• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Phát triển kinh tế trang trại bền vững - Bài 2: Quy mô nhỏ, nhiều nguy cơ ô nhiễm

Nguồn tin:  Báo Bà Rịa - Vũng Tàu, 28/11/2017
Ngày cập nhật: 30/11/2017

Trang trại nuôi bò sữa của ông Đinh Nam Định (xã Châu Pha, huyện Tân Thành). Ảnh: QUANG VŨ

Bên cạnh một số chưa nhiều các trang trại làm ăn hiệu quả, theo đánh giá của các ngành chức năng, nhìn chung phần lớn trang trại trên địa bàn tỉnh phát triển chưa bền vững, quy mô nhỏ lẻ, khả năng cạnh tranh thấp, hiệu quả kinh doanh chưa cao, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường…

Đất nhỏ, vốn ít

Theo các chủ trang trại, khó khăn nhất trong phát triển kinh tế trang trại là thị trường tiêu thụ chưa ổn định. Câu chuyện “được mùa mất giá, được giá mất mùa” thường xuyên tái diễn khiến hiệu quả kinh tế trang trại chưa cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Ông Phạm Nhật Trường (ấp 2, xã Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc) cho biết, để phát triển trang trại chăn nuôi heo của gia đình, ông đã đầu tư hệ thống chuồng khép kín, máng ăn tự động, chuồng dành riêng cho heo đẻ, hệ thống lọc tự động… Hiện trung bình mỗi lứa, ông nuôi 300 con heo thương phẩm. Thời gian trước, khi giá heo ổn định, trung bình mỗi năm, ông thu từ 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, hơn 1 năm nay, do giá heo sụt giảm, lại thường xuyên bị ép giá nên ông bị thua lỗ. Ước tính từ tháng 6-2016 đến nay, ông Trường đã lỗ gần 1,5 tỷ đồng.

Ông Đinh Nam Định, chủ trang trại bò sữa tại ấp Tân Lễ A, xã Châu Pha (huyện Tân Thành) cho biết, với 36 con bò đang nuôi trong trang trại, trong đó 20 con đang cho sữa, trung bình mỗi ngày, đàn bò của gia đình ông cho từ 150-200 lít sữa. Những năm trước đây, toàn bộ sữa thu được đều được Công ty Vinamilk mua với giá ổn định. Tuy nhiên, gần đây, Công ty Vinamilk tạm dừng, không mua sữa từ trang trại nữa khiến gia đình ông chới với. Hiện nay, không chỉ riêng ông Định mà hầu hết người nuôi bò trong vùng cũng đang chật vật tìm đầu ra cho sản phẩm sữa. “Do không có khả năng bảo quản, sữa tươi chưa qua xử lý chỉ có giá trị trong vòng 3 giờ, nếu không bán cho thương lái thì chỉ đổ bỏ, nên dù không có lãi chúng tôi vẫn phải bán”, ông Định nói.

Một vấn đề nan giải đối với các hộ phát triển kinh tế trang trại hiện nay trên địa bàn tỉnh là, đối chiếu với một số quy định về tiêu chuẩn trang trại tại Thông tư số 27/2011/TT-BNNPTNT (diện tích trên mức hạn điền tối thiểu: 3,1ha; giá trị sản lượng hàng hóa đạt 700 triệu đồng/năm…) thì các chủ hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh tuy có định hướng sản xuất theo hướng phát triển trang trại, nhưng thực lực về đất đai, về vốn chưa đáp ứng yêu cầu và quy mô sản xuất của mô hình này.

Ông Nguyễn Tiến Bảy, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho biết, tuy có bỏ công và định hướng sản xuất theo mô hình trang trại, nhưng quy mô của nhiều hộ sản xuất có diện tích còn nhỏ (chưa đạt chuẩn trang trại) và thiếu tính liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ, nên khả năng cạnh tranh thấp, khó sản xuất theo hướng hàng hóa. Cụ thể là, trên địa bàn tỉnh số trang trại có diện tích dưới 1ha chiếm 27,48%, còn lại là các trang trại quy mô từ 1ha-2ha, ít có trang trại quy mô đạt chuẩn 3,1ha theo quy định.

Hiệu quả kinh doanh của các trang trại cũng chưa cao so với các tỉnh thành khác. Cụ thể, lợi nhuận bình quân của các trang trại trên địa bàn tỉnh chỉ đạt 339 triệu đồng/trang trại/năm. Bên cạnh đó, các loại hình trang trại tại BR-VT có biểu hiện mất cân đối. Cụ thể là, có đến 73,86% trang trại chăn nuôi, trong khi chỉ có 17,9% trang trại trồng trọt, 4,9% trang trại nuôi trồng thủy sản. Số lao động tại các trang trại chủ yếu là lao động trong gia đình (52,01%) hoặc lao động thời vụ, do đó, chưa ổn định và chưa giải quyết được nhiều việc làm cho lao động nông thôn.

Riêng về vốn, một vấn đề mấu chốt của bất kỳ một ngành nghề nào, hiện nay các trang trại cũng lại đang rơi vào vòng lẩn quẩn: Hộ sản xuất chưa đạt chuẩn và chưa được cấp Giấy chứng nhận kinh tế trang trại thì khả năng được vay vốn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn chắc chắn gặp khó khăn.

Thiếu cơ sở pháp lý (Giấy chứng nhận kinh tế trang trại), không nhận được các chính sách hỗ trợ cũng như không được thụ hưởng quyền lợi về vay vốn từ Nhà nước thì các hộ gia đình làm ăn theo mô hình trang trại không có cơ hội mở rộng diện tích đất sản xuất, không thể nâng quy mô sản xuất - tiêu thụ, cũng không thể nâng cấp quy trình sản xuất và khó có thể đưa ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất. Và, điều quan trọng là họ cứ mãi ở vào diện “tạm gọi là trang trại”, không đủ điều kiện vay vốn và thụ hưởng các chính sách hỗ trợ khác dành cho kinh tế trang trại.

Cụ thể là, toàn tỉnh hiện mới chỉ có 23 trang trại được cấp Giấy chứng nhận kinh tế trang trại theo Thông tư 27/2011/TT-BNNPTNT (chiếm tỷ lệ 6,8% trên tổng số cơ sở đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận). Và theo báo cáo của Ngân hàng NN-PTNT tỉnh, đến thời điểm này, chưa có bất kỳ một trang trại nào của tỉnh vay vốn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Ông Lê Thanh Liêm, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Châu Đức cũng xác nhận, một số chủ trang trại chưa mặn mà trong việc làm các thủ tục để được cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại, một số khác thì không đủ tiêu chuẩn được cấp giấy chứng nhận nên về mặt pháp lý, các ngân hàng vẫn cứ phải hết sức dè dặt trong việc cho vay vốn.

Ông Phạm Nhật Trường (ấp 2, xã Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc) chăm sóc đàn heo tại trang trại của gia đình.

Nguy cơ gây ô nhiễm môi trường

Cũng như các địa phương khác, tại BR-VT, các nội dung bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp (sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chế phẩm sinh học, xử lý nước thải, chất thải, phế phẩm từ sản xuất nông nghiệp…) được quy định rất rõ trong các văn bản Luật và văn bản hướng dẫn dưới Luật. Và việc tập huấn cung cấp kiến thức đến các hộ nông dân, các trang trại cũng như việc kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động sản xuất nông nghiệp gây ô nhiễm môi trường được liên tục triển khai. Tuy nhiên, tình hình sản xuất, chăn nuôi gây ô nhiễm chưa được khắc phục triệt để. Và một thực tế hết sức nghịch lý, sản xuất càng phát triển về quy mô thì nguy cơ gây ô nhiễm càng lớn.

Hiện nay toàn tỉnh có 665 cơ sở chăn nuôi heo, trong đó có gần 200 trang trại có quy mô từ 200 con trở lên; 83 trang trại chăn nuôi gà trên 3.000 con; 26 trang trại chăn nuôi vịt trên 3.000 con và 3 trang trại chăn nuôi bò từ 1.500 con trở lên. Tại các huyện Châu Đức, Xuyên Mộc, Tân Thành - là các địa phương có mật độ chăn nuôi cao - phần lớn các trang trại, cơ sở chăn nuôi xen lẫn trong khu dân cư lại không có hệ thống xử lý nước thải. Hoặc nếu có đầu tư, nhưng không đạt quy chuẩn, khiến môi trường nhiều khu vực chăn nuôi bị ô nhiễm nghiêm trọng, tăng nguy cơ dịch bệnh cho gia súc và con người.

Thống kê của ngành TN-MT tỉnh cho thấy, nước thải phát sinh từ các trang trại chăn nuôi khoảng 2.646m3/ngày, trong đó qua hệ thống biogas, hệ thống xử lý khoảng 1.609m3/ngày; chưa xử lý (chủ yếu sử dụng các ao chứa, lắng lọc sơ bộ) khoảng 1.037m3/ngày. Trong số các trang trại này, hiện chỉ có 20% có báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM).

Qua quá trình thanh tra, kiểm tra cho thấy, ý thức chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của nhiều trang trại chăn nuôi chưa cao, mặc dù đã được hướng dẫn nhắc nhở nhiều lần nhưng các hành vi vi phạm rất chậm được khắc phục, đặc biệt là việc thu gom, xử lý nước thải. Ở các địa phương, nhiều trang trại chăn nuôi gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Và có nhiều nguy cơ gây ảnh hưởng đến môi trường đất, chất lượng nước ngầm.

Ông Vũ Ngọc Đăng, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Phát triển nông thôn: Vấn đề lớn đối với kinh tế trang trại hiện nay là hiệu quả sản xuất chưa xứng tầm, năng suất thấp, chưa hình thành chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị, sản phẩm khó có khả năng truy xuất nguồn gốc xuất xứ và chưa có thương hiệu sản phẩm. Số lượng trang trại ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao trong sản xuất, chế biến bảo quản còn hạn chế, mới chỉ tập trung ở một số lĩnh vực và khu vực nhất định. Việc cơ giới hóa trong nông nghiệp chưa được chú trọng. Thêm vào đó, sản phẩm trang trại làm ra phần lớn tiêu thụ thông qua thương lái nên thường xuyên bị ép giá.

Bà Bùi Thị Dung, Giám đốc Sở Công thương: Phần lớn các trang trại mới chủ yếu tập trung sản xuất tự phát theo nhu cầu tiêu dùng của thị trường, mà chưa quan tâm phát triển thương hiệu. Chính vì chưa có thương hiệu, nhãn hiệu và chưa đạt các tiêu chuẩn cao về ATTP nên nhiều loại nông sản sức cạnh tranh thấp, không tham gia được vào hệ thống phân phối bán buôn, bán lẻ hiện đại trong nước. Đặc biệt từ năm 2010 đến nay, thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại của ngành công thương chưa có trang trại nào tham gia các hoạt động kết nối tiêu thụ sản phẩm.

NGÔ THANH - ĐINH HÙNG

Các tin mới:

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang