• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Bảo vệ sản xuất mùa mưa lũ

Nguồn tin:  Báo An Giang, 17/08/2017
Ngày cập nhật: 18/8/2017

Bão chồng bão, mưa lớn kèm giông, lốc xảy ra liên tục đã gây ra nhiều thiệt hại cho người dân, nhất là sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh các giải pháp công trình thủy lợi, củng cố trạm bơm điện, chính quyền các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, phối hợp với người dân phòng, chống thiên tai trên tinh thần chủ động.

Thiệt đơn, thiệt kép

Theo Chi cục Thủy lợi An Giang, chỉ riêng ảnh hưởng của cơn bão số 2 trong tháng 7 vừa qua đã gây ra 22 vụ mưa giông trên địa bàn tỉnh. Cùng với thiệt hại về tài sản, nhà cửa, công trình, mưa giông đã gây ngập, đổ ngã 19.461 héc-ta lúa hè thu. Trong đó, thiệt hại nhiều nhất là Châu Thành (17.529 héc-ta), kế đến là Châu Phú (1.815 héc-ta), Phú Tân (25 héc-ta), TP. Châu Đốc (89 héc-ta)... Hiện nay, các địa phương đang tổ chức bơm rút nước ra để xác định mức độ thiệt hại. Ngoài nguyên nhân khách quan do mưa lớn kéo dài, thiệt hại lớn còn do chủ quan, một số địa phương không tổ chức tiêu úng kịp thời, nông dân thu hoạch gặp khó khăn. “Nhà có 10 công đất mà thu hoạch mất 4 ngày mới xong. Nước ngập chân ruộng, mưa liên tục khiến máy cắt hoạt động gián đoạn, lúa hao hụt rất nhiều, phẩm chất giảm nên thương lái ép giá. Có nhiều nơi thương lái chê lúa ướt không chịu mua, nông dân phải tự mang đi sấy, trữ lại chờ giá. Nông dân canh tác lúa hè thu năm nay thiệt hại đủ điều” - bà H.T.Đ (ấp Cần Thới, xã Cần Đăng, Châu Thành) than thở.

Thời tiết xấu khiến việc thu hoạch lúa hè thu gặp khó khăn

Vụ thu đông 2017, toàn tỉnh xuống giống 179.729 héc-ta lúa, màu, trong đó có 415 tiểu vùng xuống giống trong đê bao, diện tích 172.241 héc-ta (lúa 159.405 héc-ta, màu 12.836 héc-ta). Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, có khả năng xuất hiện những cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động vào các tháng cuối mùa (tháng 10, 11, 12), khả năng ảnh hưởng đến tỉnh An Giang. Do vậy, kịch bản thu hoạch lúa thu đông có thể gặp điều kiện thời tiết bất lợi như vụ hè thu hiện nay. Chi cục Thủy lợi An Giang cho biết, các ngành, địa phương đang tích cực triển khai các công trình thủy lợi đầu tư năm 2017. Đồng thời, thường xuyên theo dõi chặt chẽ tình hình mưa bão, mực nước lũ ở thượng nguồn để kịp thời nắm thông tin, thông báo đến người dân nhằm chủ động có biện pháp ứng phó hiệu quả, đảm bảo sản xuất và sinh hoạt của người dân an toàn trong mùa mưa lũ.

Chủ động ứng phó

Theo lãnh đạo Chi cục Thủy lợi, hiện nay, đơn vị đang tập trung kiểm tra, đánh giá năng lực phục vụ của công trình thủy lợi (đê, hồ, đập, các cống, bọng dưới đê, trạm bơm...) để phát hiện, xử lý kịp thời các vị trí xung yếu, sạt lở, xây dựng phương án bảo đảm vận hành an toàn công trình trong mùa mưa lũ. Đồng thời, rà soát, loại bỏ các cống, bọng kém chất lượng, bị rò rỉ nước trên các tuyến đê bao và xây dựng lại cống, bọng đảm bảo chất lượng. Chi cục Thủy lợi đề nghị các địa phương có giải pháp bơm tưới, tiêu cho từng tiểu vùng, đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất. Lưu ý, rà soát năng lực bơm của các trạm bơm tiêu (hiện đã xuống cấp nhiều), có biện pháp xử lý nhằm tránh trường hợp gây xoáy lở đê, đập. Các đơn vị liên quan cần đôn đốc các chủ đầu tư, đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ nhằm đảm bảo hoàn thành công trình trước mùa mưa lũ, nhất là các công trình đê, cống, đập tạm... Đối với các công trình đang thi công, cần có giải pháp bảo vệ công trình khi nước lũ dâng cao, tránh bị ảnh hưởng, phát sinh kinh phí và thiệt hại xảy ra. Đối với những tiểu vùng xả lũ, phải có kế hoạch bảo vệ, không để hư hỏng sau lũ đối với các tuyến đê.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Trần Anh Thư cho biết, dù dự báo thị trường gạo những tháng cuối năm 2017 thuận lợi nhưng không được sản xuất vụ thu đông “bằng mọi giá”. “Chúng ta không được đánh đổi rủi ro của người dân cho thành tích của ngành Nông nghiệp. Các ngành, địa phương phải thường xuyên kiểm tra, đánh giá cụ thể tình hình khắc phục các công trình xung yếu trên địa bàn, xem xét khả năng đảm bảo phục vụ sản xuất vụ thu đông 2017. Diện tích nào đê bao không chắc chắn thì không cho xuống giống, diện tích nào lên kế hoạch xả lũ thì phải xả lũ” - ông Thư nhấn mạnh.

Giám đốc Sở NN&PTNT thông tin thêm, việc tổ chức lại sản xuất vụ thu đông là cơ hội để thực hiện đúng lịch thời vụ, ngăn tình trạng dịch bệnh lưu chuyển liên tục từ vụ này sang vụ khác. “Gần 10 năm nay, lịch thời vụ bị buông lỏng. Tỉnh chọn huyện Tri Tôn làm điểm chỉnh lại lịch xuống giống thống nhất, tập trung, tiến tới thực hiện nghiêm túc lịch thời vụ” - ông Thư cho biết.

Ngô Chuẩn

Các tin mới:

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang