• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Thu hoạch, bảo quản nông sản, thủy sản: Làm được 10, hụt mất 3

Nguồn tin:  Báo Bà Rịa - Vũng Tàu, 06/10/2017
Ngày cập nhật: 9/10/2017

Hiện nay hồ tiêu đa phần vẫn được phơi và bảo quản theo phương pháp thủ công Trong ảnh: Phơi tiêu sau thu hoạch nhà bà Võ Thị Thu (ấp Tân Hưng, xã Bàu Chinh, huyện Châu Đức).

Sơ chế và bảo quản sau thu hoạch là một công đoạn hết sức quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, thế nhưng hiện nay đây vẫn là khâu yếu nhất. Điều này đã làm giảm giá trị của sản phẩm nông nghiệp, tỷ lệ hao hụt sau thu hoạch vẫn còn cao.

Dù giá hạt tiêu đang ở mức thấp, chỉ còn 80.000 đồng/kg, gần như “chạm đáy” trong vòng 4-5 năm qua, nhưng bà Nguyễn Thị Vân (thôn Bình Sơn, xã Đá Bạc, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) vẫn phải gọi thương lái đến để bán gần 1 tấn hạt tiêu thu hoạch từ cuối năm 2016. Tuy nhiên, do không có kho bảo quản, tiêu thu hoạch xong, phơi khô mang cất vào 1 góc trong nhà. Gần 1 tháng trở lại đây mưa nhiều, nên một số bao tiêu bị ẩm mốc. Tranh thủ những hôm trời nắng, bà mang ra phơi, do đó không tránh khỏi bị hao hụt, chất lượng hạt tiêu cũng không được bảo đảm. “Hạt tiêu nếu phơi khô, có kho cất trữ đạt chuẩn thì có thể để 2-3 năm, chờ được giá có lãi mới bán. Nhưng do không có kho bảo quản nên nay tôi đành phải bán với giả rẻ”, bà Vân cho biết.

Đây cũng là tình trạng chung của nhiều hộ trồng tiêu trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, có rất ít hộ gia đình đầu tư mua máy sấy và xây nhà kho cất trữ. Những hộ có sản lượng thu hoạch từ 2-3 tấn/năm trở lên không có kho thì “ký gửi” tại kho của các thương lái. Còn lại những hộ có diện tích trồng ít, từ 0,5ha-1ha thì vẫn làm theo phương thức thủ công, chờ nắng phơi khô và cất trữ trong “góc nhà”. Do vậy, dù có thị trường xuất khẩu lớn nhưng đa số sản phẩm hồ tiêu trên địa bàn tỉnh vẫn chỉ tiêu thụ trong nước vì không đạt chuẩn xuất khẩu.

Theo Sở NN-PTNT, thời gian qua, cơ giới hóa sản xuất trong nông nghiệp diễn ra mạnh mẽ hơn tuy nhiên đang tập trung ở khâu làm đất, vận chuyển, tưới tiêu, phòng trừ sâu bệnh... Cơ giới hóa trong thu hoạch và sau thu hoạch chưa đáp ứng nhu cầu. Chỉ riêng trong sản xuất lúa, toàn tỉnh hiện có 78 máy gặt đập liên hợp, bảo đảm 99% diện tích lúa được thu hoạch bằng máy, giảm hao hụt từ 3-5% so với trước. Tuy nhiên, tỷ lệ lúa được sấy khô bằng máy chỉ chiếm khoảng 40-50%. Toàn tỉnh chỉ có hơn 50 lò sấy lúa công suất 10-15 tấn/ngày/lò. Do công đoạn sấy khô và bảo quản sau thu hoạch vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết và thủ công nên tỷ lệ hao hụt rất cao, nông sản chỉ bảo quản được trong thời gian ngắn. Hiện tổn thất sau thu hoạch đối với cây có hạt là khoảng 10%, đối với cây có củ là 10-20% và rau quả là 10-30%. Đối với hải sản, tỷ lệ hao hụt, tổn thất sau thu hoạch cũng từ 30-35%.

Theo phản ánh của bà con nông dân, chi phí để đầu tư máy móc thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch rất cao, trong khi diện tích sản xuất ít nên không ai dám mua. Ông Nguyễn Hữu Liên, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Đá Bạc (huyện Châu Đức) cho biết: Hiện nay trên thị trường có bán nhiều loại máy sấy nông sản hoạt động theo phương pháp sấy gió nóng hoặc sấy buồng tầng sử dụng dầu DO, gas, than đá và chất đốt từ phụ phẩm nông nghiệp như trấu, rơm rạ, nhưng giá bán từ 100-150 triệu đồng/cái, tùy theo loại và công suất. Đây là số tiền rất lớn đối với bà con nông dân, do đó họ không đủ khả năng để đầu tư các loại máy móc này.

Tương tự, đối với hải sản, hầm bảo quản bằng công nghệ PU (hầm chứa cách nhiệt bằng vật liệu xốp Polyurethane) được xem là “công nghệ mới” góp phần giảm tổn thất nguyên liệu hải sản sau thu hoạch, tăng hiệu quả kinh tế cho ngư dân sau mỗi chuyến biển. Thế nhưng để đầu tư loại hầm này bà con ngư dân cũng phải bỏ ra từ 100-150 triệu đồng. Do đó hiện ngư dân vẫn dùng loại hầm thông thường, xay đá nhỏ để bảo quản nên không giữ được độ tươi ngon của hải sản, tỷ lệ hao hụt lớn, giá bán không cao.

Từ năm 2012, UBND tỉnh đã có Quyết định phê duyệt Ðề án phát triển cơ điện sơ chế, bảo quản nông sản sau thu hoạch của tỉnh giai đoạn 2012-2017. Trên cơ sở đó, thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh đã xây dựng thành công một số mô hình sơ chế rau, củ quả, đóng gói trái cây, sấy lúa. Tuy nhiên do chưa gắn kết được chuỗi sản xuất với tiêu thụ nên một số mô hình sơ chế đã dừng hoạt động.

Ông Nguyễn Tiến Bảy, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho biết, do quy mô sản xuất manh mún, nhỏ lẻ ở hộ gia đình gây khó khăn cho việc áp dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, trong đó có khâu bảo quản và làm khô. Vì vậy, tỷ lệ hao hụt trong khâu bảo quản còn cao, chất lượng không bảo đảm và thời gian cất trữ nông sản ngắn. Chính vì vậy, để tránh khỏi vòng luẩn quẩn “Được mùa mất giá hay được giá mất mùa”, bà con nông dân đang cần được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi của nhà nước để đầu tư các thiết bị chế biến và bảo quản nông sản, xây dựng kho lưu trữ, dây chuyền đóng gói... Đây cũng là mắt xích quan trọng để tiến tới cơ giới hóa hoàn toàn trong sản xuất nông nghiệp, giảm sức lao động và tăng thu nhập cho nông dân.

Thu Vân

Các tin mới:

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang