• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Những cú sốc làm nên thay đổi

Nguồn tin:  Báo Sóc Trăng, 26/11/2017
Ngày cập nhật: 28/11/2017

Thời gian qua, cả nông dân lẫn doanh nghiệp từng không ít lần lâm vào hoàn cảnh lao đao trước những cú sốc đến từ thị trường, thiên tai, dịch bệnh… Sau những cú sốc đó là những con số thiệt hại không hề nhỏ, nhưng lại được đánh giá là cần thiết, bởi nó góp phần làm thay đổi cung cách làm ăn của nông dân và doanh nghiệp theo hướng thích ứng và cả đáp ứng tốt các yêu cầu của thị trường.

Chắc hẳn người dân Sóc Trăng vẫn chưa quên đợt giải cứu hành tím Vĩnh Châu vào năm 2015 mà nguyên nhân chính là do thị trường xuất khẩu chính là Indonesia gần như không nhập hàng. Hậu quả ở vụ hành này không chỉ là giá hành bị sụt giảm mạnh mà gần như không thể tiêu thụ hết lượng hành tồn trong dân. Một cú sốc thật sự không chỉ đối với nông dân trồng hành ở Vĩnh Châu, mà ngay cả những doanh nghiệp xuất khẩu hành mạnh trong và ngoài tỉnh.

Sau cú sốc không tiêu thụ được phải nhờ giải cứu năm 2015, sản phẩm hành tím Vĩnh Châu đã trở lại thị trường ngày một tốt hơn.

Ngay sau khi đợt giải cứu thành công, người trồng hành, doanh nghiệp và ngành chức năng mới ngộ ra rằng, muốn phát triển hiệu quả và bền vững loại cây trồng đặc sản này cần tổ chức, cải tiến lại quy trình sản xuất, bảo quản và đặc biệt là khâu quảng bá, xúc tiến thương mại, chứ không thể chỉ trông chờ vào mỗi một thị trường xuất khẩu được. Từ đó đến nay, việc tiêu thụ hành tím trở nên thuận lợi hơn.

Trước đó, năm 2011, dịch bệnh EMS bùng phát dữ dội khắp các vùng nuôi tôm cả nước khiến ngành tôm Sóc Trăng gần như kiệt quệ, nhiều vùng nuôi tiêu điều, xơ xác vì nông dân không còn vốn sản xuất. Sau khi dịch bệnh tạm lắng xuống, nghề nuôi tôm nước lợ trên đà khôi phục thì chuyện xuất khẩu tôm bắt đầu gặp khó bởi tình trạng dư lượng kháng sinh và một số hóa chất cấm, khiến một số doanh nghiệp xuất khẩu tôm bị trả hàng về, lâm cảnh thua lỗ.

Hai cú sốc liên tiếp đối với ngành tôm đã thức tỉnh người nuôi tôm và buộc các nhà khoa học cùng vào cuộc với người nuôi để làm sao vừa hạn chế tỷ lệ thiệt hại do dịch bệnh, môi trường, vừa đảm bảo có con tôm sạch. Vậy là các quy trình nuôi tôm mới ra đời với nhiều tên gọi khác nhau, như: nuôi tôm hai giai đoạn, nuôi tôm ghép cá rô phi, nuôi theo quy trình CPF – Combine Model… nhưng đều có điểm chung là hạn chế hoặc chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng kháng sinh, hóa chất cấm trong quá trình nuôi tôm. Sự thức tỉnh kịp thời ấy đã giúp ngành tôm lấy lại vị trí mũi nhọn của mình trong nền kinh tế khi 3 năm gần đây luôn cho những vụ mùa bội thu.

Những mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn có mái che lưới lan là kết quả của sự thay đổi quy trình kỹ thuật sau dịch bệnh EMS năm 2011.

Điểm qua một số trường hợp cụ thể để thấy rằng, đằng sau mỗi cú sốc đều đi kèm với những thiệt hại nặng nề cho người sản xuất, kinh doanh và cả nền kinh tế, nhưng cũng chính từ những cú sốc ấy đã giúp cho các ngành nghề có dịp nhìn lại mình để điều chỉnh những bước đi tiếp theo một cách hiệu quả và có tính bền vững hơn. Đó là việc tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác để tạo nên vùng sản xuất mang tính hàng hóa, có điều kiện ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến; đó là công tác quy hoạch hay nói xa hơn là tái cơ cấu lại ngành hàng và đặc biệt là hình thành tư duy mới: sản xuất gắn với thị trường và thân thiện với môi trường.

Năm nay, người nuôi heo trên cả nước mới thật sự đối mặt với khó khăn tồi tệ nhất khi giá heo hơi từ đầu năm đến nay hầu như chỉ quanh quẩn ở mức 30.000 đồng/kg. Tình trạng giá heo hơi tuột dốc không phanh không phải là chuyện mới, nhưng điều đáng nói là sau những lần tuột dốc như thế, ngành chăn nuôi heo vẫn chưa tìm cho mình một lối thoát hiểm an toàn nhất, như một số ngành hàng nông sản khác.

Không thể cứ mãi ngồi đó đổ lỗi cho thị trường hay thiên tai, dịch bệnh, mà chính những người trong ngành phải tự tìm cho mình một hướng đi phù hợp để tránh lặp lại điệp khúc rớt giá qua mỗi chu kỳ. Nhu cầu thị trường vẫn khá lớn, nhưng chúng ta chỉ mới khai thác được mỗi thị trường nội địa, còn xuất khẩu thì gần như bỏ ngỏ, mà nguyên nhân chính là không thể cạnh tranh với các nước khác, do các chi phí đầu vào, nhất là thức ăn và con giống còn quá cao.

Hy vọng sau cú sốc tuột giá không phanh năm 2017, ngành chăn nuôi heo sẽ có sự thay đổi lớn để phát triển hiệu quả và bền vững hơn.

Giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực chăn nuôi của tỉnh nhận xét: “Thật ra Việt Nam mình rất có lợi thế trong lĩnh vực xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi như thịt gà và thịt heo, nếu như giá thức ăn chăn nuôi và con giống được ổn định như một số nước”. Lý giải cho nhận xét của mình, vị giám đốc trên cho biết: “Đối với thịt gà, các nước chỉ sử dụng phần ức, còn lại tất cả đều được liệt vào nhóm phụ phẩm, trong khi Việt Nam, đùi, chân, cánh và cả lòng gà đều là những thứ có giá cao. Tương tự như thế, đối với con heo, ngoài phần xuất khẩu được, phần còn lại như: xương, da, lòng, giò… đều có giá”. Vị này kết luận: “Muốn phát triển tốt ngành chăn nuôi, chỉ cần làm tốt con giống, quản lý tốt thức ăn và dịch bệnh thì mọi thứ sẽ thành công”.

Hy vọng, qua cú sốc cực mạnh của năm 2017, ngành chăn nuôi sẽ có sự thay đổi mạnh mẽ hơn, hiệu quả và có tính bền vững hơn, bởi đó cũng chính là con đường thoát hiểm duy nhất không chỉ đối với ngành chăn nuôi mà là của tất cả những ngành nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp khác.

Tích Chu

Các tin mới:

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang