• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Do đâu nông sản Việt “được mùa mất giá, được giá mất mùa”?

Nguồn tin:  Khuyến Nông TPHCM, 25/10/2017
Ngày cập nhật: 27/10/2017

Từ đầu năm 2017 đến nay, nông dân ở nhiều tỉnh thành liên tục rơi vào tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa”, nhiều mặt hàng nông sản bị ứ đọng không đầu ra. Như tháng 2/2017, nông dân trồng chuối ở các tỉnh Đồng Nai, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu đau đầu vì đến lúc thu hoạch giá chuối lại quá thấp, thương lái không mua; tháng 4/2017 nông dân trồng dưa hấu ở Quảng Ngãi lại “dở khóc dở cười” vì giá dưa thấp chóng mặt; đến giữa tháng 4/2017 các hộ trồng ớt ở Quảng Nam lại “mếu máo” vì ớt mất giá thảm hại; không dừng lại ở đó đến cuối tháng 5 đầu tháng 6/2017 các hộ nuôi heo lại “khóc ròng” vì giá heo xuống thấp kỷ lục từ trước đến nay…

Trước thực tế đó, chúng ta đã có những chiến dịch "giải cứu" giúp nông dân tiêu thụ hàng thông qua các kênh bán lẻ từ sinh viên, người dân… nhưng đó cũng chỉ là giải pháp tạm thời, không giải quyết triệt để vấn đề. Việc giải cứu đó như một biện pháp tình thế, không áp dụng mãi được, nếu những năm đến nông sản tiếp tục rớt giá thì phương án "giải cứu" trên sẽ không thành công. Vậy nguyên nhân do đâu? tại sao nông sản Việt luôn rơi vào tình trạng đó? làm sao giúp sản phẩm của nông hộ có đầu ra ổn định và không lo lắng về số phận nông sản trong thời gian tới…. Đây là những câu hỏi buộc các ngành các cấp liên quan nhanh chóng khắc phục giúp nông dân an tâm sản xuất, giúp nông sản Việt có giá ổn định trên thị trường trong và ngoài nước.

Các nguyên nhân

Trước đây thị trường nông sản Việt bình ổn, tuy nhiên những năm gần đây nông sản trong nước khó cạnh tranh với nông sản nước ngoài cả về chất lượng, mẫu mã cũng như uy tín, nguyên nhân của vấn đề là do nông nghiệp nước nhà chưa có điều kiện để áp dụng công nghệ tiên tiến như các nước phát triển nông nghiệp trên thế giới (Israel, Nhật Bản,…) trong các khâu trồng trọt, chế biến, sản xuất; Đồng thời, chi phí sản xuất nông sản của nước ta vẫn còn cao, do nền nông nghiệp chưa thật sự công nghiệp hóa, còn phụ thuộc nhiều vào sức lao động của nông dân, nên chỉ phù hợp với qui mô hoạt động nhỏ và mới đáp ứng được thị trường “dễ tính”, còn thị trường chất lượng cao thì chưa thực hiện được.

Bên cạnh đó, còn do thói quen canh tác chạy theo trào lưu của nông dân, trong khi đó nông dân lại quá phụ thuộc vào các lái buôn “thời vụ”, khi nguồn cung tăng quá cao thì thương lái quay lưng bỏ đi; Nông dân sản xuất theo kinh nghiệm và hoàn toàn trông chờ vào thiên nhiên, ít có cải thiện về kỹ thuật sản xuất, trồng trọt, dẫn đến sản lượng không ổn định năm được năm mất; Mặt khác, cả nông dân và doanh nghiệp lại bỏ qua bước nghiên cứu thị trường đầu ra cho sản phẩm cũng như thiếu sự liên kết chặt chẽ với nhau từ khâu sản xuất, tìm kiếm thị trường hay chế biến. Đối với thị trường quốc tế, dù đã có rất nhiều thị trường mở cho trái cây Việt nhưng nông sản trong nước lại phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc. Điều này xuất hiện nhiều rủi ro, nếu thị trường Trung Quốc biến động sẽ ảnh hưởng xấu đến giá nông sản trong nước; Thêm một nguyên nhân nữa là vẫn còn nhiều nông dân làm theo phong trào, không kí kết hợp đồng với doanh nghiệp, không kết hợp với Nhà nước. Mặt khác, từ khâu chọn giống, sản xuất, chế biến, bảo quản đến khâu tiêu thụ chưa được thực hiện một cách đồng bộ, vì vậy giá cả và chất lượng nông sản không có tính cạnh tranh trong thị trường khu vực và thế giới, do đó nông sản nước ta đang gặp thách thức lớn.

Giải pháp cần thiết

Thực tế, việc nông sản nội địa rơi vào tình trạng mất giá, đánh mất lợi thế trên sân nhà là vấn đề xảy ra từ nhiều năm nay, việc này không chỉ bị ảnh hưởng từ các sản phẩm ngoại nhập mà còn là tâm lý e ngại sử dụng hàng Việt của người Việt. Để lý giải bài toán này đòi hỏi nền nông nghiệp phải thực hiện chuỗi liên kết từ khâu chọn giống, sản xuất, tiêu thụ, đến chế biến, các khâu có tác động hỗ trợ với nhau làm tăng giá trị gia tăng, chứ không đơn thuần chỉ quan tâm thị trường đầu ra - là kết quả cuối cùng của tổng hợp tất cả các yếu tố;

Đồng thời, để cải thiện thực trạng nông sản Việt rơi vào tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa” các doanh nghiệp, cơ quan cần thiết lập chặt chẽ mối quan hệ giữa sản xuất và tiêu thụ. Không thể để tình trạng nông sản mất mùa lại đổ lỗi cho doanh nghiệp, nhưng khi nông sản khan hiếm và được giá thì nông dân lại “bán chui” cho thương lái khác. Ngoài ra, mỗi mùa vụ cần có các chương trình kích cầu, giúp nông sản được giới thiệu rộng rãi tới người tiêu dùng, tạo ra một thị trường mở, tránh rơi vào tình trạng “xin cầu cứu” như thời gian vừa qua.

Ngoài ra, ngành nông nghiệp phải được cơ giới hóa khâu trồng trọt và chế biến bằng cách sản xuất và chế biến theo quy trình công nghệ tiên tiến của thế giới. Cần quan tâm đến chất lượng sản phẩm và nhu cầu thị trường, mới dễ tham gia thị trường thế giới. Khi sản phẩm đã được thị trường thế giới chấp nhận thì cần chú ý đến chất lượng, giá cả cũng như mẫu mã bao bì nhằm thu hút đối tác cũng như khách hàng thế giới; Đặc biệt trong thời kỳ hội nhập như hiện nay, để thành công trong nông nghiệp, cần phải có sự kết hợp và liên kết chặt chẽ giữa 4 nhà “nhà nông, nhà nước, nhà doanh nghiệp và nhà khoa học”, đó mới là điều quan trọng giúp nông sản Việt được ổn định và phát triển.

Minh Hiếu

Các tin mới:

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang