• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Sản phẩm Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: Cung không đủ cầu

Nguồn tin:  Báo Bắc Giang, 02/08/2017
Ngày cập nhật: 3/8/2017

Sau gần một năm thực hiện Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao (CNC) trong nông nghiệp, đến nay toàn tỉnh Bắc Giang đã đạt được những kết quả tích cực. Sản phẩm thuận đầu ra, thậm chí không đủ cung cấp cho nhu cầu của khách hàng và mang lại lợi nhuận lớn.

Mô hình sản xuất dưa lưới tại xã Thường Thắng (Hiệp Hòa).

Liên kết tiêu thụ chặt chẽ

Lâu nay, nhiều người biết đến mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC điển hình của hộ anh Trần Xuân Đăng (SN 1985) trồng dưa lưới, dưa leo trên diện tích hơn 2 nghìn m2 nhà màng tại thôn Đức La, xã Trí Yên (Yên Dũng). Tốt nghiệp khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội nhưng anh Đăng lại đam mê làm nông nghiệp. Cuối năm 2016, bên cạnh điều hành doanh nghiệp kinh doanh phần mềm, anh về quê xây dựng các hạng mục trồng rau CNC; thành lập HTX Nông nghiệp CNC Trí Yên.

Sau khi làm xong nhà màng có hệ thống tưới tự động, anh trồng dưa lưới, dưa leo trong các bao đất được xử lý bảo đảm sạch bệnh. Ngoài ra, với kiến thức về công nghệ thông tin, anh lắp đặt thiết bị báo tưới tự động trên điện thoại, qua đó nắm được độ ẩm, nhu cầu nước tưới của cây trồng để điều tiết kịp thời dù không có mặt trực tiếp ở thực địa.

Với cách làm linh hoạt, sáng tạo, các cây trồng trong nhà màng sinh trưởng, phát triển tốt. Hiện dưa leo bắt đầu cho thu hoạch, được Công ty TNHH Nông sản Minh Tâm (Hà Nội) bao tiêu với giá 18 nghìn đồng/kg; ký hợp đồng với Công ty TNHH Nông Sinh Khang Nguyên (TP Hồ Chí Minh) thu mua dưa lưới. Anh Đăng cho biết: “Vụ đầu sản xuất, lợi nhuận đạt khoảng 200 triệu đồng, không lo lắng về đầu ra. Thời gian tới, tôi vận động một số người thân góp đất mở rộng quy mô gấp ba lần để trồng rau CNC; đồng thời đưa vào sử dụng phần mềm tự động chăm sóc cây trồng nhằm tiết kiệm công lao động, giảm chi phí đầu tư”.

Tương tự, mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng quy mô 2,1 nghìn m2 của HTX Nông nghiệp Đồng Tâm 3, xã Thường Thắng (Hiệp Hòa) lợi nhuận đạt gần 300 triệu đồng/năm cũng có hợp đồng bao tiêu chặt chẽ bởi Công ty Greenfam Hà Nội. Hay mô hình sản xuất nấm, rau CNC của HTX dịch vụ nông nghiệp Tiên Tiến, xã Tiên Lục (Lạng Giang) ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với HTX dịch vụ sản xuất nông nghiệp Đại Đồng (Yên Dũng).

Theo tổng hợp của Sở Nông nghiệp và PTNT, đến nay các huyện, TP đang triển khai thực hiện 22 mô hình sản xuất nông nghiệp CNC. Trong đó, 19 mô hình sản xuất rau, còn lại là trồng hoa. Các mô hình đi vào sản xuất đều có hợp đồng ký kết tiêu thụ chặt chẽ với doanh nghiệp, HTX. Nhiều tư thương, người dân đến tận ruộng đặt mua nhưng sản phẩm không đủ để cung cấp.

Hỗ trợ kịp thời

Đạt được những kết quả trên, bên cạnh nỗ lực của các chủ mô hình trong việc tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ còn có sự vào cuộc tích cực của chính quyền các cấp, cơ quan chuyên môn. Ngoài chính sách của tỉnh, một số huyện, TP có cơ chế riêng cho sản xuất nông nghiệp CNC.

Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch UBND huyện Yên Dũng cho biết: “Xác định nông nghiệp CNC là hướng đi bền vững, lâu dài, huyện quy hoạch vùng trên cơ sở đánh giá kỹ chất đất, điều kiện canh tác; đồng thời hỗ trợ cho vùng sản xuất rau CNC và tập trung quy mô từ 2 ha trở lên với mức 130 triệu đồng/ha để làm đường giao thông, kênh mương nội đồng, đường điện. Bên cạnh đó, chúng tôi chỉ đạo đơn vị chuyên môn bám sát cơ sở, sớm tháo gỡ, giải đáp những vướng mắc, kiến nghị của người dân”.

Huyện Tân Yên hỗ trợ 70 triệu đồng/mô hình trồng rau, hoa trong nhà lưới có quy mô từ 1.000 m2 trở lên; 35 triệu đồng/ha cho hệ thống tưới tiết kiệm. Huyện Lạng Giang hỗ trợ thiết bị nhà lạnh cho hai mô hình sản xuất nấm CNC tại xã Tiên Lục và Nghĩa Hưng với mức 143 triệu đồng/mô hình; 355 triệu đồng/mô hình trồng hoa cao cấp trong nhà lưới tại xã Thái Đào.

Những lợi thế, ưu điểm của nông nghiệp ứng dụng CNC đã được khẳng định song việc triển khai thời gian qua vẫn gặp một số trở ngại. Ông Nguyễn Văn Nghiệp, Giám đốc HTX Nông nghiệp Đồng Tâm 3 nêu: “Chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng sản xuất khá lớn, khoảng 1 tỷ đồng/mô hình nhưng việc vay vốn từ các ngân hàng thương mại rất khó khăn. HTX đã nhiều lần liên hệ với ngân hàng và đều bị từ chối vì không có tài sản thế chấp”. Ngoài ra, nhiều mô hình còn vướng về mặt bằng, tích tụ ruộng đất cũng như trình độ kỹ thuật chuyên môn, kinh nghiệm tổ chức sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Trước thực tế này, ông Nguyễn Văn Khái, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: “Để nông nghiệp ứng dụng CNC đạt được mục tiêu đề ra, Sở chỉ đạo đơn vị chuyên môn đồng hành cùng các chủ mô hình, hướng dẫn quy cách xây dựng nhà lưới, nhà màng; trồng rau, hoa đúng quy trình kỹ thuật. Đồng thời, Sở sẽ tham mưu giải pháp tháo gỡ về vốn, mặt bằng trong quá trình thực hiện”. Cũng theo ông Khái, các chủ mô hình rất cần tài chính nên tổ thẩm định do Sở chủ trì sẽ nghiệm thu theo từng công đoạn để hỗ trợ vốn từ dự án kịp thời cho các mô hình; tham mưu xây dựng chính sách khuyến khích tích tụ ruộng đất cho nông nghiệp CNC.

Cùng với các biện pháp trên, một số ý kiến đề xuất cần bố trí đủ kinh phí để việc thực hiện đề án được thuận lợi. Sở Công thương hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, tem truy xuất nguồn gốc, trang web giới thiệu quảng bá và tiêu thụ sản phẩm. Ngân hàng Nhà nước tỉnh chỉ đạo các ngân hàng thương mại tăng cường cho vay nông nghiệp CNC, nông nghiệp sạch. Về lâu dài nên tính toán đến phương án xây dựng mô hình nông nghiệp CNC gắn với du lịch cộng đồng. Điều này vừa kích cầu tiêu dùng, vừa đáp ứng nhu cầu chiêm ngưỡng làng quê, đồng ruộng của người dân sinh sống ở các đô thị.

Đến nay, các huyện, TP đang triển khai thực hiện 22 mô hình sản xuất nông nghiệp CNC. Trong đó, 19 mô hình sản xuất rau còn lại là trồng hoa. Các mô hình đi vào sản xuất đều có hợp đồng ký kết tiêu thụ chặt chẽ với doanh nghiệp, HTX.

Trịnh Lan

Các tin mới:

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang