• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Liên kết để phát triển

Nguồn tin:  Báo Hậu Giang, 25/01/2017
Ngày cập nhật: 30/1/2017

Vào thời điểm đầu xuân, đi dọc theo các tuyến đường chính, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng trước những vườn cây ăn trái trĩu quả, nhiều loại thủy đặc sản có giá trị phát triển bền vững của các thành viên hợp tác xã nông nghiệp.

Danh tiếng ba ba, cua đinh ở HTX Chăn nuôi ba ba Thạnh Lợi vang xa trên thị trường trong nước.

Các mảnh vườn, ao nuôi thủy đặc sản đó hầu hết đều được người dân tạo lập trước thời điểm mà ngành nông nghiệp Hậu Giang còn chưa phổ biến nội dung thực hiện Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi (Đề án 1.000). Từ những mô hình kinh tế mang tính đột phá này, đã góp phần xây dựng thương hiệu cho nhiều sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh.

Để sản phẩm vươn xa

Nâng ly trà Bắc vừa pha vội đang thoang thoảng mùi thơm nhẹ, ông Nguyễn Trung Bình, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Khánh Hội, ở xã Phú An, huyện Châu Thành, từ tốn kể: “Vào thập niên 90 của thế kỷ trước, đất đai ở đây chủ yếu là lung bàu, um tùm năn, sậy nên làm lúa năng suất không cao. Nhưng từ lúc địa phương xây dựng hoàn thiện hệ thống đê bao, cống đập khép kín, người dân mạnh dạn dồn điền đổi thửa, bỏ lúa lên liếp trồng cây ăn trái đặc sản như cam sành, bưởi da xanh, vú sữa, rồi dần dần trồng thêm mít, mãng cầu, xoài giúp cải thiện sinh kế gia đình nhanh chóng”.

Trên cơ sở đó, nhiều cá nhân có mô hình canh tác nổi trội đã chủ động liên kết để thành lập HTX nông nghiệp, trong đó có HTX Nông nghiệp Khánh Hội mà ông Bình đang giữ vai trò quản lý. Năm nay, 56 thành viên trong HTX trồng trên 100ha xoài Đài Loan và mãng cầu xiêm để cung ứng ra thị trường tết, với sản lượng hàng trăm tấn trái. Niềm vui như được nhân đôi, khi càng gần đến Tết Nguyên đán, các mặt hàng trái cây như xoài Đài Loan, mãng cầu xiêm ở vùng đất Châu Thành lại rục rịch tăng giá.

Trái mãng cầu gai đã và đang tiến dần đến loại nông sản chủ lực của tỉnh Hậu Giang.

Mặc dù cánh thương lái chủ động tìm đến tận vườn để thu mua nhưng sản lượng thường không đủ cung. Chưa kể nhiều công ty, doanh nghiệp còn tranh thủ thu mua xuất khẩu sang các nước láng giềng như Campuchia. “Những ngày cận tết, họ thu gom không dưới 3 tấn mãng cầu/ngày, tăng gấp nhiều lần so với bình thường. Tuy nhiên, để tiến xa và phát triển lâu dài, HTX sẽ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho 2 loại trái cây nổi tiếng tại địa phương là xoài và mãng cầu. Một mặt khẳng định thương hiệu sản phẩm, mặt khác là tạo hướng đi mới, tiến tới thành lập vùng sản xuất chuyên canh”, ông Bình phấn khởi nói.

Không thăng trầm như một số loài thủy sản khác, mô hình nuôi ba ba, cua đinh đang tạo ra tiền tỉ cho HTX Chăn nuôi ba ba Thạnh Lợi, ở ấp Láng Hầm B, xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A. “Từ khi thành lập đến nay, HTX đã ăn nên làm ra và thu hút 12 thành viên tham gia, với diện tích nuôi ba ba và cua đinh lên đến 7ha. Hàng năm, HTX vừa sản xuất, vừa đi thu gom và cung ứng ra thị trường ở Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội hơn 23 tấn ba ba, cua đinh thương phẩm, cùng một số lượng lớn con giống, thu lợi nhuận cả tỉ đồng/năm”, bà Trương Ánh Nguyệt, Giám đốc HTX Chăn nuôi ba ba Thạnh Lợi khoe.

Sau cam sành, chanh không hạt thì xoài bắt đầu nở rộ trên địa bàn huyện Châu Thành.

Hiện thị trường trong nước rất chuộng hai loài sản vật này, cho dù giá luôn ổn định ở mức khoảng 170.000-320.000 đồng/kg ba ba thương phẩm và khoảng 600.000 đồng/kg cua đinh thịt. “Tới đây, để phát triển đột phá, ngoài việc HTX kết hợp kinh doanh bằng cách đi thu mua sản phẩm ở các địa phương trong và ngoài tỉnh, tạo chuỗi liên kết sản xuất liên hoàn thì còn định hướng nhân rộng thêm diện tích nuôi cua đinh. Bởi loài này tốc độ tăng trưởng nhanh, ít rủi ro, lợi nhuận kinh tế cao, đặc biệt là phù hợp với thị hiếu thị trường chung của cả nước”, bà Nguyệt thông tin thêm.

Sản xuất gắn với thị trường

Không chỉ có thế, HTX Chăn nuôi ba ba Thạnh Lợi còn nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm và sẵn sàng mách nước giúp cho những người mới tập tành nuôi ba ba đạt được thành công. Do vậy, hơn chục năm nay, các thành viên trong HTX này đều “ăn chắc mặc bền” với con ba ba. Đồng thời, để tạo ra chuỗi sản xuất kép “tự cung tự cấp”, HTX còn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để sản xuất con giống sạch bệnh, đáp ứng nhu cầu con giống, góp phần giảm thiểu rủi ro trong chăn nuôi cho các thành viên. Theo đó, sản lượng cung ứng của HTX cho thị trường trên 100.000 con ba ba, cua đinh giống, tăng bình quân trên 2.000 con/năm. Mỗi ba ba giống có giá 3.000 đồng, còn cua đinh thì có giá bán từ 350.000-500.000 đồng/con, tùy cỡ.

Bà Trương Ánh Nguyệt, Giám đốc HTX Chăn nuôi ba ba Thạnh Lợi, phấn khởi với việc sản xuất thành công ba ba giống.

Luôn tiên phong đổi mới, không ngừng phát triển quy mô sản xuất, HTX Nông nghiệp Thạnh Phước, ở ấp Phước Thạnh, xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành, đã trở thành đơn vị đi đầu thực hiện liên kết sản xuất và cung ứng sản phẩm cho các tỉnh trong vùng. Dưới tiết trời se lạnh sáng sớm ngày đầu xuân, dẫn chúng tôi đi thăm vườn ươm cây giống chanh không hạt, ông Hai Chiến (Nguyễn Văn Chiến), Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Nông nghiệp Thạnh Phước, bắt đầu câu chuyện về trái chanh “nhập ngoại” khá thú vị. Sở dĩ, ông Hai Chiến gọi là chanh nhập ngoại là vì nó xuất xứ từ nước ngoài.

Số là trong một lần tham dự hội thảo ở Trường Đại học Cần Thơ, ông may mắn chia lại được một vài gốc chanh này để đem về trồng thử. Nhờ sự “mát tay” và cần mẫn chăm bón của ông, cây lớn nhanh, cho trái to tròn, căng mọng nước, từ đó ông quyết định phát triển cây chanh không hạt trên mảnh đất quê mình. Đến nay, diện tích chanh không hạt ở Châu Thành không ngừng mở rộng, với khoảng 1.200ha. Đặc biệt là HTX đã đầu tư xây nhà xưởng, kho lạnh, mua xe tải với giá trị hàng tỉ đồng để chủ động vận chuyển và bảo quản hàng hóa, hạn chế tình trạng được mùa mất giá, mang về nhiều lợi nhuận hơn cho người trồng chanh địa phương.

“Nhớ những năm đầu phát triển, tôi cũng như các thành viên khác trong HTX phải đi “chào hàng” từng quán bún cho đến các khu chợ, lẫn hệ thống siêu thị. Nhờ nỗ lực không mệt mỏi và năng động trong sản xuất mà HTX đã liên kết được với các đối tác tiêu thụ. Vì vậy, vào tháng Tết Nguyên đán này, HTX xuất ra thị trường trong nước khoảng 250 tấn chanh không hạt, còn tính bình quân cả năm cũng trên 2.000 tấn, thu về lợi nhuận hàng tỉ đồng. Chưa kể là cung cấp cây giống chanh không hạt của cơ sở sang tận đất Campuchia. Thế nhưng, niềm vui lớn nhất lúc này vẫn là sản phẩm chanh không hạt đảm bảo chất lượng yêu cầu xuất khẩu sang các thị trường khó tính”, ông Hai Chiến cười tươi cho biết.

Ở góc độ chuyên môn, ông Lê Trung Kiên, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, nhìn nhận: Thời gian qua, HTX Nông nghiệp Thạnh Phước luôn đi đầu trong liên kết sản xuất và kinh doanh sản phẩm. Bên cạnh đó, vẫn còn một số HTX làm ăn cũng chẳng thua kém như HTX Nông nghiệp Thạnh Thắng, xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh; HTX Cam xoàn Phương Phú, xã Phương Phú, huyện Phụng Hiệp… Tất cả đều hướng đến mục tiêu chung là áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, ưu tiên sử dụng phân hữu cơ, hạn chế phân hóa học để nâng cao giá trị sản phẩm, hạ thấp giá thành sản xuất, tăng lợi nhuận trên cùng diện tích canh tác.

Có thể nói, quá trình sản xuất nông nghiệp của người dân Hậu Giang thường xuyên đối mặt với nhiều rủi ro, sức ép cạnh tranh về chất lượng sản phẩm và giá cả thị trường. Vì thế, vấn đề liên kết sản xuất được xem là giải pháp cần thiết để tiến tới phát triển ổn định, lâu dài trong bối cảnh đất nước hội nhập ngày càng sâu rộng như hiện nay.

Trên cơ sở triển khai thực hiện Đề án “Thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, giai đoạn 2016-2020”, trước mắt là giai đoạn 2016-2017, Liên minh HTX tỉnh đã tiến hành rà soát và khảo sát xong phương án hoạt động của các HTX nông nghiệp kiểu mới. Ngoài ra, kết hợp với Sở NN&PTNT tỉnh lựa chọn được 10 HTX kiểu mới làm ăn hiệu quả, phù hợp với liên kết vùng trên 3 lĩnh vực lúa gạo, trái cây, thủy sản và đang trong thời gian chờ phê duyệt của UBND tỉnh.

CHÍ CÔNG

Các tin mới:

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang