đóng góp vào tăng trưởng GRDP của tỉnh.

Không được chủ quan

Theo nhận định của Tổng cục Thủy lợi, mùa mưa năm 2017 ở Tây Nguyên và Nam Bộ đến sớm nhưng có khả năng kết thúc sớm. Từ tháng 5 đến tháng 8, lượng mưa phổ biến ở mức cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN) khoảng 30% nhưng đến tháng 10, lại thấp hơn TBNN khoảng 30%. Mùa lũ năm 2017 trên hệ thống sông Mê Kông khả năng đến sớm hơn so TBNN. Ở đầu nguồn sông Cửu Long, đỉnh lũ năm nay dự báo ở mức báo động 2 - báo động 3, tương đương đỉnh lũ TBNN. Tuy nhiên, tiềm ẩn nguy cơ lũ lên nhanh hơn bình thường do mưa lớn tập trung kết hợp với điều tiết dòng chảy từ thượng lưu.

Chỉ sản xuất vụ thu đông ở những vùng đê bao ăn chắc

Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) An Giang Võ Thanh Tân cho biết, trước tình hình mưa lũ phức tạp, các địa phương phải tổ chức vụ thu đông hết sức cẩn trọng, không được chủ quan. Ngoài đảm bảo đê bao an toàn, các địa phương cần tuân thủ lịch xuống giống tập trung, đồng loạt và né rầy của tỉnh (đợt 1 từ ngày 15 đến 25-7, đợt 2 từ ngày 5 đến 20-8-2017). Tỉnh phấn đấu sử dụng 80% giống lúa chất lượng cao, đồng thời khống chế lúa, gạo có phẩm cấp thấp như IR50404 ở mức giới hạn từ 15 - 20%. Trên cơ sở thực tiễn sản xuất và khả năng tiêu thụ của thị trường, ngành Nông nghiệp tỉnh đề xuất các nhóm giống chủ lực gồm: Nhóm giống cao sản chất lượng cao (OM5451, OM4900, OM6976, OM7347, OM4218, OM6073, OM6162…); nhóm giống lúa thơm và lúa nếp (Nàng hoa 09, nếp CK92…); giống bổ sung (Jasmine, OM2517, OM2514…).

Đối với nhóm giống có triển vọng có thể thay thế các giống lúa không còn phù hợp trong sản xuất tại địa phương, Chi cục TT&BVTV An Giang đề xuất các giống: Lộc Trời 2, OM9582, OM9605… “Trước tình hình xuất khẩu nếp có sự biến động theo chiều hướng giảm, ngoại trừ vùng chuyên canh nếp Phú Tân, đề nghị chính quyền các địa phương khác khuyến cáo nông dân giảm xuống giống nếp để hạn chế rủi ro về giá cả do nguồn cung vượt quá nhu cầu” - ông Tân đề xuất.

Sản xuất an toàn

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Trần Anh Thư cho biết, dù gạo có tín hiệu thị trường tốt nhưng An Giang không sản xuất lúa thu đông bằng mọi giá. “An Giang dừng lại ở kế hoạch xuống giống vụ thu đông 170.000 héc-ta là phù hợp. Đối với các vùng sản xuất liên tục, sẽ ưu tiên xả lũ. Đối với những vùng sản xuất trễ lịch thời vụ, sẽ xả lũ luôn để chỉnh lịch xuống giống vụ đông xuân thống nhất, hạn chế rầy di trú liên tục. Đối với vụ thu đông, phải có sự đồng thuận của người dân, đê bao đảm bảo ăn chắc thì mới tổ chức sản xuất” - ông Thư nhấn mạnh.

Thực tế, đã có một số địa phương xuống giống sớm vụ thu đông, như: Tri Tôn (khoảng 6.500 héc-ta), Tịnh Biên (1.200 héc-ta), Phú Tân (4.200 héc-ta), Chợ Mới (1.200 héc-ta)... “Chúng tôi yêu cầu các địa phương đưa 13.000 héc-ta xuống giống sớm này vào danh sách báo động đỏ về khả năng lây lan, bùng phát dịch rầy nâu, bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá (VL-LXL). Tỉnh và huyện đang củng cố Ban Chỉ đạo phòng trừ rầy nâu, bệnh VL-LXL lúa và các dịch hại khác trên cây lúa để thống nhất chỉ đạo. Việc xử lý sẽ phân thành 3 cấp độ: Cấp độ nhẹ sẽ mời chủ đất lại, giao thuốc tự phun xịt, cấp độ trung bình thì Sở NN&PTNT sẽ phun thuốc dập dịch ngay mà không cần ý kiến của chủ đất, còn cấp độ nặng hơn 20% thì sẽ tiêu hủy ngay lập tức để tránh lây lan trên diện rộng, không chỉ ảnh hưởng diện tích lúa của An Giang mà cả vùng ĐBSCL” - ông Thư nhấn mạnh.

Dù rủi ro có khoảng 13.000 héc-ta xuống giống sớm vụ thu đông, nguy cơ thành ổ chứa dịch rầy nâu, bệnh VL-LXL lúa nhưng theo Giám đốc Sở NN&PTNT, đây lại là “may mắn” của An Giang bởi khi dịch hại tập trung vào diện tích này, nếu kiểm soát và xử lý tốt, đúng thời điểm thì sẽ khống chế trên 80% dịch bệnh cho cả vùng. “Giống như mình gom lại một chỗ để đánh tập trung. Nếu đánh thắng sẽ tiêu diệt gần như trọn ổ. Do vậy, phải tập trung kiểm soát và xử lý dịch bệnh quyết liệt trên trà lúa thu đông sớm” - ông Thư đánh giá.

Ngô Chuẩn

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang