• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Khoảng trống trong bảo hiểm nông nghiệp

Nguồn tin:  Báo Lâm Đồng, 31/10/2017
Ngày cập nhật: 1/11/2017

10 tháng đầu năm 2017, ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng bị thiệt hại hàng trăm tỷ đồng bởi dịch bệnh, thiên tai gây ra. Điều này nói lên nhu cầu mua các gói bảo hiểm từ người dân để giảm thiểu rủi ro trong sản xuất nông nghiệp là không nhỏ nhưng lĩnh vực trên lại gần như “dậm chân tại chỗ” lâu nay.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lâm Đồng thông tin, hơn một năm trở lại đây đã có hàng trăm hộ dân nuôi heo không liên kết (TP Bảo Lộc, Bảo Lâm, Đức Trọng, Lâm Hà), trồng điều (huyện Đạ Tẻh, Cát Tiên), rau hoa công nghệ cao (TP Đà Lạt),… đã gặp cảnh khó khăn, thiếu vốn tái sản xuất do điều kiện thời tiết bất lợi, giá cả thị trường biến động, dịch bệnh,... với ước tính thiệt hại trên 1.000 tỷ đồng.

Lâm Đồng đang triển khai Đề án bảo hiểm bò sữa trên 6 huyện, thành phố. Ảnh: C.Thành

“Nhiều hộ không biết có bảo hiểm nông nghiệp”

Tại các xã trọng điểm nuôi heo ở huyện Đức Trọng hơn tháng nay người dân lại đứng ngồi không yên khi giá heo giảm giá khá sâu, chỉ còn 28.000 - 33.000 đồng/kg heo hơi. Với mức giá trên, mỗi con heo khoảng 100 kg, người nuôi lỗ khoảng 500.000 - 700.000 đồng. Ông Võ Đức Chính (45 tuổi, ngụ xã Bình Thạnh, huyện Đức Trọng), hộ nuôi 300 con heo cho biết, do giá bấp bênh kéo dài nên gần năm nay ông lỗ liên tiếp 2 lứa heo. “Từ đầu năm tới tháng 6/2017 giá heo hơi rất thấp, tôi đã bị lỗ hơn 200 triệu. Bây giờ nếu gây đàn, mở rộng trang trại vốn ít, không còn khả năng” - ông Chính cho hay. Tuy nhiên, khi được hỏi ông từng nghe có gói bảo hiểm nông nghiệp trong chăn nuôi hay không?, ông Chính cho biết chưa từng nghe nói tới. “Nếu có loại hình bảo hiểm trên triển khai tại địa phương chắc chắn tôi sẽ tham khảo để lựa chọn vì nuôi heo lỗ hoài mình cũng sợ” - ông Chính nói.

Tương tự như ông Chính, hằng trăm hộ tại các vùng trọng điểm nuôi heo như TP Bảo Lộc, huyện Đức Trọng, Lâm Hà,... đều bị thua lỗ bởi giá heo xuống thấp thời gian dài trong năm 2017. Đặc biệt, với những hộ mới đầu tư chuồng trại nuôi heo từ cuối năm 2016, sau 3 tới 4 lứa bị lỗ liên tục, người dân gần như không còn vốn để tái sản xuất, đầu tư mở rộng chăn nuôi thêm hay chuyển sang nuôi trồng thay thế các loại cây, con khác.

Còn trong hoạt động sản xuất rau, hoa công nghệ cao tại TP Đà Lạt, việc người dân cần tới bảo hiểm nông nghiệp cho những vụ mùa thất bát do thời tiết xấu cũng không phải nhỏ. Như tại xã Xuân Thọ trong tháng 4/2017, hàng chục hộ dân trồng hoa công nghệ cao gần như mất trắng bởi các trận mưa đá, lốc xoáy. Chỉ tính riêng số nhà kính của nông dân tại Xuân Thọ đã bị hư hại, hoa bị ngập úng,… thiệt hại đã lên đến cả chục tỷ đồng/mùa vụ. Hay như dịch bệnh hoành hành trên cây điều (huyện Cát Tiên) đã làm 6.629,7 ha trong tổng số 7.064,6 ha điều đang canh tác trên địa bàn bị thiệt hại nặng nề (chiếm trên 93,8% diện tích) với 3.837 hộ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Ước tính tổng thiệt hại từ cây điều trong 6 tháng đầu năm 2017 tại Cát Tiên đã lên tới trên 120 tỷ đồng.

“Hầu hết người dân chúng tôi bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh rất ít nghe hoặc hiểu chưa rõ về loại hình bảo hiểm nông nghiệp. Điều chúng tôi mong thời gian tới Nhà nước có chính sách hỗ trợ, sớm đưa ra các gói bảo hiểm để giảm bớt phần nào rủi ro trong hoạt động sản xuất” - ông Nguyễn Văn Mạnh, ngụ xã Xuân Thọ, Đà Lạt một trong những người dân bị thiệt hại bởi thiên tai chia sẻ.

“Doanh nghiệp chưa mặn mà”

Thông tin từ Sở NN&PTNT Lâm Đồng, theo Quyết định số 135/QĐ-TTg ngày 1/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2011-2013, Lâm Đồng không thuộc 20 tỉnh, thành được chọn để thí điểm bảo hiểm nông nghiệp. Mặc dù vậy, trong những năm gần đây, UBND tỉnh đã xúc tiến các giải pháp thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (trên cây cà phê) nhằm thúc đẩy doanh nghiệp tham gia. Vấn đề đặt ra là sau một thời gian thực tế làm việc cụ thể với các doanh nghiệp, người dân đã nảy sinh nhiều vướng mắc, khó khăn nên chưa triển khai được tới người dân.

Ông Hoàng Sỹ Bích - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Lâm Đồng cho biết: Hiện nay, mỗi năm thiên tai, dịch bệnh làm thiệt hại hằng trăm tỷ đồng trong sản xuất nông nghiệp. Ví dụ như 10 tháng đầu năm 2017, dịch bệnh đã làm năng suất cây điều tại huyện Cát Tiên giảm mạnh, ước tính thiệt hại khoảng 120 tỷ đồng; dịch bệnh trên gia súc, gia cầm thiệt hại trên 100 tỷ đồng, công tác tiêm phòng, khử độc trên gia súc, gia cầm đã lên tới 17 tỷ đồng; dịch bệnh bọ xít muỗi trên cà phê chè tại huyện Lạc Dương ảnh hưởng trên 3.000 ha; dịch vàng lùn, xoắn lá trên cây cà chua, sâu đục thân, rầy nâu trên cây lúa,… đều bị thiệt hại lớn. Vì vậy, người dân có nhu cầu mua bảo hiểm nông nghiệp là hoàn toàn chính đáng nhằm giảm thiểu rủi ro và góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, hướng tới tính bền vững trong sản xuất nông nghiệp tại địa phương.

“Khó khăn lớn nhất hiện nay là việc các doanh nghiệp chưa mặn mà với bảo hiểm nông nghiệp vì rủi ro cao và khó đánh giá mức độ thiệt hại. Trong khi đó, nếu phí bảo hiểm quá cao người dân cũng không lựa chọn sử dụng là một rào cản khác. Qua tham khảo các ý kiến của một số ngân hàng lớn, bước đầu chúng tôi nhận thấy họ muốn triển khai loại hình bảo hiểm trên với các trang trại, công ty làm nông nghiệp quy mô lớn, ổn định, mức độ rủi ro thiên tai, dịch bệnh thấp. Còn đối với hình thức triển khai bảo hiểm nông nghiệp do Nhà nước hỗ trợ chính đối với các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình khó khăn cũng gặp không ít vướng mắc về kinh phí, quy định khi triển khai trong phạm vi thí điểm trên 20 tỉnh, thành từ năm 2011” - ông Bích chia sẻ.

Cũng theo ông Bích, hiện Chính phủ đang xây dựng dự thảo Nghị định về bảo hiểm nông nghiệp trình Quốc hội xem xét, phê duyệt. Sau khi Nghị định ban hành, các chính sách hỗ trợ sẽ được áp dụng cụ thể, chi tiết, từ đó UBND tỉnh mới có căn cứ, thuận lợi trong triển khai các gói bảo hiểm nông nghiệp rộng rãi trên địa bàn toàn tỉnh.

Triển khai bảo hiểm bò sữa trên 6 huyện, thành phố

Sở NN&PTNN Lâm Đồng cho biết, hiện đơn vị đang hoàn tất “Đề án bảo hiểm bò sữa tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2017-2020” để trình UBND tỉnh phê duyệt. Đề án trên sẽ giúp giảm thiểu rủi ro trong chăn nuôi bò sữa trên địa bàn cũng như san sẻ gánh nặng cho ngân sách nhà nước trong trường hợp dịch bệnh, thiên tai gây ra. Theo Đề án, ngân sách tỉnh sẽ hỗ trợ 8,1% kinh phí thực hiện kế hoạch, ngân sách huyện 2,5% và vốn đối ứng của doanh nghiệp, người dân là 89,4%. Mục tiêu của Đề án là tới năm 2020 đàn bò sữa nuôi tập trung của các tổ chức, cá nhân sẽ có trên 90% tổng đàn thuộc diện tham gia bảo hiểm nông nghiệp. Trong đó, đàn bò sữa trong dân chiếm trên 50% tham gia mua bảo hiểm. Các địa phương tham gia Đề án gồm huyện Đức Trọng, Đơn Dương, Lâm Hà, Di Linh, Bảo Lâm và TP Bảo Lộc.

C.THÀNH

Các tin mới:

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang