• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Những “ông vua” chân đất

Nguồn tin:  Báo Hậu Giang, 24/01/2017
Ngày cập nhật: 27/1/2017

Họ không chỉ cần cù lao động, linh hoạt trong sản xuất, kinh doanh mà còn “nức tiếng” bởi lòng đam mê nghiên cứu, sáng chế ra nhiều nông cụ hữu ích phục vụ đắc lực cho quá trình canh tác nông nghiệp của bà con gần xa.

Ông Bảy Thanh được Chủ tịch nước Trần Đại Quang (phải) trao tặng ảnh Bác tại thủ đô Hà Nội.

Sau nhiều lần liên hệ bất thành, càng khiến chúng tôi quyết tâm gặp gỡ những lão nông đặc biệt ấy cho bằng được. Để rồi vào một ngày cuối năm, giữa bộn bề công việc ruộng nương, họ cũng đã nhín chút thời gian chia sẻ về bí quyết vươn lên để thành công trong cuộc sống.

“Vua khóm”

“Đừng gọi là “vua khóm”, tui không dám nhận đâu. Nếu là vua thì ở nhà cao, cửa rộng, chứ tui sống chi cực khổ ngoài cánh đồng khóm heo hút, phèn mặn, nắng rát quanh năm thế này”, ông Bảy Thanh (Dương Văn Thanh), hội viên Hội Cựu chiến binh xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, cười tươi với chất giọng khàn khàn khi nghe chúng tôi thắc mắc về cái biệt danh “vua khóm” Cầu Đúc mà người dân địa phương đã tôn vinh và quen miệng gọi ông từ bấy lâu nay.

Ông khiêm tốn từ chối cái biệt danh nghe hay hay đó cũng phải. Vì có trong tay nhà lầu, xe hơi, nhiều xe tải từ 5-10 tấn và vựa thu mua nông sản bề thế cặp bờ sông Cái Tư, thuộc xã Tân Tiến, nhưng phần lớn thời gian ông đều ăn nghỉ và sinh hoạt trong căn nhà cấp 4, hai mái lợp lá rất đặc trưng của miệt Nam bộ nằm lọt thỏm giữa trang trại chuyên canh khóm rộng lớn ở xứ phèn, mặn Hỏa Tiến, vùng đất vốn gắn liền với hoàn cảnh gia đình ông từ thuở hàn vi.

Thời điểm đất nước hoàn toàn giải phóng, ông xuất ngũ trở về từ chiến trường ở quê nhà Gò Quao (Kiên Giang), rồi đến vùng đất mới chủ yếu để khai hoang, lập nghiệp với hai bàn tay trắng. “Lúc ấy, hộ tui được Nhà nước cấp 1ha đất canh tác. Song chẳng biết trồng cây, nuôi con gì cho phải. Bởi đất đai hoang vắng, cây rừng um tùm không bóng người, lại bị nhiễm phèn nặng nên ít người vào đây định cư”, ông Thanh kể.

Ông Bảy Thanh coi sóc rẫy khóm nằm trong trang trại ở xã Hỏa Tiến.

Có lẽ do hoạt động nhiều năm trong quân đội, không ít lần đối mặt với những trận đánh càn, chống giặc, lại thêm cuộc sống khởi đầu nghèo khó, bản thân lại chưa học hết lớp 2 trường làng nên đã tạo ra nghị lực giúp cho người xã đội trưởng năm xưa từng bước vươn lên trên vùng đất khó. Để rồi hôm nay, ngoài việc sở hữu 3ha đất canh tác, ông Thanh còn thuê 135ha đất ở quê nhà và tỉnh Tây Ninh để lập trang trại trồng khóm, cung ứng cho thị trường cả nước.

Riêng trang trại khóm 100ha trên nền đất phèn, mặn Hỏa Tiến ngày trước, giờ đã được ông cải tạo thành vùng đất trù phú, sinh lợi không ngừng, xung quanh được bao bọc bởi con lộ bê tông rộng hơn 1m, cũng là tuyến đê bao khép kín, tiện bề cho việc tới lui coi sóc rẫy khóm. Đến mỗi đợt thu hoạch sản lượng lên đến hàng trăm tấn trái, vài chục lao động địa phương tập trung về đây nhộn nhịp. Người chặt khóm, kẻ thu gom sản phẩm lên xe tải chở đi cung ứng cho các đối tác lớn ở Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương chế biến, đóng hộp xuất khẩu ra nước ngoài.

So sánh chuyện “mần ăn” bây giờ với những ngày mới vào đây khai phá đất hoang, ông Thanh ví von: “Ngày trước, tui đưa máy xới đất xuống rẫy khóm, nó chạy cả ngày mà cày chưa xong 1ha. Bây giờ đất rộng, máy chạy bon bon như di chuyển trên đường nhựa, hoạt động hiệu quả tăng gấp 2-3 lần so với trước. Mặt khác, nhờ chủ động trang bị hệ thống máy bơm thoát nước, phun thuốc, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật đồng bộ nên chuyện sản xuất lớn càng dễ dàng hơn”.

Sắp bước sang cái tuổi 70, vậy mà trông vóc dáng ông Thanh rất cường tráng. Tuy đôi tay đã chai sạn, gương mặt rám nắng, còn mái tóc gần như bạc trắng nhưng ông hàng ngày vẫn đi làm cỏ, coi sóc rẫy khóm như để thỏa mãn niềm đam mê lúc tuổi già. Cho nên, trong mắt của nhiều người làm công, trồng khóm, người cựu chiến binh Bảy Thanh giờ không chỉ là “ông vua”, ông chủ, giám đốc doanh nghiệp mà còn là một chuyên gia, “bà đỡ” cho biết bao cảnh đời nghèo khó tại địa phương.

Bên cạnh giải quyết công ăn việc làm thường xuyên, tạo thu nhập ổn định cho 30 lao động với mức từ 120.000-150.000 đồng/ngày, ông Thanh còn cho 10 hộ dân thuộc diện hội viên Hội Cựu chiến binh các xã Tân Tiến, Hỏa Tiến thuê lại không ít diện tích đất trong trang trại của mình nằm trên địa bàn thành phố Vị Thanh để trồng khóm. Nhất là sẵn sàng chia sẻ kỹ thuật xử lý rải vụ ra trái quanh năm, đồng thời thu mua sản phẩm khóm nguyên liệu theo giá thị trường khi bà con trong và ngoài địa phương yêu cầu. Năm qua, giá khóm bình quân 8.000 đồng/kg, có lúc lên đến 10.000 đồng/kg, dân xứ này ai cũng phấn khởi. Mỗi năm trừ hết chi phí, bèo lắm tui cũng thu lãi trên 2 tỉ đồng”, ông Thanh cười nói.

Thế mà trong lúc trầm tư ông kể rằng: “Thuở nghèo khó, tui làm đủ nghề kiếm sống. Tức ai thuê gì làm nấy. Từ chặt khóm, làm cỏ cho đến thu mua sản phẩm chuyên chở bằng xuồng, ghe nhỏ bán lại kiếm lời. Nhưng chưa bao giờ tui có ý định “ly hương”. Người dân quê ai mà không nặng nợ với mảnh vườn thửa ruộng. Đói khổ lắm họ mới ra đi, song lúc nào cũng canh cánh nỗi nhớ nhà, nhớ đất. Nếu không yêu quê, mến đất thì chẳng đời nào tui bám lấy cây khóm được tới bây giờ”.

“Vua sáng chế”

Rời vùng đất “khó” Hỏa Tiến, chúng tôi ngược về trung tâm thành phố Vị Thanh để ghé qua nhà ông Tư Sáng (Nguyễn Văn Sáng), ngụ khu vực 4, phường I cho kịp thời gian như đã hẹn trước đó. Trong căn nhà tường kiên cố, nhiều máy móc, nông cụ mới lạ được gia chủ bày trí khá ngăn nắp tại từng chỗ riêng biệt nên càng gây thêm ấn tượng ngay từ giây phút gặp đầu tiên.

Ông Tư Sáng thuyết minh về các bộ phận cấu thành chiếc gậy diệt cỏ do mình chế tạo ra vào năm 2015.

“Phía trước là máy sạ lúa, góc bên phải là những cây gậy diệt cỏ dại, lúa cỏ, còn dàn sắt sát mép tường kia để lắp đặt mô tơ điện vận hành công cụ cào lúa tự động đảo chiều dùng cho lò sấy. Ở đây, nếu có thêm chiếc máy xúc lúa vô bao nữa là đủ mặt 4 loại máy móc, nông cụ phục vụ công việc đồng áng của bà con. Tất cả đều do một tay tui suy nghĩ ý tưởng, rồi trực tiếp thiết kế bản vẽ, chế tạo ra từ năm 2007 đến nay”, ông Tư Sáng ngồi trên ghế chỉ tay giải thích.

Thắc mắc hỏi ông cuộc sống kinh tế gia đình khá giả thế này sao cứ mãi ấp ủ ý tưởng sáng chế các nông cụ làm gì cho nhọc tâm? Không đắn đo suy nghĩ, ông đáp ngay: “Tui vốn xuất thân từ gia đình làm nông chính gốc. Bản thân lại đang canh tác gần 0,7 ha lúa ở huyện Vị Thủy. Vì vậy, tui rất thấu hiểu nỗi vất vả của bà con mình trong quá trình sản xuất. Đây còn là động lực để tui quyết tâm tạo ra bằng được các loại nông cụ hữu ích sau này”.

Không chỉ vậy, trước khi cho “ra lò” những sáng chế mang thương hiệu “made in Tư Sáng”, ông còn thành thạo cái nghề “tay trái” là làm cửa sắt. Kết hợp lợi thế sẵn có, cùng với đôi bàn tay khéo léo, ông nhanh chóng khẳng định tên tuổi của mình qua từng sản phẩm mang công năng riêng. Trong đó, chiếc máy hút, giê sạch bụi lúa khô trước khi cho vào bao gắn với máy cào lúa tự động đảo chiều chính thức ra đời vào năm 2007 là dấu ấn đầu tiên.

Đến nay, ông đã trực tiếp sản xuất ra hơn chục loại máy xúc lúa vô bao, cào lúa tự động. Tất cả đều được nông dân, chủ cơ sở trong và ngoài tỉnh mua về sử dụng, bởi ưu thế tiết giảm chi phí, nhân công lao động, cùng thời gian thực hiện vượt trội. “Mỗi lần lúa được sấy, hoặc phơi khô ngoài sân, bà con mình phải ì ạch gom lại, rồi xúc từng thúng đổ vào bao rất tốn công, tổn hại sức khỏe do bụi gây ra”, ông Tư Sáng cho biết nguyên do chế ra các loại máy độc đáo kể trên.

Ông Tư Sáng bên tấm chứng nhận đạt danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2016”.

Nhưng sản phẩm gây tiếng vang nhất có lẽ là chiếc gậy diệt cỏ dại. Bởi sau khi chế tạo thành công vào tháng 7-2015, từ đó đến nay luôn được bà con nông dân tìm mua, nhờ công dụng tiêu diệt cùng lúc 3 loại cỏ đuôi phụng, cỏ gạo và lúa cỏ. Thực ra, chiếc gậy này có cấu tạo khá đơn giản, bao gồm: ống nhựa PVC dài 2m, với hai đầu bịt kín để giữ thuốc diệt cỏ; trên thân gắn một đoạn ống nhựa khác cùng cỡ dài 2 tấc để làm nơi rót thuốc vào trong. Còn khoản không ống nhựa chứa 250ml thuốc diệt cỏ cháy đã qua pha chế. Từ đây, lượng thuốc vừa đủ sẽ ngấm qua miếng mốp xốp quấn quanh các lỗ đục sẵn nằm ở đoạn ½ thân gậy trước khi quét qua bông cỏ, lúa cỏ vươn cao hơn lúa trồng từ 20-30cm. Cho nên chúng nhanh chóng bị tiêu diệt mà không gây ảnh hưởng tới bông lúa khuất sâu bên dưới. Sản phẩm có giá bán 50.000 đồng vốn được ông chế ra trên nền tảng nghiên cứu và cải tiến lại phương thức diệt cỏ truyền thống trước đây.

Đó là phương thức thủ công, bằng cách dùng bao tay nhựa nhún thuốc đặc trị rồi vuốt lên từng bông cỏ, lúa cỏ thường hay mọc trên nền đất ruộng gò cao nên mất nhiều thời gian và công sức thực hiện. Chỉ tay ra chiếc máy sạ lúa công suất hoạt động 20ha/ngày, ông Sáng thừa nhận rằng: “Để có những chiếc máy, nông cụ vận hành “ngon lành” như hôm nay, tui nhiều lần mất ăn, mất ngủ vì sản phẩm mới đưa vào chạy thử nghiệm đã bị trục trặc, hay hiệu quả kém do khiếm khuyết một vài bộ phận cần thiết. Đôi khi kéo dài cả tháng vẫn chưa thể sửa chữa xong”.

Trường hợp máy xúc lúa vô bao thuộc thế hệ đầu tiên bị túa bụi ra mù mịt trong lúc vận hành là ví dụ điển hình. Cái lỗi kỹ thuật tưởng chừng như đơn giản đó nhưng lại khiến ông trăn trở khôn nguôi, khó chợp mắt suốt bao đêm liền. Thậm chí cất công đi khắp nơi tìm hiểu cặn kẽ về nguyên lý hoạt động của các loại máy gặt đập liên hợp, máy suốt lúa, đặc biệt ở khâu lấy và đưa lúa vô bao mới khắc phục triệt để sự cố, sau khi được ông lắp đặt thêm bộ phận quạt cho bầu hút.

Nhìn từ xa, khuôn mặt hơi hốc hác nên rất dễ lầm tưởng ông là người “ốm yếu”, nhưng khi lại gần mới thấy cơ bắp săn chắc, một nét thường có ở những lão nông chính gốc. Nhất là bước qua tuổi 65, mái tóc hoa râm, vậy mà vị kỹ sư “chân đất” ấy vẫn luôn hoạt bát, đam mê chế tạo như thuở nào. “Bây giờ kinh nghiệm có thừa, nhưng ngặt nỗi bản thân đã lớn tuổi rồi! Do đó, tui chỉ dám nghĩ đến chuyện nuôi dưỡng ý tưởng để tiếp tục chế tạo ra những nông cụ gọn nhẹ kiểu như chiếc gậy diệt cỏ dại thôi”, ông Tư Sáng bày tỏ.

Những lời chia sẻ chân thành, cởi mở trước thềm năm mới của ông “vua khóm” và “vua sáng chế” phần nào khẳng định bước ngoặt thành công trong cuộc sống không chỉ xuất phát từ cách nghĩ, cách làm hay mà còn phải chấp nhận đối mặt với khó khăn, thử thách và phải quyết tâm vượt qua bằng mọi giá…

Được vinh danh, khen thưởng xứng đáng

Với thành tích nổi bật trong quá trình lao động, sản xuất và kinh doanh thời gian qua, cả hai lão nông Bảy Thanh, Tư Sáng đều được Ban Chấp hành Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam và Hội Nông dân Việt Nam vinh danh, khen thưởng xứng đáng. Cụ thể, ông Bảy Thanh được Ban Chấp hành Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”, giai đoạn 2011-2016; còn ông Tư Sáng được Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chứng nhận đạt danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2016”.

GIA NGUYỄN

Các tin mới:

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang