• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Sóc Trăng: Tái cơ cấu ngành nông nghiệp có bước đột phá

Nguồn tin:  Báo Sóc Trăng, 08/02/2017
Ngày cập nhật: 9/2/2017

Sau 2 năm thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”, Sóc Trăng cơ bản đã thành công trong việc lựa chọn các sản phẩm cây, con chủ lực để tạo sự phát triển đột phá và đẩy mạnh liên kết trong sản xuất.

Chuyển đổi từ sản xuất...

Trong quá trình xây dựng đề án, ngành nông nghiệp đã xác định các vùng sản xuất trọng điểm, lựa chọn các cây, con giống chủ lực là trọng tâm trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong đó, xác định các sản phẩm cây, con giống chủ lực, gồm: lúa, mía, hành tím, cây ăn trái, tôm, cá tra, artermia, bò sữa, gia cầm và trồng rừng phòng hộ ven biển để ưu tiên đầu tư phát triển. Trên cơ sở đó, các huyện, thị xã, thành phố đồng loạt triển khai “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp” theo hướng phù hợp với lợi thế của địa phương gắn với xây dựng nông thôn mới. Công cuộc tổ chức lại sản xuất đã dần hình thành nên nhiều mô hình khuyến nông có hiệu quả, nhiều vùng sản xuất đặc trưng của địa phương được hình thành, như: mô hình lúa thơm - tôm sạch (Mỹ Xuyên), mô hình trồng cam sành - bưởi da xanh (Kế Sách) hay mô hình trồng mãng cầu gai (TX. Ngã Năm)…

Phát triển mô hình trồng mãng cầu gai có hiệu quả.

Theo nhận định của ngành nông nghiệp, sau 2 năm triển khai “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp”, mặc dù còn khó khăn song nhiều chỉ tiêu nông nghiệp vẫn đạt và vượt kế hoạch đề ra. Giá trị sản phẩm thu được năm sau cao hơn năm trước (ước đạt 136 triệu đồng/ha trong năm 2016, tăng 6 triệu đồng/ha so với năm 2015); sản lượng nuôi tôm năm 2016 tăng gần 23.000 tấn so với năm 2014 và sản lượng lúa đạt trên 2 triệu tấn/năm. Trong quá trình tổ chức lại sản xuất, các địa phương đã chú ý chuyển đổi diện tích sản xuất kém hiệu quả sang trồng các loại cây lâu năm thích ứng với biến đổi khí hậu hoặc trồng cỏ để nuôi bò.

Điển hình như huyện Trần Đề, sau 2 năm triển khai Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp”, địa phương này đã chuyển đổi được 1.400ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng cỏ, trồng bắp lấy thức ăn chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trần Hoàng Dũng chia sẻ: “Tuy là địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất của hạn hán, xâm nhập mặn, song với sự quyết tâm của huyện nên diện tích lúa thơm hiện nay chiếm 94% diện tích lúa toàn huyện, nghề nuôi tôm 3 năm nay liên tục mang lại hiệu quả cao. Giá trị sản xuất đạt 158 triệu đồng/ha. Đó là hiệu quả lớn nhất của công cuộc tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn toàn huyện”.

... đến liên kết sản xuất và tiêu thụ

Là tỉnh thuần nông, nên khâu tiêu thụ và xây dựng thương hiệu sản phẩm ở Sóc Trăng còn gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, ngành nông nghiệp xác định: Việc tổ chức sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm, hợp tác phát triển, thu hút đầu tư và đẩy mạnh kinh tế tập thể đóng vai trò quan trọng trong “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp”. Sau 2 năm triển khai, số lượng doanh nghiệp, đại lý thu mua tham gia liên kết với nông dân trong sản xuất và tiêu thụ lúa năm sau luôn cao hơn năm trước, từ 20 doanh nghiệp hợp đồng liên kết khoảng 6.900ha ở vụ Đông - Xuân 2014 - 2015 đã tăng lên 50 doanh nghiệp hợp đồng liên kết gần 12.000ha diện tích lúa Đông - Xuân 2015 - 2016. Con số trên đã nói lên được thành công bước đầu trong khâu tiêu thụ.

Song song đó, tình hình hoạt động của các hợp tác xã, tổ hợp tác đã dần đi vào chiều sâu và có nhiều mô hình tiên tiến được chọn để nhân rộng. Điển hình như Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản Hòa Nghĩa ở TX. Vĩnh Châu, trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hợp tác xã này đã sản xuất theo thiêu chuẩn ASC (Hội đồng quản lý nuôi trồng thủy sản), vận động thành viên cùng liên kết trong khâu điều phối nguồn nước, phòng ngừa dịch bệnh, bố trí mùa vụ sản xuất, hỗ trợ thành viên khó khăn. Ông Ngô Thanh Tuấn - Giám đốc Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản Hòa Nghĩa vui vẻ cho biết: “Thu nhập của xã viên hiện nay từ 200 triệu đồng đến cả tỉ đồng/năm. Vừa qua, hợp tác xã cũng đã ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Công ty cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam để từ đó tiếp tục phát huy lợi thế của con tôm”…

Hợp tác xã ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm sạch với Vina Cleanfool.

Đạt kết quả khá nhiều, tuy nhiên, mối liên kết trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh thời gian qua chưa chặt chẽ, nhiều tổ hợp tác, hợp tác xã chưa chủ động đổi mới phương thức sản xuất và định hướng lâu dài. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng Lương Minh Quyết cho biết: “Thời gian tới, mà đặc biệt là trong năm 2017, ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ đẩy mạnh liên kết, hoạt động có hiệu quả tổ hợp tác, vùng sản phẩm để bán được sản phẩm. Trước tiên sẽ kêu gọi người dân nâng cao chất lượng sản phẩm, thực hiện nhật ký mô hình và tuyệt đối sản xuất sản phẩm sạch”.

Từ những đột phá sau 2 năm thực hiện “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp”, ngành Nông nghiệp tỉnh định hướng trong năm 2017, các địa phương cần xác định giải pháp trọng tâm là tổ chức lại sản xuất, đầu tư cho sản phẩm chủ lực theo hướng nâng cao giá trị gia tăng gắn với xây dựng nông thôn mới; ưu tiên và tập trung cho cây trồng, vật nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu. Để làm được điều trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hiểu đề nghị ngành nông nghiệp phối hợp với Sở Công thương đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu; đồng thời quy hoạch, tổ chức sản xuất quy mô lớn, tập trung gắn với bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị ngành hàng”.

Hiện tỉnh đã ban hành các quy hoạch phát triển một số vùng chủ lực như: quy hoạch phát triển thủy sản; quy hoạch vùng nuôi cá tra đến năm 2020; kế hoạch phát triển cánh đồng lớn trong sản xuất lúa giai đoạn 2015 - 2016… Mục tiêu trong năm 2017, giá trị sản phẩm thu được trên 1ha diện tích canh tác đạt 144 triệu đồng, các năm sau luôn cao hơn năm trước. Như vậy, với sự đồng sức đồng lòng của hệ thống chính trị và người dân, hy vọng Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp” của tỉnh tiếp tục tạo nên những bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, từ đó nâng cao đời sống người dân và khởi sắc diện mạo nông thôn.

K.X

Các tin mới:

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang