• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Phát huy vai trò “bệ đỡ” nông nghiệp

Nguồn tin:  Báo An Giang, 25/01/2017
Ngày cập nhật: 2/2/2017

Đối với một tỉnh nông nghiệp như An Giang, khi cây lúa, con cá, rau màu gặp khó thì nền kinh tế cũng khó khăn theo. Để bứt phá phát triển, tỉnh cần bệ phóng tốt từ nông nghiệp.

Nỗ lực vượt khó

3 tháng đầu năm 2016 ghi nhận những khó khăn của ngành Nông nghiệp khi lần đầu tiên, khu vực I (nông – lâm – thủy sản) tăng trưởng -1,76%, kéo theo tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) quý I của tỉnh chỉ đạt 3,25%. Đến 6 tháng đầu năm 2016, khu vực I vẫn còn tăng trưởng -0,7%, GRDP nhích lên mức tăng 5,02%. “Trong khi 2 mặt hàng chủ lực là lúa và cá tiếp tục gặp khó thì tình hình thời tiết lại diễn biến phức tạp. Mùa khô từ năm 2015 kéo dài đến tháng 5-2016 với hạn hán, xâm nhập mặn, mùa mưa đến trễ đã ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp. Để đạt mục tiêu mà tỉnh đã đề ra (tăng trưởng nông nghiệp trên 2%), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo tập trung nâng diện tích xuống giống vụ thu đông năm 2016 lên thêm 22.000 héc-ta, nhằm bù lại thiệt hại vụ đông xuân và hè thu do hạn hán. Đồng thời, kết hợp phát triển chăn nuôi, tăng quy mô đàn heo chất lượng cao theo quy mô trang trại, tăng diện tích nuôi cá thương phẩm, diện tích thả nuôi tôm càng xanh…” - Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang Trần Anh Thư chia sẻ.

Bí thư Tỉnh ủy Võ Thị Ánh Xuân thăm trang trại bò S.D ở Vĩnh Gia (Tri Tôn)

Những nỗ lực của ngành Nông nghiệp đã giúp khu vực I đạt mức tăng trưởng 0,58% trong 9 tháng của năm 2016, dù vẫn còn thấp hơn tốc độ tăng cùng kỳ 2015 (tăng 1,18%) nhưng đã góp phần kéo tăng trưởng GRDP 9 tháng của tỉnh đạt 5,25%. Tuy nhiên, những khó khăn trong sản xuất nông nghiệp vẫn chưa dừng lại khi mùa mưa đến trễ và có thời điểm kéo dài liên tục đã gây thiệt hại gần 33.000 héc-ta lúa thu đông, trong đó mất trắng 360 héc-ta và 10.738 héc-ta thiệt hại trên 70%. “Để giảm bớt phần nào khó khăn của nông dân, trước tiên, UBND tỉnh quyết định hỗ trợ giống cho phần diện tích mất trắng và thiệt hại trên 70%, đảm bảo cho nông dân kịp gieo sạ vụ đông xuân 2016-2017. Sau đó, UBND tỉnh sẽ xem xét hỗ trợ theo Quyết định số 49/2012/QĐ-CP của Chính phủ" – Chủ tịch UBND tỉnh Vương Bình Thạnh thông tin.

Trước ảnh hưởng thời tiết, mặc dù năng suất lúa bình quân giảm (ước đạt gần 6,16 tấn/héc-ta, giảm gần 0,17 tấn/héc-ta so cùng kỳ) nhưng nhờ giá ổn định, đặc biệt là diện tích nếp tăng, giá bán cao đã giúp giá trị sản xuất cây lúa tăng 1,6% (so năm 2010), trong khi đó, ngành chăn nuôi, thủy sản cũng tăng đã kéo tốc độ tăng khu vực I năm 2016 đạt trên 2% như dự kiến. Cùng với đó là tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2016 của tỉnh cũng đạt chỉ tiêu kế hoạch (6,5%), thực hiện đạt và vượt 19/22 chỉ tiêu Nghị quyết của HĐND tỉnh (chiếm 86,36%).

Giảm độc canh cây lúa

Những nỗ lực của năm 2016 là tổng diện tích gieo trồng cả năm khoảng 727.700 héc-ta, tăng 2,89% so năm 2015 (tăng 20.500 héc-ta). Trong đó, diện tích lúa đạt 667.400 héc-ta (tăng 23.000 héc-ta), diện tích màu các loại 60.400 héc-ta (giảm 2.626 héc-ta). Sang năm 2017, diện tích và sản lượng lúa khó tăng thêm, thậm chí có thể sụt giảm bởi năm 2016, vụ đông xuân và hè thu đã khai thác gần như tối đa, trong khi vụ thu đông cũng đã mở rộng ngay tại những vùng dự kiến xả lũ (đạt 183.445 héc-ta, tăng 17.000 héc-ta so năm 2015).

Theo ông Trần Anh Thư, diện tích lúa giảm không phải là điều đáng lo bởi trên thực tế, giá trị sản xuất lúa thấp hơn rau màu, cây ăn trái. Trong khi đó, tại huyện Chợ Mới, nông dân 3 xã cù lao Giêng (Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp và Bình Phước Xuân) đã chuyển khoảng 2.000 héc-ta từ đất trồng cây hàng năm sang trồng các loại cây ăn quả (cây lâu năm) nhằm phát triển du lịch sinh thái. Nông dân ở TX. Tân Châu, TP. Châu Đốc và huyện Châu Thành, Tịnh Biên… cũng đang quan tâm phát triển mô hình vườn đa canh. Sắp tới, khi các vườn cây này đồng loạt khai thác, giá trị kinh tế sẽ rất lớn. Đối với các loại cây trồng thay thế lúa có giá bán cao, đầu ra tương đối ổn định, ngành Nông nghiệp khuyến khích nông dân tích cực chuyển đổi. Cùng với đó, tỉnh đã thu hút được Công ty TNHH Giống – Chăn nuôi Việt Thắng An Giang đầu tư 3 trang trại heo giống theo công nghệ Đan Mạch tại 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên. Đây sẽ là nơi cung cấp nguồn heo giống chất lượng cao cho An Giang và các địa phương lân cận.

Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang cho rằng, hiện nay, hiệu quả trong sản xuất lúa dao động khoảng 30% và khả năng tăng trưởng đột biến về lợi nhuận là rất thấp. “Chủ trương của tỉnh là tái cấu trúc ngành hàng lúa gạo theo hướng sử dụng linh hoạt diện tích đất lúa từ 250.000 héc-ta, đa dạng hóa sản phẩm, phát triển các dòng sản phẩm đặc thù và các sản phẩm mới, ứng dụng công nghệ cao và tổ chức lại sản xuất lớn” – ông Thư chia sẻ.

Tích tụ ruộng đất là tất yếu

Theo Quyết định đã được UBND tỉnh phê duyệt, tỉnh sẽ tập trung tái cơ cấu theo 5 ngành hàng gồm 3 sản phẩm thuộc ngành hàng chủ lực (lúa gạo, rau màu, cá tra) và 2 sản phẩm thuộc ngành hàng tiềm năng là chăn nuôi bò và nấm ăn, nấm dược liệu. Ông Trần Anh Thư cho rằng, thực hiện tái cơ cấu bắt đầu từ thị trường, đặc biệt là sự tham gia của doanh nghiệp (DN) đóng vai trò then chốt. Sở NN&PTNT đã chủ động tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư. Đối với lĩnh vực trồng trọt, tỉnh kết nối DN tiêu thụ sản phẩm xoài ba màu tại Chợ Mới với nhu cầu tiềm năng xuất khẩu sang Hàn Quốc khoảng 40 - 60 tấn/tháng; liên kết Công ty Phát Thịnh (Long An) trồng và tiêu thụ chuối cấy mô kết hợp chăn nuôi bò với quy mô khoảng 100 héc-ta (dự kiến tại Tri Tôn); trồng lúa hữu cơ khoảng 10.000 héc-ta dưới sự tham gia của một số doanh nghiệp, như: Tập đoàn Lộc Trời, Công ty Cổ phần Nông sản Vinacam….

Đối với cây lúa, tỉnh sẽ tái cơ cấu theo tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP… gắn với nhu cầu thị trường, gồm: 20.000 héc-ta lúa Jasmine cung cấp cho thị trường Trung Quốc, Mỹ và Châu Phi; 10.000 héc-ta nếp ở Phú Tân đáp ứng nhu cầu của thị trường xuất khẩu mục tiêu ở Trung Quốc, Indonesia và Malaysia; 50.000 héc-ta có liên kết sẽ tập trung quy hoạch sản xuất các giống lúa chất lượng cao cung cấp cho thị trường Trung Đông, Hoa Kỳ, Tây u, Brazil, Peru... Diện tích lúa còn lại sẽ tập trung sản xuất lúa hạt dài thường để đáp ứng cho thị trường các nước: Châu Phi, Nga, Indonesia, Trung Quốc… Ngoài ra, quy hoạch vùng sản xuất các giống lúa đặc sản có liên kết tiêu thụ với DN, như: Lúa Nàng Nhen (600 héc-ta ở Tri Tôn, Tịnh Biên), lúa mùa nổi (400 héc-ta ở Tri Tôn)...

Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang cho rằng, để tiến tới sản xuất lớn, nâng cao giá trị sản phẩm, phát huy đúng vai trò “bệ đỡ” của nông nghiệp trong quá trình phát triển của tỉnh, cần có cơ chế thoáng để tích tụ ruộng đất. “Những người nông dân nhỏ liên kết lại với nhau để hình thành một cánh đồng lớn, DN đứng ra làm một đầu mối. DN cung ứng giống, vật tư, hỗ trợ kỹ thuật, xây dựng thương hiệu, đảm bảo đầu ra cho nông dân, còn nông dân chỉ việc lo sản xuất. Đây là mô hình liên kết theo chuỗi giá trị hàng hóa mà An Giang đang xây dựng trong sản xuất lúa gạo, rau màu, cây ăn trái, cá tra… Mặt khác, cũng có thể tích tụ ruộng đất theo hình thức DN thuê đất của nông dân. Những người nông dân chỉ có vài công đất, sản xuất sẽ đối mặt với nhiều rủi ro. Họ cho DN thuê đất để hình thành một cánh đồng lớn, DN tự đầu tư, vận hành. Người nông dân lúc này có thể chọn học nghề để chuyển từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, hoặc vào làm công nhân nông nghiệp trong các nhà máy, công ty của DN. Ngoài ra, còn có kênh tích tụ ruộng đất thứ ba là tích tụ các trang trại do các nông dân có tư duy và kỹ năng quản lý tốt, thuê đất của những người nông dân khác để hình thành quy mô trang trại. Bản thân hợp tác xã (HTX) cũng là một kênh để tích tụ ruộng đất nhưng phải đổi mới cách làm, giống như một công ty cổ phần có nhiều nông dân góp vốn lại với nhau. Cách làm của HTX Nông nghiệp Vinacam Tri Tôn là mô hình có thể tham khảo” – ông Thư phân tích.

“Muốn tích tụ ruộng đất hiệu quả, tiến tới ứng dụng khoa học-công nghệ mới vào sản xuất, cần có cơ chế, chính sách đặc thù khuyến khích DN, nông dân lớn tham gia” - Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang Trần Anh Thư kiến nghị.

HOÀNG XUÂN

Các tin mới:

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang