• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Bình Dương: Mưa lớn kéo dài, nhà nông lo

Nguồn tin:  Báo Bình Dương, 3/10/2017
Ngày cập nhật: 4/10/2017

Những ngày qua, nhiều cơn mưa lớn kéo dài đã gây không ít khó khăn cho các gia đình nông dân trong tỉnh Bình Dương. Nhiều gia đình trồng cao su, tiêu, cây ăn trái đã phải áp dụng nhiều biện pháp để giảm thiểu thiệt hại.

Nhiều hộ nuôi cá ở phường Thái Hòa, TX.Tân Uyên tranh thủ xuất ao đề phòng mưa to, triều cường gây thiệt hại. Ảnh: Phùng Hiếu

Lo giảm thu

Những ngày qua, nhiều gia đình trồng cao su trên địa bàn tỉnh tỏ ra lo lắng vì mưa lớn kéo dài. Chị Nguyễn Thị Thắm, ở xã An Linh, huyện Phú Giáo cho biết, hiện đang là thời điểm giá mủ cao su tăng, mưa xuất hiện thường xuyên làm ảnh hưởng nhiều đến việc khai thác mủ. Bởi mưa gió nhiều sẽ làm ảnh hưởng tới chất lượng mủ, các hộ dân trồng cao su phải tranh thủ những ngày nắng ráo khẩn trương khai thác mủ để bán cho các cơ sở thu mua. Bà Nguyễn Thị Thắm, ở xã An Bình, huyện Phú Giáo thì chia sẻ, gia đình bà phải thường xuyên khai mương trong vườn tiêu hơn 1 ha, nếu không mưa lớn kéo dài sẽ gây ngập úng làm hư hoại rễ tiêu.

Lãnh đạo Hội Nông dân huyện Phú Giáo khuyến cáo, mưa lớn khiến lượng nước đọng lại trên mặt nhiều, mực nước ngầm cũng dâng lên cao làm cho đất ứ đọng nước gây hại cho bộ rễ cây tiêu, dẫn đến cây tiêu dễ bị chết hàng loạt. Vì vậy, người trồng tiêu cần đào mương, rãnh thoát nước, không để nước đọng lại trên vườn tiêu khi có mưa. Khi đất trong vườn còn ướt, nhão bùn, bà con không nên đi lại nhiều, chỉ tiến hành chăm sóc (làm cỏ, bón phân, xịt thuốc) khi đất đủ ẩm, dễ làm tơi xốp khi xới xáo. Người trồng tiêu cần lưu ý ở những vườn tiêu trồng trên đất dốc phải làm hệ thống thoát nước, không chủ quan khi cho rằng đất dốc thì nước chảy vào chỗ trũng. Hơn nữa, ở những vùng này có hệ thống thoát nước tốt cũng là biện pháp bảo vệ đất, chống xói mòn, chống rửa trôi chất màu trong đất. Đối với vùng đất bằng phẳng, gần nguồn nước sông, suối, hồ lớn…, hệ thống mương, rãnh thoát nước cần lưu ý hạ thấp mực nước ngầm xuống để lớp đất màu đủ thoáng khí.

Tranh thủ thu hoạch sớm

Mưa kéo dài nên mấy ngày nay, ông Trần Văn Đồng, ở phường An Thạnh, TX.Thuận An đã phải thường xuyên thăm vườn, kiểm tra kênh mương, tình hình ngập úng tại vườn cây ăn quả gần 2 ha của gia đình. Ông Đồng cho biết, dù đã hết mùa thu hoạch nhưng vườn cây trái vẫn phải được chăm sóc thường xuyên để chuẩn bị cho mùa thu hoạch sang năm. Điều làm ông lo lắng chính là mưa lớn kéo dài sẽ làm ảnh hưởng lớn đến khả năng phát triển của cây trồng. Anh Huỳnh Tấn Bảy, ở phường Vĩnh Phú, TX.Thuận An chia sẻ, gia đình anh đã xuống giống cá được hơn 1 tháng nay. Anh đang lo nếu trong những ngày tới tiếp tục có mưa to thì số cá mới thả rất dễ bị trôi ra sông. Năm 2016, mưa lớn kéo dài đã làm người nuôi cá ở Vĩnh Phú mất trắng hàng chục tấn cá đang tuổi xuất ao.

Theo lãnh đạo xã An Sơn, TX.Thuân An, để chuẩn bị cho mùa mưa năm nay địa phương đã tăng cường gia cố bờ đê bao ven sông Sài Gòn nhằm phòng tránh mưa lớn, kết hợp với triều cường có thể gây ngập úng cục bộ, ảnh hưởng đến gần 500 ha cây ăn quả của địa phương.

Tại phường Thái Hòa, TX.Tân Uyên, những ngày này nhiều hộ nuôi cá lóc tranh thủ bán cá sớm để phòng mưa lớn kéo dài. Nhiều hộ nuôi cá lóc ở đây cho biết, giá cá lóc vẫn còn ở mức thấp nhưng họ sẵn sàng bán giá rẻ còn hơn bị mất trắng khi thời tiết thất thường và khó đoán như hiện nay.

Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh, hồ Dầu Tiếng vừa xả lũ đợt 10, trong tháng 10 hồ Dầu Tiếng tiếp tục xả lũ hay không vẫn còn phụ thuộc vào diễn biến từ lượng mưa và triều cường. Thời điểm này, mực nước tại các hồ trên địa bàn tỉnh vẫn ở mức thấp. Tuy nhiên, người dân cần thường xuyên nắm bắt diễn biến của thời tiết để chủ động bảo vệ cây trồng và vật nuôi. Những thông tin bất thường về thời tiết, mưa lũ sẽ được chi cục thông báo nhanh đến các địa phương để chính quyền và người dân nắm bắt kịp thời, chủ động đối phó với mưa lũ.

Theo Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, trong tháng 10-2017, lượng mưa tại khu vực Nam bộ phổ biến ở mức xấp xỉ với trung bình nhiều năm, khu vực Tây nguyên có khả năng ở mức cao hơn từ 10-20% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Tháng 11 và 12-2017, lượng mưa phổ biến cao hơn khoảng 10-30% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Mùa mưa ở khu vực Nam bộ có khả năng kết thúc muộn hơn so với các năm trước.

Xuân Vĩ

Các tin mới:

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang