• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp trên cùng diện tích

Nguồn tin:  Báo Cần Thơ, 03/02/2017
Ngày cập nhật: 6/2/2017

Quá trình công nghiệp, đô thị hóa làm diện tích đất sản xuất nông nghiệp tại TP Cần Thơ ngày một thu hẹp, chứ không thể tăng thêm. Muốn nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân, đòi hỏi thành phố phải chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp và phát triển các mô hình sản xuất hiệu quả để nâng cao giá trị sản xuất trên cùng một diện tích.

*Bước tiến khả quan

Cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước, năm qua sản xuất nông nghiệp tại TP Cần Thơ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do thiên tai và sức ép cạnh tranh quốc tế khốc liệt. Song, với sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của Trung ương, thành phố và quyết tâm nỗ lực vượt qua các khó khăn của toàn ngành nông nghiệp thành phố, hoạt động sản xuất nông nghiệp tiếp tục ổn định và phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị, sức cạnh tranh và thích ứng biến đổi khí hậu. Tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn thành phố đạt hơn 12.573 tỉ đồng, đạt 100% kế hoạch. Tăng trưởng kinh tế (GRDP) khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 1,13%. Cụ thể, tổng diện tích gieo trồng lúa cả năm 2016 hơn 240.022ha, vượt 10,22% so kế hoạch, sản lượng đạt hơn 1,39 triệu tấn, vượt 6,5% kế hoạch. Diện tích sản xuất lúa giống và lúa hàng hóa đặc sản, chất lượng cao được mở rộng. Năm qua, cánh đồng lớn (CĐL) được thực hiện với 228 lượt cánh đồng, với 48.727 lượt ha, tăng 5.124 lượt ha so với năm 2015, với 36.884 hộ tham gia, góp phần mở rộng chuỗi giá trị sản xuất với sự liện kết của "4 nhà". Nông dân tham gia CĐL có lợi nhuận cao hơn so với ngoài mô hình từ 3-5,5 triệu đồng/ha/vụ.

Mô hình trồng vú sữa ở huyện Phong Điền, TP Cần Thơ mỗi năm nông dân thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha. Ảnh: ANH KHOA

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ phối hợp với quận, huyện và đơn vị liên quan hỗ trợ nông dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất. Năm qua, có 1.120ha đất sản xuất lúa kém hiệu quả được chuyển sang trồng bắp, mè, dưa hấu… Mô hình trồng dưa hấu giúp nhiều nông dân đạt lợi nhuận khoảng 58 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn trồng lúa khoảng 30 triệu đồng ha/vụ; trồng mè luân canh lúa trong vụ hè thu có lợi nhuận 17-21 triệu đồng/ha, cao hơn 7-10 triệu đồng/ha so với sản xuất lúa. Thành phố đã hình thành các vùng sản xuất rau màu, hoa kiểng và cây ăn trái tập trung được kiểm soát tốt chất lượng và quan tâm xây dựng thương hiệu gắn với phát triển du lịch sinh thái giúp mang lại hiệu quả cao. Đồng thời có nhiều mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi thủy sản theo các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm và an toàn sinh học, đáp ứng nhu cầu thị trường và nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa.

* Mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Mặc dù đạt nhiều kết quả tích cực, nhưng nông nghiệp thành phố Cần Thơ vẫn còn không ít khó khăn thách thức. Diện tích đất canh tác nông nghiệp trên nông hộ thấp, thiếu vốn và thu nhập chủ yếu dựa vào sản xuất lúa hàng hóa 3 vụ/năm, nên rất khó nâng cao giá trị sản xuất trên cùng diện tích. Đặc biệt, gần đây các điều kiện sản xuất lúa có nhiều bất lợi đã làm tăng chi phí, giảm năng suất, nhưng giá lúa lại không tăng, nhất là vụ lúa hè thu và thu đông. Điều này đòi hỏi ngành nông nghiệp cùng các cấp chính quyền thành phố phải kịp thời hỗ trợ nông dân tái cơ cấu sản xuất, bố trí lại cơ cấu cây trồng và mùa vụ một cách phù hợp.

Sản xuất cây giống rau màu tại phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ. Ảnh: KHÁNH TRUNG

Tại huyện Phong Điền, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt bình quân khoảng 170 triệu đồng/ha/năm. Theo ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, nhờ đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là phát triển trồng cây ăn trái, nên giá trị sản xuất trên cùng một diện tích trên địa bàn cải thiện rõ nét. Trong tổng số 10.500ha đất sản xuất nông nghiệp, chỉ hơn 3.000ha sản xuất lúa, còn lại huyện đã chuyển sang trồng rau màu, hoa kiểng, cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Đặc biệt, diện tích cây ăn trái gắn với phát triển du lịch sinh thái càng góp phần nâng cao giá trị sản xuất. Huyện hiện có gần 6.500ha trồng cây ăn trái, nhiều cây ăn trái đặc sản giúp nông dân có thu nhập từ 200-500 triệu đồng/ha/năm như: dâu hạ châu, nhãn, vú sữa, sầu riêng... "Để khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, các cấp chính quyền thành phố và Trung ương cần kịp thời điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện các cơ chế chính sách. Nhất là khi giao chỉ tiêu phát triển nông nghiệp cho địa phương cần đặt mục tiêu về giá trị và hiệu quả sản xuất. Không nên đặt mục tiêu mỗi năm phải đạt sản lượng lúa bao nhiêu"- ông Nguyễn Văn Thắng nói.

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Yến, Trưởng Phòng kinh tế quận Bình Thủy, tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh, diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp dần, ruộng đan xen vườn và thiếu lực lượng lao động trẻ do bị cạnh tranh bởi các lĩnh vực phi nông nghiệp. Tuy nhiên, nhờ chuyển đổi hợp lý trong sản xuất nông nghiệp mà giá trị sản xuất trên cùng một diện tích được nâng cao. Cùng với phát triển vườn cây ăn trái gắn với du lịch sinh thái, quận đã hình thành nhiều mô hình nông nghiệp đô thị mang lại hiệu quả cao như: sản xuất rau mầm, các loại nấm, hoa kiểng, nuôi bò sữa… Quận Bình Thủy đang tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp đô thị, chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị nông sản.

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè, một trong 10 nhiệm vụ nổi bật được ngành quan tâm trong năm 2017 là phối hợp chặt các địa phương, đơn vị có liên quan để hướng dẫn nông dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, nhằm nâng cao giá trị sản xuất trên cùng một diện tích. Đẩy mạnh xây dựng và phát triển mô hình cánh đồng lớn và các mô hình sản xuất tập trung gắn với hợp đồng bao tiêu đầu ra của doanh nghiệp. Tăng cường tập huấn, chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân, xây dựng nhiều mô hình khuyến nông có sức lan tỏa theo hướng nông nghiệp công nghệ cao. Tạo điều kiện thuận lợi nhất để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nhất là lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao… Quyết tâm tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc để tạo những chuyển biến mạnh mẽ trong thời gian tới.

Năm 2004, thu nhập bình quân trên 1ha đất nông-lâm nghiệp-thủy sản chỉ 37 triệu đồng và đã tăng lên ở mức hơn 153 triệu đồng trong những năm gần đây. Tại hội nghị tổng kết năm 2016, triển khai kế hoạch năm 2017 của Sở NN&PTNT, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Đào Anh Dũng đánh giá cao sự cải thiện giá trị sản xuất nông nghiệp trên cùng diện tích sản xuất mà thành phố đạt được. Tại TP Hồ Chí Minh, mỗi ha đất nông nghiệp mang lại giá trị sản xuất lên đến 5 tỉ đồng/năm. Phó Chủ tịch thành phố đã đặt hàng cho ngành nông nghiệp thành phố phải có giải pháp đẩy mạnh cải thiện thu nhập cho nông dân.

Khánh Trung

Các tin mới:

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang