• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Khởi nghiệp từ sự trăn trở...

Nguồn tin:  Báo Đồng Tháp, 15/06/2017
Ngày cập nhật: 16/6/2017

Được đi nhiều nơi, nhận thấy nông dân các nước có thể làm giàu từ nông nghiệp còn ở quê mình cứ tái diễn cảnh “được mùa mất giá”, anh Phạm Tấn Tổng (xã Tân Mỹ, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) đã quyết tâm tìm hiểu, nghiên cứu và đầu tư nhà máy sấy nông sản. Theo anh, sấy nông sản để qua thời điểm giá thấp là giải pháp tối ưu giúp nông dân cải thiện về giá.

Anh Phạm Tấn Tổng kiểm tra quy trình sấy khổ qua tại nhà máy

“Lấp Vò là một trong những vùng trồng ớt khá lớn của tỉnh với sản lượng ớt thu hoạch hàng năm hàng chục tấn/năm, nhưng phần lớn ớt chỉ phơi nắng trên sân bãi để bán sang Trung Quốc. Với phương pháp sơ chế này, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được đảm bảo. Giá ớt bình quân 12.000 - 13.000 đồng/kg, có lúc lên tới 20.000 - 25.000 đồng/kg, nông dân có thể lời gấp 5 - 6 lần trồng lúa, nhưng với cách trồng, phơi khô ngoài trời thì khó mở thêm thị trường khác. Chỉ có sấy là giải pháp thoát khỏi tình trạng này và việc cải thiện giá cả cũng rất khả quan” - anh Tổng tin như vậy khi lên ý tưởng và quyết định đầu tư nhà máy sấy.

Anh Tổng cho biết đã nung nấu ý tưởng xây dựng nhà máy sấy nông sản cách đây hơn 10 năm, khi còn làm ở Công ty xuất nhập khẩu thủy sản Đồng Tháp nhưng lúc đó chưa có điều kiện để thực hiện. Rời công ty, chuyển sang công việc khác nhưng anh Tổng vẫn luôn ấp ủ ý tưởng xây dựng nhà máy sấy trên quê hương.

Năm 2016, được bạn bè giới thiệu về công nghệ sấy nông sản, tìm hiểu thêm trên internet, anh nhận thấy đây là mô hình thích hợp và là thời cơ tốt để đầu tư, bởi thị trường tiêu thụ nhiều tiềm năng, phù hợp với điều kiện ở vùng quê. Cũng ngay trong năm 2016, được Trung tâm Khuyến công tạo điều kiện hỗ trợ 350 triệu đồng kinh phí xây dựng nhà xưởng, anh Tổng quyết định vay thêm vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Với diện tích 3.000m2, anh đầu tư 5 tỷ đồng xây dựng nhà xưởng và mua máy móc. Nhà máy sấy được hình thành tại ấp Tân Thuận B, xã Tân Mỹ, huyện Lấp Vò với tên Nhà máy chế biến - sấy ớt và rau quả.

Khi bắt tay vào thực hiện mô hình, anh gặp không ít khó khăn do giá nguyên liệu không ổn định, nhiều hợp đồng đã ký nhưng thời điểm đó giá nguyên liệu lên đột ngột, chi phí sấy không đủ bù vào chi phí hợp đồng với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, máy móc đầu tư cũng chưa đáp ứng được yêu cầu của các đơn đặt hàng mới buộc phải thuê thêm người làm thủ công. Những tháng đầu, cơ sở sản xuất gần như hòa vốn, thậm chí lỗ tiền thuê nhân công, nhưng anh đành chấp nhận để giữ chữ tín với khách hàng.

Nhờ giữ uy tín, thời gian qua, cơ sở của anh Tổng nhận được nhiều đơn đặt hàng sấy nông sản trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, theo anh Tổng, hiện nhà máy chỉ đang trong giai đoạn thử nghiệm và tìm kiếm hợp đồng sấy phù hợp, chủ yếu là các loại nông sản tại địa phương như: ớt, chanh, khổ qua... Bên cạnh sấy gia công các sản phẩm theo đơn đặt hàng, nhà máy của anh Tổng còn nghiên cứu sấy thử các sản phẩm mới để giới thiệu, quảng bá đến khách hàng.

Nói về dự định kinh doanh sắp tới, anh Tổng cho biết, sẽ đầu tư thêm trang thiết bị máy móc cho các mặt hàng chủ lực, bên cạnh đó, sẽ liên hệ với địa phương mở rộng bao tiêu vùng nguyên liệu cho nông dân trồng ớt, quy mô khoảng 100ha, theo hình thức rải vụ và có hợp đồng liên kết ổn định.

Anh Tổng chia sẻ: “Dự định bên cạnh bao tiêu vùng nguyên liệu ớt ở Lấp Vò, tôi sẽ nghiên cứu sấy thêm các sản phẩm nông sản mới trên địa bàn nhằm góp phần bảo quản, tạo kênh tiêu thụ mới cho nông dân. Tuy nhiên, do nguồn vốn chưa đủ nên cơ sở chủ yếu chỉ đang dừng lại ở việc sấy gia công... Nếu được Nhà nước quan tâm hỗ trợ vốn, tôi tin rằng cơ sở cũng góp phần giải quyết một lượng lớn nông sản địa phương, tránh khỏi tình trạng được mùa mất giá...”.

Thảo Vy

Các tin mới:

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang