• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Bảo vệ sản xuất trên tinh thần chủ động

Nguồn tin:  Báo An Giang, 28/07/2017
Ngày cập nhật: 30/7/2017

Đó là yêu cầu của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) An Giang Trần Anh Thư trước tình hình mưa lũ, dịch hại diễn biến phức tạp. Nếu chủ quan trong công tác bảo vệ sản xuất, có thể gây thiệt hại khó lường.

Ứng phó theo kịch bản lũ năm 2011

Nếu như cách đây khoảng nửa tháng, nhiều người còn nghi ngờ về dự báo lũ năm nay cao hơn trung bình nhiều năm thì mấy ngày gần đây, nỗi hoài nghi đó gần như không còn. “Tôi thấy nước lên nhanh lắm, mỗi ngày lên hơn cả tấc. Mới 2 tuần trước, mực nước dưới kênh Cỏ Lau còn thấp, nay đã lên cao, một số nơi đã tràn đồng. Năm nào mà nước tháng 6 (âm lịch) lên nhanh như vậy thường là lũ lớn”- lão nông Võ Minh Trí (xã Phú Hữu, An Phú), nhận định. Tại vùng đầu nguồn huyện An Phú, TX. Tân Châu, TP. Châu Đốc, một số ngư dân đã đặt lọp, giăng đú trên các kênh, mương, khu vực đồng trũng để bắt cá. Diễn biến con nước hiện nay báo hiệu 1 mùa lũ lớn hơn những năm gần đây, lượng cá, tôm được kỳ vọng cũng nhiều hơn.

Ai cũng đang ngóng chờ 1 mùa lũ “đẹp” sau nhiều năm chờ đợi nhưng đi kèm với đó là nỗi lo, khi năm nay, An Giang đặt rất nhiều kỳ vọng vào vụ thu đông trước tín hiệu tốt của thị trường lúa, gạo. “Dự báo đỉnh lũ cao nhất năm ở đầu nguồn sông Cửu Long có khả năng đạt xấp xỉ mức báo động II, xuất hiện trong nửa đầu tháng 10 (Tân Châu 4m, Châu Đốc 3,5m). Tuy nhiên, phải xác định tinh thần ứng phó như kịch bản lũ năm 2011. Chúng ta cần nhớ bài học năm 2011, tình trạng vỡ đê ở Chợ Mới, Phú Tân, Châu Phú là do các ngành, địa phương chủ quan sau nhiều năm lũ nhỏ” - ông Trần Anh Thư lưu ý.

Chủ động bảo vệ sản xuất trước tín hiệu tích cực của thị trường lúa, gạo

Ban đầu, Sở NN&PTNT đề ra kế hoạch sản xuất lúa thu đông 170.000 héc-ta, trong đó có 53.300 héc-ta nếp (tăng 7.900 héc-ta). Tuy nhiên, sản lượng nếp vụ hè thu khả năng tăng thêm 39.200 tấn trong khi thị trường đang bất lợi (giá nếp hiện nay khoảng 4.200 - 4.400 đồng/kg, giá lúa hơn 5.000 đồng/kg). Do vậy, tỉnh thống nhất xả lũ thêm 3.000 héc-ta nếp ở Phú Tân, giảm kế hoạch xuống giống vụ thu đông 2017 toàn tỉnh xuống còn 167.000 héc-ta. “Ngoại trừ vùng chuyên canh nếp Phú Tân, chúng tôi đề nghị các địa phương khác khuyến cáo nông dân không nên xuống giống nếp bởi thị trường hiện nay đang có dấu hiệu cung vượt cầu” - lãnh đạo Phòng NN&PTNT huyện Phú Tân đề xuất.

Tất cả cùng hành động

Đối với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, Giám đốc Sở NN&PTNT giao tham mưu thành lập Ban Chỉ đạo (BCĐ) phòng, chống rầy nâu, bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá của tỉnh và huyện, tiến tới thống nhất phương án dập dịch theo 3 cấp độ gây hại. “Phải xác định tinh thần phòng, chống dịch rầy nâu, bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá như kịch bản năm 2006. Vừa rồi, chúng ta thành công trong phòng, chống dịch muỗi hành trong khi Kiên Giang-địa phương giáp ranh bị muỗi hành gây hại nặng cũng nhờ tinh thần chủ động” - ông Thư nhấn mạnh.

Bên cạnh bảo vệ cây lúa nhằm đón đầu cơ hội của thị trường xuất gạo, Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Anh Thư đề nghị các đơn vị chuyên môn, chính quyền địa phương quan tâm đến những loại cây trồng, vật nuôi có lợi thế khác. “Giá cá tra nguyên liệu hiện ở mức từ 22.500 - 23.000 đồng/kg và khả năng sẽ giữ ổn định đến cuối năm khi giá xuất khẩu ổn định. Dù diện tích không tăng nhưng sẽ tăng giá trị, chất lượng cá thương phẩm khi chất lượng giống được nâng lên, giảm tỷ lệ hao hụt, kéo chi phí nuôi còn khoảng 19.500 - 20.000 đồng/kg. Các địa phương cần kiểm soát chặt chẽ diện tích nuôi cá tra, không cho thả nuôi ngoài vùng quy hoạch, đồng thời khuyến cáo nuôi liên kết với doanh nghiệp, không để thương lái Trung Quốc trà trộn thu mua số lượng ảo, gây xáo trộn thị trường” - ông Thư đề nghị.

“An Giang được Thủ tướng Chính phủ chọn xây dựng thành thủ phủ cung cấp cá tra giống cho toàn vùng ĐBSCL. Hiện nay, mới chỉ có huyện Châu Phú hình thành được vùng nuôi cá tra giống 150 héc-ta, Thoại Sơn 80 héc-ta. Các địa phương còn lại trong vùng quy hoạch cần chuẩn bị vùng nuôi để đón đầu cơ hội sản xuất giống” - ông Thư phân tích.

Ngô Chuẩn

Các tin mới:

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang