• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Ông Tiến sỹ Việt kiều và khát vọng của người nông dân

Nguồn tin:  Báo Lâm Đồng, 14/08/2017
Ngày cập nhật: 16/8/2017

Ngày ngày cặm cụi với vườn cà phê, vườn hồng môn và với những người hàng xóm nông dân xung quanh, ít ai tưởng tượng được người đàn ông già ấy chính là tiến sỹ khoa học Đỗ Ngọc Quỳnh, đã rời một trong những trường đại học danh giá của nước Đức, Đại học Nông nghiệp Hohenheim, trở về nước công tác tại Đại học Cần Thơ. Sau những tháng ngày đắm chìm trong những công trình khoa học, ông trở thành nông dân tại Di Linh và gắn bó với đồng ruộng. Tấm lòng tha thiết của một nhà khoa học vẫn không ngừng cháy trong ông với mong muốn mang lại cho nông dân những điều tốt đẹp nhất.

Tiến sỹ Đỗ Ngọc Quỳnh. Ảnh: D.Quỳnh

Ông tiến sỹ già nhẹ nhàng kể lại hành trình của ông bằng những lời đơn giản: sang học tại nước Đức, lập gia đình và ở lại dạy tại Đại học Nông nghiệp Hohenheim, năm 1985, ông cùng gia đình trở lại Việt Nam, dạy học tại Đại học Cần Thơ. Và năm 2010, sau khi nghỉ hưu, ông lên Đinh Lạc, Di Linh, gắn bó với mảnh đất cho thỏa khát vọng làm nông dân từ thuở thiếu thời.

Vốn được bà con vùng đồng bằng sông Cửu Long quen thuộc với biệt danh “tiến sỹ biogas”, khi bắt đầu lên Di Linh, tiến sỹ Quỳnh là người thúc đẩy, hướng dẩn nông dân chăn nuôi tại địa phương thực hiện các mô hình hầm ủ biogas quy mô gia đình, biến những hầm chất thải heo trở thành nguồn điện sử dụng trong thắp sáng và sinh hoạt.

Nhiều hầm biogas hiện vẫn được nông dân sử dụng hiệu quả. Với các mô hình khí sinh học, ông vẫn nung nấu mong muốn đem ánh sáng điện đến với mọi người, nhất là những nơi vùng sâu, vùng xa không tiện mắc điện lưới.

Ngoài làm khí sinh học, tiến sỹ Đỗ Ngọc Quỳnh mày mò cùng nông dân làm kinh tế. Thấy được xung quanh nông dân trồng hồng môn rất tốt, ông cũng làm nửa sào nhà kính, trồng 3.000 cây hồng môn. Vườn hồng môn của tiến sỹ Quỳnh được trồng khá đặc biệt bởi mật độ trồng rất thoáng. Ông bảo, trồng thoáng để cây thở, sống. Cây cũng như con người, cần không gian phù hợp. Với “hậu phương” vững chắc là người vợ đang ở tại thành phố Hồ Chí Minh, ông cắt hồng môn với giá “trồng tận gốc, bán tận ngọn”, bông hồng môn được gia đình phân phối trực tiếp tới nhiều shop hoa nên giá cao hơn cho thương lái.

Không chỉ trồng và bán hồng môn đơn lẻ, ông chính là một thành viên cốt cán trong CLB hồng môn của xã Đinh Lạc. Mười hai thành viên của CLB đều đồng lòng trồng những bông hồng môn đẹp nhất, chất lượng cao với kỹ thuật trồng tiến bộ. CLB hồng môn là một trong những CLB làm ăn tốt và đoàn kết trên mảnh đất Đinh Lạc. Tiến sỹ Quỳnh khẳng định, từ thực tế bản thân ông và các thành viên trong CLB, nếu chăm sóc tốt và phân phối đúng, một sào hồng môn có thu nhập tốt hơn một hecta cà phê.

Di Linh là mảnh đất của cà phê, hàng ngàn ha cà phê đang là nguồn sống chính của nông dân mảnh đất cao nguyên này. Nhưng giá trị hạt cà phê mang lại chưa tương xứng với công sức người nông dân bỏ ra. Bởi vậy, khi Hội những người sản xuất cà phê bền vững Di Linh được thành lập, tiến sỹ Đỗ Ngọc Quỳnh lập tức trở thành thành viên, cố vấn của Hội, mong mỏi cùng nông dân nâng cao chất lượng hạt cà phê. Những thành viên trong hội cố gắng trồng cà phê theo hướng an toàn theo các bộ tiêu chuẩn canh tác cà phê như UTZ, 4C. Còn ông và một vài thành viên canh tác cà phê theo hướng hữu cơ. Thăm vườn cà phê của tiến sỹ Quỳnh, ai cũng thấy lạ lẫm bởi màu xanh ngút mắt trong vườn. Thay vì làm cỏ sạch vườn, ông trồng ngập đất cỏ lá lạc, một loài cây thuộc họ đậu có tác dụng cố định đạm, làm phì nhiêu đất đồng thời tạo môi sinh cho hệ thống các vi sinh vật phát triển. Vườn không bón phân hóa học, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật mà sử dụng các biện pháp đối kháng sinh học tự nhiên để giúp cây cà phê phát triển.

Không dừng lại ở việc trồng và cùng nông dân trồng cây cà phê bền vững, ông đang cùng một số nông dân lập HTX chuyên trồng và chế biến hạt cà phê hữu cơ thành một loại cà phê đặc biệt: cà phê mật ong (honey coffee) với mong muốn cung cấp cho thị trường một dòng cà phê chế biến đặc sắc. HTX đang trong những ngày sắp sửa ra mắt và số thành viên chủ chốt đã được chuẩn bị sẵn sàng từ khâu trồng, chế biến tới phân phối. Mục tiêu của HTX là liên kết với nông dân, tăng thu nhập từ cây cà phê lên 20%. Anh Trịnh Tấn Vinh, Chi hội trưởng Chi hội Người sản xuất cà phê bền vững Di Linh nói rất kính trọng: “Bà con ở đây đều rất kính trọng và tin tưởng thầy, có việc gì thắc mắc đều tới hỏi thầy và được chia sẻ rất chân tình. Với người làm cà phê như chúng tôi, chúng tôi rất khát vọng và đồng lòng cùng thầy nâng cao giá trị hạt cà phê Di Linh”.

Tiến sỹ khoa học Đỗ Ngọc Quỳnh vẫn hàng ngày gắn bó với cây hồng môn, với vườn cà phê, thực hiện kế hoạch cà phê mật ong cùng những người nông dân Di Linh. Ông chỉ tâm niệm điều quan trọng trong cuộc đời: “Bài học vỡ lòng tôi học được từ các giáo sư người Đức là kỹ thuật phải có lời giải. Và với những người làm khoa học, lời giải đó trước hết phải mang lại lợi ích cho người nghèo. Tôi đã sống và sẽ tiếp tục sống với tâm nguyện ấy cho bà con nông dân, cho quê hương tôi”.

Diệp Quỳnh

Các tin mới:

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang