• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Gỡ bí đầu ra cho nông sản Việt

Nguồn tin:  VOV, 12/07/2017
Ngày cập nhật: 13/7/2017

Để thoát khỏi thế bí ở đầu ra, ngành nông nghiệp cần phát triển chuỗi giá trị sâu, thích ứng với biến đổi khí hậu, ứng dụng công nghệ cao...

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường, ngành nông nghiệp cần tiếp tục tái cơ cấu theo hướng tập trung, bền vững, phát triển chuỗi giá trị sâu, thích ứng với biến đổi khí hậu, ứng dụng công nghệ cao.

Thời gian qua nhiều loại nông sản phải nhờ người dân "giải cứu"

Nông sản bao giờ mới hết thời "giải cứu"?

Tại phiên chất vấn trước Quốc hội vừa qua, người đứng đầu ngành nông nghiệp cho rằng, nguyên nhân chính dồn nông sản Việt vào thế bí là do khối lượng sản xuất khổng lồ trong khi đầu ra chưa được tổ chức tốt.

Bộ trưởng thẳng thắn nhìn nhận, khâu chế biến và phát triển thị trường của ngành nông nghiệp Việt Nam còn yếu, chuỗi giá trị chế biến còn tách rời sản xuất với thị trường. Đó là một trong những nguyên nhân xảy ra việc "giải cứu" hết nông sản này đến nông sản khác.

Cung vượt quá cầu, chế biến cách lìa với sản xuất, tổ chức thị trường yếu kém, không có sự liên kết giữa giống, chăn nuôi, giết mổ,… đã dẫn tới khủng hoảng thừa nông sản thời gian vừa qua, Bộ trưởng Cường nhấn mạnh.

Mới đây, Bộ NN&PTNT đã chính thức thành lập Cục Chế biến và Phát triển Thị trường. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Cục là giúp điều phối các hoạt động phát triển thị trường, là đầu mối quản lý về chế biến, bảo quản nông sản.

Tại cuộc gặp với các doanh nghiệp tiêu biểu trong lĩnh vực nông nghiệp vừa diễn ra tại Hà Nội, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lại Xuân Môn cho rằng, vấn đề liên kết trong nông nghiệp ngày càng trở lên rất quan trọng. Nếu để hộ nông dân cá thể không thể làm được điều này. Mặt khác, doanh nghiệp cũng rất khó tổ chức sản xuất quy mô lớn. Nếu không có vùng nguyên liệu, doanh nghiệp phải thu gom nông sản thô, nên rất bị động, sản phẩm không đồng đều, số lượng, chất lượng hàng hóa bấp bênh…

Do vậy, theo ông Lại Xuân Môn, cần phải có sự liên kết chặt chẽ giữa nông dân với nông dân và nông dân với doanh nghiệp để xây dựng các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, loại bỏ bớt tác nhân trung gian giữa người sản xuất và doanh nghiệp, rút ngắn độ dài của kênh tiêu thụ, mang lại hiệu quả kinh tế cho cả nông dân, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Tìm đường xuất ngoại

Lãnh đạo ngành nông nghiệp cho rằng, ngoài việc hướng vào sản xuất những sản phẩm có tiềm năng, lợi thế, ngành nông nghiệp cần chú trọng vào khâu tìm hiểu thị trường, sản xuất đúng những mặt hàng mà người tiêu dùng cần, đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm.

Tại sao trong thời gian gần đây chúng ta sợ bị mất thương hiệu trên sân nhà trong xu thế hội nhập? Bộ trưởng Cường kể câu chuyện về nhiều lô hàng nông sản đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của các cơ quan kiểm định trong nước, được xuất đi nhưng vẫn bị đối tác nước ngoài trả về, hoặc thịt heo dán nhãn GAP bị phát hiện tồn dư chất cấm... Tình trạng đó cho thấy một lỗ hổng lớn trong việc kiểm soát an toàn thực phẩm, đe dọa nghiêm trọng uy tín thương hiệu của thực phẩm Việt, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trên thị trường quốc tế và trong nước.

Do đó, "tư lệnh" ngành nông nghiệp lưu ý, muốn có thương hiệu, tiêu chí đầu tiên phải là an toàn, vì đây là mối quan tâm hàng đầu của người Việt hiện nay.

Công nghiệp thực phẩm là một trong những ngành hàng có tiềm năng lớn của Việt Nam, nhưng tại sao trong khi nhiều nước châu Á đã xây dựng thành công nhiều thương hiệu thực phẩm có vị trí vững chắc tại thị trường thế giới thì các sản phẩm của Việt Nam chưa có chỗ đứng? Đây là câu hỏi đặt ra cho ngành nông nghiệp một thời gian dài nhưng hiện vẫn chưa có lời giải đáp thỏa đáng.

Trong Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2017-2020, Bộ NN&PTNT nêu rõ: cần nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nông sản, gắn với tiêu thụ sản phẩm, hướng đến xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa, phát triển nông nghiệp bền vững.

Để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, hướng đến nền nông nghiệp hiện đại có giá trị gia tăng cao và phát triển bền vững trong chuỗi giá trị nông sản toàn cầu.

Trong đó, một trong những giải pháp trọng tâm của ngành nông nghiệp trong 5 năm tới là tổ chức lại sản xuất: Tiến hành rà soát, đánh giá tình hình thực hiện chiến lược, quy hoạch phát triển các ngành, sản phẩm, đánh giá nhu cầu thị trường (cả trong nước và quốc tế); điều chỉnh lại quy mô sản xuất phù hợp. Tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị khép kín, gắn sản xuất nguyên liệu với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, giảm bớt các khâu trung gian nhằm hạ giá thành sản phẩm.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cũng sẽ tập trung phát triển thị trường: Phát triển các kênh phân phối bán buôn, bán lẻ để phát triển mạnh thị trường nội địa; tăng cường tuyên truyền, đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động "Người Việt dùng hàng Việt". Tích cực đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu, giữ ổn định các thị trường truyền thống, tìm kiếm và mở rộng các thị trường tiềm năng; hạn chế thấp nhất sự phụ thuộc vào một thị trường nhất định.

Trong 5 năm qua, Việt Nam đã xuất khẩu chính ngạch 70 triệu tấn nông sản, nếu cộng cả phi chính ngạch thì lên đến trên 100 triệu tấn nông sản giá trị 140 tỷ USD, thặng dư xấp xỉ 43 tỷ USD, theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường./.

Trần Ngọc/VOV.VN

Các tin mới:

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang