• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Phú Yên: Người dân miền núi nhọc nhằn gượng dậy sau bão

Nguồn tin:  Báo Phú Yên, 11/11/2017
Ngày cập nhật: 13/11/2017

Đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Sông Hinh thực hiện vần công hỗ trợ nhau thu hoạch những diện tích sắn có nguy cơ úng thối - Ảnh: VĂN THÙY

Cơn bão số 12 đi qua, vùng miền núi của tỉnh tuy không phải là tâm bão nhưng đã chịu thiệt hại nặng nề về sản xuất nông nghiệp. Hàng ngàn hécta keo, tiêu, cà phê, mía… ngã đổ, bật gốc. Nhiều hộ gần như mất trắng. Người dân không đủ sức gượng lại sau bão nếu không có sự chung tay của các cấp, ngành và đơn vị liên quan.

Gánh nặng sau bão

Ngay khi mưa gió vừa tạm ngớt, anh Trần Văn Điện ở xã Hòa Mỹ Tây (huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên) nhanh chóng tới trang trại kiểm tra. Cảnh tượng tan hoang với chuồng heo, chuồng bò đổ nát và hàng trăm hécta keo ngã đổ, bật gốc, khiến anh không khỏi bàng hoàng. Anh Điện cho biết: Cảm giác bất lực, chân tôi khụy xuống, tôi không biết phải bắt đầu dọn dẹp từ đâu. Tôi chạy lên rừng, những vạt keo từ 1-3 năm tuổi đổ rạp, bật gốc. Nhiều hécta keo trên 5 năm tuổi có thể thu hoạch thì bị gió quất gãy ngang thân, cành lá xơ xác. Giờ có bán rẻ cũng chẳng được bao nhiêu. Tôi cố gắng cứu đám rừng mới trồng, thường thì trong 1 tuần sau bão, nếu trồng lại kịp, cây vẫn có thể sống, để sau 1 tuần thì đành làm củi tạp. Tôi gọi điện cho những lao động vẫn trồng rừng thời vụ cho mình nhưng không ai tới được, vì họ còn lo cho hoa màu, nhà cửa cũng vì bão mà tan hoang.

Còn bà Nguyễn Hồng Hạnh ở xã Ea Ly (huyện Sông Hinh), khi thấy hàng chục hécta mía, chuối, mít… ngã đổ có nguy cơ mất trắng thì lập tức đổ bệnh, người thân phải đưa đi cấp cứu. Bà Hạnh chia sẻ: Gần 50ha với hàng trăm cây chuối, cây mít đang ra trái, có buồng đã hẹn thương lái tới hái bán vài ngày nữa thì gặp bão gãy nát hết, chỉ còn nước đổ bỏ. Nặng hơn là hàng ngàn gốc mía năm hai đến tháng 4/2018 là Nhà máy đường Đồng Bò tới thu mua, chỉ vài giờ bão qua cũng gần như mất trắng. Thiệt hại hàng tỉ đồng như vậy, người nông dân như tôi không thể gánh nổi.

Xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân là xã đặc biệt khó khăn, nơi có 100% đồng bào dân tộc thiểu số. Sản xuất nông nghiệp là nguồn thu nhập chính của bà con. Sau bão, hoa màu cây trái bị thiệt hại, cuộc sống của người dân càng khó khăn hơn. Ông La O Hóa, Chủ tịch UBND xã Phú Mỡ, cho biết: Sau bão, xã có hơn 25ha lúa 1 vụ bị mất trắng, hơn 44ha sắn bị thiệt hại 50%, gần 355ha keo thiệt hại 70%, 5.300 cây chuối, đu đủ, mít… bị mất trắng hoàn toàn.

Sau bão, người dân mang trong mình gánh nặng tiền vay ngân hàng, tiền đầu tư duy trì sản xuất. “Thiệt hại 80% tương ứng tới 6 tỉ đồng. Trong khi đó, tôi còn đang nợ ngân hàng hơn 4 tỉ đồng, không biết lấy gì để trả thì lấy đâu ra cả tỉ đồng để mua giống, thuê nhân công trồng mới… Bão tan rồi mà lòng tôi thì vẫn đang bão”, anh Điện nói.

Đồng hành với nông dân

Ông Nay Y Blung, Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa, cho biết: Trên địa bàn huyện, thiệt hại nặng nhất là 10 nhà dân bị sập hoàn toàn, 768ha cao su cùng 13.000ha mía bị ngã, gãy đổ. Hiện những hộ bị sập nhà đã được huyện trích ngân sách hỗ trợ 5 triệu đồng/hộ. Đối với các hộ trồng mía bị thiệt hại, UBND huyện có kế hoạch làm việc với Nhà máy đường KCP Sơn Hòa, kêu gọi đơn vị này hỗ trợ kinh phí để các hộ có vốn tái đầu tư sản xuất. Đồng thời, địa phương cũng sẽ làm việc với các ngân hàng đóng trên địa bàn, đề xuất những chính sách hỗ trợ cho các hộ vay vốn sản xuất bị thiệt hại trong đợt thiên tai này.

Theo ông Đặng Đình Toại, Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, cơn bão đã gây thiệt hại lớn về kinh tế, ước tới 149,5 tỉ đồng, chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Ngay sau khi bão giảm cường độ, chính quyền địa phương đã đến từng hộ dân nắm tình hình, thống kê, thăm hỏi, động viên, giúp đỡ dọn dẹp, sửa chữa nhà cửa; khắc phục cây cối đổ ngã thông tuyến giao thông. UBND huyện cũng đã làm việc với nhà máy sắn để đơn vị này tạo điều kiện thuận lợi tiêu thụ sắn ở những vùng trũng thấp có nguy cơ ngập úng.

Còn theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên, thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, đơn vị đã yêu cầu các ngân hàng đóng trên địa bàn tỉnh cùng chung tay hỗ trợ người dân bị thiệt hại sau bão, đặc biệt là các hộ vay vốn phát triển sản xuất. Cụ thể, các ngân hàng chủ động nắm bắt thiệt hại của khách hàng đang vay vốn; thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, tạo điều kiện thuận lợi để khách hàng được vay mới khôi phục sản xuất sau ảnh hưởng của bão.

MINH DUYÊN

Các tin mới:

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang