• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Mất mùa thì chết, mà được mùa cũng chết!

Nguồn tin:  Báo Nghệ An, 11/07/2017
Ngày cập nhật: 12/7/2017

Nông sản rớt giá, ế ẩm. Đến nỗi, một lãnh đạo của Sở NN&PTNT phải chua xót nói: 'Nếu nông nghiệp mất mùa thì chết, mà được mùa cũng chết!.

Nông sản “đua nhau rớt giá”

“Giải cứu nông sản” - chỉ cần gõ cụm từ này trên hệ thống tìm kiếm của google, sau chưa đầy 1 giây đã xuất hiện 1.140 nghìn kết quả. Đi cùng với những bài viết “giải cứu” luôn là tình trạng xuống giá, ế thừa các sản phẩm nông nghiệp.

Bình ổn giá, một hình thức "giải cứu" thịt lợn được nhiều địa phương tổ chức. Ảnh tư liệu

Mọi thứ càng đáng “quan ngại” hơn khi giá lợn hơi rớt thê thảm từ cuối tháng 3/2017 và đến nay vẫn chưa “ngoi lên” được. Giá lợn hơi từ 60.000 đồng/kg giảm xuống 34.000 đồng/kg người dân đã kêu lỗ và rồi có thời điểm giảm xuống 15.000 đồng/kg mà vẫn ít thương lái tìm mua.

Đến nay, giá có nhích lên khoảng 19.000 - 22.000 đồng/kg lợn hơi nhưng với giá đó, “nuôi lợn chỉ có... lỗ”.

Tình trạng lợn hơi rớt giá thê thảm là thực trạng chung của cả nước. Việc “giải cứu” lợn được các cấp ngành và Chính phủ vào cuộc, rà soát tổng thể từ quy hoạch đến tổ chức sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm…

Trên địa bàn Nghệ An, hầu hết các trang trại, gia trại, hộ chăn nuôi lợn cũng rơi vào tình cảnh khó khăn khi giá lợn xuống thấp và ế. Việc giải cứu lợn được người dân các địa phương tham gia bằng việc chung nhau “đụng lợn”.

Nhưng hoạt động này không mấy hiệu quả như việc giải cứu hành tăm trước đó của các tổ chức đoàn thể ở các huyện Nghi Lộc, Đô Lương… Bởi một con lợn, có khi cả làng ăn mới hết và không thể ngày nào cũng ăn thịt.

Còn tại huyện Yên Thành, vịt thịt cũng rớt giá thê thảm. Từ chỗ 46.000 đồng/kg, nay chỉ còn 18.000 - 22.000 đồng/kg, khiến các hộ nuôi ngán ngẩm.

Huyện Yên Thành hiện có khoảng 59.000 con vịt, do giá giảm mạnh, tiêu thụ chậm, khiến người chăn nuôi lỗ nặng. Ảnh: Xuân Hoàng

Ông Ngô Trí Hà - Chủ trang trại chăn nuôi vịt ở xã Nam Thành, vừa là Chủ tịch Hội Kinh tế trang trại huyện Yên Thành cho biết: Những năm qua trang trại, gia trại chăn nuôi vịt trên địa bàn huyện phát triển mạnh, tổng đàn vịt lên tới 59.000 con.

Trong bối cảnh vịt rớt giá, các hộ cuống cuồng xuất bán nhưng tiêu thụ rất chậm. Gia đình ông Hà chọn cách giải cứu vịt bằng cách huy động con trai dùng ô tô tải loại nhỏ vận chuyển trứng và vịt bán ở các huyện miền núi.

Giá tại chuồng 22.000 đồng/kg, vận chuyển lên các huyện Tương Dương, Kỳ Sơn, Con Cuông… bán với giá 27.000 đồng/kg. Không có lãi, nhưng vịt của gia đình ông và nhiều hộ khác trong xã được giải cứu, kịp thời thu hồi nguồn vốn đầu tư giống, thức ăn, điện nước...

Trở lại với thị trường năm nay, vào chính vụ thu hoạch chanh leo ở Quế Phong, đồng bào trồng loại cây này và chính quyền huyện đã phải gửi kiến nghị lên tỉnh và đơn vị ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm là Công ty CP Chanh leo Nafoods khi giá thu mua chỉ 4.000 đồng/kg, trong khi năm trước giá từ 9.000 - 10.000 đồng/kg. Cùng thời điểm này, giá thị trường của chanh leo là trên 20.000 đồng/kg.

Trang trại chăn nuôi lợn gia công của ông Lê Mạnh Hùng ở xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ. Ảnh: P.V

Rất may, phía Công ty CP Chanh leo Nafoods đã kịp thời “giải cứu”, điều chỉnh giá thu mua bình quân (không phân loại) 8.000 đồng/kg.

Nhưng điều đáng băn khoăn là diện tích chanh leo mới chỉ trồng được 280 ha, bằng 19% vùng nguyên liệu quy hoạch được phê duyệt. Và đây là cây được kỳ vọng giúp đồng bào vùng biên thoát nghèo, làm giàu. Chính vì vậy, bà con trồng chanh leo thực sự lo lắng về tương lai đầu ra của sản phẩm.

Ai chịu trách nhiệm?

Trước hết, chính những người trồng trọt, chăn nuôi bị thiệt hại do rớt giá. Nhưng cũng chính bởi họ chưa nhận biết rõ quy luật khắc nghiệt cung - cầu, năm nay thấy cây, con gì bán chạy là năm sau đua nhau trồng, dẫn đến cung vượt cầu.

Đề cập đến thực tế trên, ông Nguyễn Vương Ngọc - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành cho biết: “Không có cách nào khác là người chăn nuôi phải tìm cách để tự “giải cứu”, bởi chính quyền cấp huyện không có giải pháp nào”.

Qua trao đổi, ông Ngô Phú Hàn - Chủ tịch UBND huyện Hưng Nguyên cho rằng: “Ngay cả tỉnh cũng khó kêu gọi doanh nghiệp vào ký kết thu mua nông sản chứ không phải cấp huyện”.

Còn ông Nguyễn Bá Thức - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Tân Kỳ cho rằng: “Trước tình cảnh giảm giá mạnh, người chăn nuôi phải liên kết với các công ty, doanh nghiệp chế biến thực phẩm. Tuy nhiên, để liên kết được với các công ty không phải trang trại, gia trại nào cũng làm được…”.

Thanh niên huyện Đô Lương "chung tay tiêu thụ hành tăm" giúp bà con nông dân. Ảnh: Hữu Hoàn

Đem những băn khoăn về khó tìm đầu ra cho nông sản đến các sở, ngành, phía Liên minh Hợp tác xã cho biết, toàn tỉnh có 616 HTX, trong đó có 430 HTX DV Nông nghiệp, cũng chỉ dừng ở việc cung ứng đầu vào cho xã viên và nông dân, chưa vươn lên lo được đầu ra.

Sở Công Thương thì khẳng định tổ chức rất nhiều hội chợ, tích cực kết nối cung - cầu nhưng chưa có nhiều doanh nghiệp mặn mà lo đầu ra cho nông sản và chưa có doanh nghiệp mạnh trên lĩnh vực này.

Còn Sở NN&PTNT với vai trò chính trong trong chỉ đạo xây dựng quy hoạch, tổ chức sản xuất… cũng thừa nhận công tác dự báo thị trường hạn chế. Bởi vậy, một lãnh đạo Sở NN&PTNT phải chua xót chia sẻ: “Nếu nông nghiệp mất mùa thì chết, mà được mùa cũng chết!”.

Khủng hoảng thừa như vậy, doanh nghiệp chưa mặn mà làm ăn với nông dân, còn chính quyền các cấp lại thiếu thông tin thị trường định hướng, cho nên người dân vẫn phải “tự bơi”.

Thế nhưng trong báo cáo, các ngành, huyện luôn có điệp khúc: “Đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp, cho nông dân đi học tập mô hình, đưa giống cây, con chất lượng cao vào sản xuất, tăng giá trị…”.

Song thực chất các doanh nghiệp đang chỉ mạnh “đầu vào”, cung ứng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, phương tiện canh tác, còn đầu ra thì bỏ ngỏ, ngoại trừ một số sản phẩm có sự liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp như: mía, chè, chanh leo, sắn.

Nhiều ý kiến cho rằng, do toàn dân tập trung giải cứu lợn nên dẫn đến vịt, gà… hạ giá, thậm chí ế. Nhưng nhìn thẳng vào thực tế và quy luật thị trường, đó là cung vượt quá cầu.

Điển hình như cách đây 5 năm, hành tăm được mùa và giá chính vụ có khi 70.000 đồng/kg, thấy vậy, người dân các huyện Nghi Lộc, Đô Lương, Yên Thành, Thanh Chương, Nam Đàn… thi nhau trồng hành tăm. Cách đây 2 năm, giá hành tăm xuống còn 25.000 - 30.000 đồng/kg nhưng bà con vẫn không “ngộ ra”, còn các ngành, chính quyền không có khuyến cáo. Còn năm nay giá hành tăm chỉ từ 8.000 - 12.000 đồng/kg, người trồng phải nhờ đến sự giải cứu của đoàn thanh niên, hội phụ nữ…

Còn chính quyền các cấp cũng chỉ chăm chăm hỗ trợ đầu vào, hô hào áp dụng kỹ thuật tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng giá trị trên đơn vị diện tích nhưng khi được hỏi đầu ra như thế nào? Hầu hết lãnh đạo các huyện, phòng nông nghiệp, lãnh đạo xã lắc đầu: Khó lắm, kêu gọi nhưng chưa có doanh nghiệp vào!

Nhóm PV

Các tin mới:

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang