• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Tỷ phú “chân đất”

Nguồn tin:  Báo Đồng Khởi, 31/07/2017
Ngày cập nhật: 1/8/2017

Ông Châu Văn Bối giới thiệu trái bưởi có khả năng nặng 3,5kg.

Nhằm phát huy tính chủ động sáng tạo của hội viên nông dân và tạo sự hăng hái thi đua trong sản xuất, đầu năm 2017, Ban Chấp hành Hội Nông dân huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre đã xây dựng mô hình Nông dân tỷ phú tại 2 xã điểm là Vĩnh An và Tân Mỹ. Đến nay, đã có 2 cá nhân tiêu biểu đạt thành tích trong sản xuất với lợi nhuận hàng năm trên 1 tỷ đồng.

“Trùm” tôm biển

Ông Trần Văn Trưởng ở ấp Vĩnh Đức Tây, xã Vĩnh An là bác sĩ của bệnh viện huyện đã về hưu. Với ý tưởng và mong muốn phát triển kinh tế làm giàu cho gia đình, ông đã mạnh dạn đầu tư nuôi tôm biển và thu lợi nhuận trung bình mỗi năm trên 1 tỷ đồng. Mặc dù không tiên phong trong việc nuôi tôm biển, nhưng ông Trưởng được xem là ông “trùm” nuôi tôm biển bởi sự hiểu biết về con tôm và những kinh nghiệm kỹ thuật xử lý ao nuôi.

Năm 2003, ông Trưởng cùng một số người dân trong xã hùn vốn để nuôi tôm sú theo lối quảng canh. Ngay vụ đầu tiên, với 180 triệu đồng đầu tư ban đầu, sau gần 3 tháng nuôi, thu hoạch vụ tôm trừ đi chi phí ông thu lời 100 triệu đồng. Khởi đầu thuận lợi, năm 2004, ông mạnh dạn đầu tư mở rộng diện tích ao nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng thâm canh. Từ 2.000m2 đất nhà, ông mua và phát triển dần lên 6ha. Đặc biệt năm 2013, lợi nhuận từ 6ha nuôi tôm của ông đạt 4 tỷ đồng.

Theo lời kể của ông, con tôm cũng đã nhiều phen làm ông “đuối”. Năm 2014, do dịch bệnh phát triển mạnh trên con tôm cũng như do khủng hoảng về giống tôm và thuốc không đảm bảo chất lượng nên làm ảnh hưởng nặng nề đến năng suất. Trước thực tế đó, ông Trưởng nghiên cứu tìm cách trụ lại với nghề nuôi tôm. Ông sang ao, cải tạo, xử lý lại đáy ao nuôi bằng muối nhằm sục rửa hóa chất còn trong bùn. Nhờ vậy ông đã cứu được tôm và không thiệt hại về kinh tế.

Khác với các ao khác, ông Trưởng không phủ bạt khắp ao mà chỉ chắn xung quanh bờ để hạn chế sạt lở. Riêng đáy ao, ông vẫn để đất bùn. Theo ông, nếu đáy ao xử lý tốt thì bùn tự nhiên sẽ thuận lợi hơn cho tôm phát triển. Ngoài kỹ thuật, người nuôi phải có kinh nghiệm, chịu khó tìm hiểu nghiên cứu về vật nuôi. Chia sẻ về thành công của nghề nuôi tôm, ông cho rằng, quan trọng nhất là kỹ thuật xử lý đáy ao, nguồn nước tốt và nguồn giống.

Với cách làm của mình, trung bình mỗi năm ông thu về từ 1 - 2 tỷ đồng. Mới đây, ông mạnh dạn đầu tư thêm máy lọc nước nhằm xử lý, loại bỏ hoàn toàn các chất: phèn, kim loại nặng, chất độc hại làm ảnh hưởng con tôm. Ông Trưởng cho biết, trong 10 ngày tới, gia đình ông sẽ thu hoạch 1 ao tôm diện tích 5.000m2, với giá hiện tại 137 ngàn đồng/kg (50 con), ông “chắc cú” thu về 2 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Bum - Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: Từ năm 2000, xã có quy hoạch vùng nuôi thủy sản đã giúp nhiều hộ dân cải thiện kinh tế. Trong số đó, tiêu biểu là hộ ông Trần Văn Trưởng được huyện chọn làm mô hình Nông dân tỷ phú năm 2017. Bằng sức lao động của bản thân và tinh thần tự lực vươn lên, ông Trưởng xứng đáng là gương điển hình trong phong trào nông dân sản xuất giỏi của địa phương.

Dám nghĩ, dám làm

Trước đây, tại vùng đất kinh tế mới thuộc xã Tân Mỹ, người dân chỉ quen với những giống cây quen thuộc như: mía, dừa và xoài. Với sự táo bạo và quyết đoán, ông Châu Văn Bối ở ấp Tân Thành đã tiên phong thử nghiệm 20 gốc bưởi da xanh. Sau thời gian trồng thấy bưởi phát triển và cho trái rất sai, ông bắt đầu nhân rộng cây bưởi da xanh trên toàn bộ diện tích 2.000m2 đất.

Hiện nay, vườn bưởi của ông Bối có 90 gốc bưởi đang cho trái ổn định. Hàng năm ông thu hoạch khoảng 20 tấn trái với giá trung bình 60 ngàn đồng/kg.

Chia sẻ kinh nghiệm, ông Bối cho biết, trồng bưởi phải lên liếp để giúp cây thoát nước và hút nước không úng rễ. Nếu sử dụng phân hóa học trong một thời gian dài, sẽ làm cho đất bị bạc màu, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây. Nên kết hợp bón phân hữu cơ, phân chuồng để cải tạo đất, giúp cho cây phát triển bền vững.

Ông Bối sử dụng phân hữu cơ bón cho cây là chính, theo từng giai đoạn sinh trưởng của cây mà bón liều lượng thích hợp. Ngoài ra, ông sử dụng hệ thống tưới nước bằng vòi phun sương thay thế cho hệ thống tưới bằng dây ống. Với hệ thống này, khi tưới đất sẽ ướt đều, diện tích rộng và tạo được độ ẩm cho đất, giúp rễ bưởi dễ hấp thụ nước.

Ông Bối chia sẻ: “Hệ thống vòi phun sương đầu tư ban đầu khá cao, nhưng nếu so về hiệu quả kinh tế thì có lợi hơn tưới dây nhiều. Trung bình 1ha đất nếu tưới bằng dây thì mất hết 1 ngày, trong khi tưới vòi phun sương chỉ mất 3 giờ, tiết kiệm được thời gian, điện, tiền công lao động”.

Với hướng đi đúng, vườn bưởi của ông Bối phát triển và cho năng suất rất cao, mang về nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. Bên cạnh đó, ông còn nhiệt tình tham gia các phong trào, chương trình do địa phương phát động.

Phan Hân

Các tin mới:

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang