• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Phát triển chuỗi giá trị “hai cây - một con”

Nguồn tin:  Báo Đồng Khởi, 09/08/2017
Ngày cập nhật: 10/8/2017

Tổ hợp tác bưởi ấp Tân Long II, xã Tân Thành Bình đã thành lập HTX.

Trong 8 chuỗi giá trị sản phẩm nông sản chủ lực được tỉnh Bến Tre lựa chọn, huyện Mỏ Cày Bắc xác định sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương là hai cây và một con gồm: cây dừa, bưởi da xanh và con heo.

Huyện đã hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp để triển khai thực hiện nhằm giảm đầu vào, tăng đầu ra, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nông dân.

Huyện có 16.518ha đất tự nhiên, trong đó đất nông nghiệp chiếm 13.248ha. Giá trị sản xuất tăng hàng năm 9,1%, trong đó, giá trị nông nghiệp - thủy sản tăng 5,38%. Huyện xác định thế mạnh là kinh tế vườn và chăn nuôi. Đến cuối năm 2016, diện tích trồng dừa 9.340ha, bưởi 1.122ha, đàn heo đạt 161.979 con.

Diện tích vườn dừa tăng dần qua các năm. Hiện huyện có 2 tổ hợp tác (THT) đang hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, nông dân trồng dừa chủ yếu bán cho thương lái vận chuyển đến cơ sở sơ chế. Các hộ tự bán cho thương lái, không có liên kết với nhau tạo ra diện tích sản xuất lớn, tập trung, khâu sản xuất chưa liên kết với doanh nghiệp trong việc cung cấp đầu ra và đầu vào.

Diện tích trồng bưởi chiếm khoảng 40% diện tích cây ăn trái với 2.689ha. Phần lớn bưởi da xanh tiêu thụ dưới dạng trái tươi, chủ yếu là thị trường trong nước; có xuất khẩu nhưng không đáng kể. Bưởi phân phối qua nhiều kênh chủ yếu đi từ nhà vườn đến thương lái qua các vựa thu mua, sơ chế và bán lẻ cho người tiêu dùng nội địa. Diện tích trồng bưởi da xanh còn manh mún, nhỏ lẻ. Trong mua bán chưa có sự ràng buộc với nhau; chất lượng đầu vào không ổn định.

Trong chăn nuôi heo cũng vậy. Đàn heo tăng nhanh qua từng năm. Huyện có 7 THT chăn nuôi heo. Sản xuất chủ yếu là heo thịt, heo nái sinh sản với các giống có chất lượng cao như: Yorkshire, Landrace, Duroc. Tổng đàn heo lớn nhưng quy mô hộ chăn nuôi vừa và nhỏ chiếm tỷ lệ cao, khoảng 70 - 80%, chưa có liên kết giữa người chăn nuôi với các doanh nghiệp để tiêu thụ đầu ra sản phẩm; giá heo không ổn định; nguy cơ xảy ra dịch bệnh cao. Bên cạnh đó, giá cả đầu vào thường xuyên tăng, làm tăng chi phí sản xuất, khả năng cạnh tranh trên thị trường là không cao.

Ông Lê Văn Xiêm - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Quy mô sản xuất sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện còn nhỏ lẻ, manh mún; năng suất, chất lượng chưa cao, thiếu tính ổn định, hạn chế sức cạnh tranh của nông sản. Việc vận động tham gia THT, hợp tác xã (HTX) được nông dân hưởng ứng tốt, nhưng hoạt động của từng thành viên còn bị động, trông chờ vào sự hỗ trợ của ngành chức năng. Thành viên THT, HTX còn miễn cưỡng, chưa thống nhất tự nguyện cùng nhau hợp tác. Liên kết dọc giữa nông dân - thương lái - doanh nghiệp còn mang tính hình thức, chưa có sự liên kết cùng trách nhiệm trong tổ chức sản xuất - tiêu thụ sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu. Các THT với doanh nghiệp thu mua chủ yếu theo hình thức mua đứt bán đoạn, mang tính thời điểm, thời vụ. Quản lý sản xuất, kinh doanh trong THT còn yếu kém.

Hiện nay, huyện có 72 trang trại, 40 THT, 5 làng nghề hoa kiểng, 1 làng nghề tiểu thủ công nghiệp. Các THT hoạt động tương đối ổn định. Tuy nhiên, hiệu quả chưa cao, chỉ khoảng 1/3 THT là ký được hợp đồng đầu vào, đầu ra sản phẩm với các doanh nghiệp. Nguyên nhân chủ yếu là do các thành viên trong tổ không sản xuất chăn nuôi theo một quy trình thống nhất; chất lượng sản phẩm không đồng nhất.

Chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện giai đoạn 2017 - 2020 định hướng đến 2025 đã xác định sản phẩm nông nghiệp chủ lực là cây dừa, bưởi da xanh và con heo. Mục tiêu trong giai đoạn 2017 - 2020 là xây dựng 2 THT bưởi da xanh, củng cố nâng chất 6 THT hiện có. Củng cố, nâng chất các THT dừa. Đến năm 2020 thành lập 1 HTX dừa tham gia chuỗi giá trị. Xây dựng 2 HTX, củng cố, nâng chất 5 THT chăn nuôi heo. Từng bước xây dựng và nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp từ khâu thu hoạch đến bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản xuất. Đến năm 2020, phấn đấu tăng thêm từ 5 - 15% lợi nhuận.

“Thành lập các THT, HTX đối với huyện hiện nay là một hướng đi đúng để sản xuất hàng hóa lớn. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả các mô hình hợp tác này, trước mắt phải củng cố lại ban quản lý các THT đủ mạnh để hoạt động. Vấn đề quan trọng là phải giải quyết được việc liên kết trong nội bộ các thành viên THT, phải thống nhất quy trình sản xuất, bán sản phẩm cho một đầu mối. Quyền lợi và nghĩa vụ, trách nhiệm của tổ viên phải ràng buộc với nhau để tổ hoạt động thống nhất. Các THT phải ký được hợp đồng đầu vào, đầu ra sản phẩm với các doanh nghiệp để nâng cao chuỗi giá trị và tăng sức cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường. Về lâu dài, huyện sẽ thành lập các HTX để đủ điều kiện vay vốn ngân hàng giúp thành viên phát triển sản xuất” - ông Lê Văn Xiêm nhấn mạnh.

Thu Duyên

Các tin mới:

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang