• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

"Tiến sĩ nông dân" và giấc mơ nông nghiệp sạch

Nguồn tin:  Báo Quảng Bình, 28/05/2017
Ngày cập nhật: 30/5/2017

Trên diện tích 15ha thuộc xã Lộc Ninh (thành phố Đồng Hới), một trang trại xanh đã mọc lên với nhiều chủng loại rau củ, trái cây. Chủ nhân của trang trại là tiến sĩ Trần Thế Hùng, Trưởng khoa Nông - Lâm - Ngư, Trường đại học Quảng Bình. Giấc mơ về một nền nông nghiệp sạch đã thôi thúc anh đưa những kiến thức từ giảng đường đại học ra cánh đồng. Từ đây, những sản phẩm của trang trại đã đến tay người tiêu dùng cùng với niềm tin, sự an tâm trong bối cảnh nỗi lo về an toàn vệ sinh thực phẩm đang từng ngày bủa vây.

Biến đất hoang thành trang trại xanh

Sản phẩm của trang trại được bán tại siêu thị sinh viên Trường đại học Quảng Bình.

Tiến sĩ (T.S) Trần Thế Hùng sinh năm 1979 trong gia đình có bố mẹ công tác trong ngành lâm nghiệp. Ngay từ bé, anh đã được gắn bó cùng cỏ cây và chứng kiến niềm say mê của bố mẹ trong nghề nghiệp. Khi vừa học xong năm thứ nhất tại Đại học Lâm nghiệp Hà Nội, với kết quả học tập xuất sắc, anh được cử đi du học tại Cộng hòa Liên bang Nga. Năm 2004, anh hoàn thành chương trình thạc sĩ và về nước, công tác tại Trường đại học Quảng Bình. Từ năm 2006 đến năm 2009, anh tiếp tục hoàn thành chương trình tiến sĩ tại Cộng hòa Liên bang Nga.

Với những gì được học và cương vị mình đang nắm giữ, anh đã và đang truyền kiến thức và niềm đam mê của mình cho nhiều thế hệ sinh viên. Thế nhưng anh có giấc mơ lớn hơn thế, đó là có một trang trại của riêng mình, nơi anh có thể thỏa sức sáng tạo và là nơi sinh viên có thể tham quan, thực tập, tìm hiểu kiến thức thực tế. Nghĩ là làm, năm 2016, sau bao nỗ lực, anh đã hoàn thành thủ tục thuê 15 ha đất để bắt tay vào thực hiện giấc mơ của mình.

15 ha đất được chia thành ra để canh tác nhiều loại rau củ quả gồm: dưa hấu 6 ha, ngô 4 ha, táo lai lê Đài Loan 1 ha, còn lại là các diện tích măng tây, mướp đắng, dưa lê, dưa lưới Thái Lan, mít Thái... Cả một cánh đồng rộng lớn được quy hoạch khoa học xanh mướt các loại rau củ quả. Nhiều loại trong số này đã và đang cho thu hoạch như dưa hấu, dưa lê, ngô...

Khi chúng tôi đến trang trại, TS Trần Thế Hùng đang cùng 5 lao động chăm sóc vườn măng tây. Được biết đây là mô hình măng tây đầu tiên được triển khai tại Quảng Bình với sự hỗ trợ và phối hợp của Sở Khoa học - Công nghệ. Hiện cây măng tây đã phát triển khá tốt. Quá trình chăm sóc, vừa áp dụng những kiến thức được học, anh vừa nghiên cứu đặc điểm đất đai, thời tiết để có sự điều chỉnh kịp thời. Để bảo đảm cho loài cây mới mẻ này phát triển tốt, tự tay anh chăm sóc và hướng dẫn kỹ lưỡng cho mọi người.

Không chỉ có măng tây, dưa lưới, mít Thái Lan, thậm chí cả cây dưa hấu, cây ngô... vẫn phải vất vả chống chịu với điều kiện khắc nghiệt của thời tiết cũng như đặc điểm giữ ẩm kém của loại đất cát pha. Để duy trì màu xanh và sức sống cho các loài cây, trang trại đã được lắp đặt hệ thống vòi phun tự động. Số lao động phục vụ trang trại thời kỳ thấp điểm là 8 lao động, khi vào vụ thu hoạch hoặc giai đoạn tập trung chăm sóc, hỗ trợ cho cây sinh trưởng hiệu quả, trên 20 lao động. Mỗi lao động ở trang trại được trả lương với mức từ 4 đến 6 triệu đồng/tháng.

Bằng sự nỗ lực không ngừng nghỉ của người được trang bị và tiếp thu khoa học kỹ thuật hiện đại, sự chăm chỉ, yêu đất, yêu cây của người nông dân, đến thời điểm này, TS Trần Thế Hùng đã sở hữu một trang trại xanh với tương lai hứa hẹn những vụ mùa bội thu.

Giải bài toán đầu ra

Những năm qua, nông sản Việt Nam luôn phải đối mặt với điệp khúc cũ kỹ “được mùa rớt giá”. Cùng đó, từ “giải cứu” đã trở thành một từ ngữ quen thuộc mỗi khi một loại nông sản nào đó vào mùa thu hoạch. Khi bắt tay vào xây dựng trang trại, TS Trần Thế Hùng cũng không tránh khỏi những âu lo, trăn trở.

“Giải “bài toán” tìm đầu ra cho sản phẩm trong bối cảnh thị trường có nhiều diễn biến khó lường là điều bất cứ ai tham gia sản xuất cũng phải đối mặt, trong đó có cả tôi. Đối với cây dưa hấu, tôi không phụ thuộc hoàn toàn vào việc xuất đi các thị trường phía bắc, mà hiện tôi có kênh bán lẻ khá hiệu quả. Một trong những kênh đó là siêu thị sinh viên của Trường đại học Quảng Bình.

Sản phẩm thu hút đông khách hàng đến từ khắp nơi trong thành phố không chỉ bởi chất lượng bảo đảm, mà quan trọng nhất là niềm tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm khi họ nắm rõ quy trình sản xuất. Và để tránh tình trạng thu hoạch ồ ạt dẫn đến khó khăn trong tiêu thụ, quá trình sản xuất, tôi luôn điều chỉnh thời gian thu hoạch ngay từ bước gieo trồng nhằm bảo đảm thu hoạch đến đâu, tiêu thụ hết đến đó...”, anh Hùng chia sẻ.

Với mức đầu tư 50 triệu đồng cho 1 ha dưa hấu, năng suất mang lại khoảng 20 tấn. Trừ chi phí, anh thu lãi khoảng 50 triệu đồng, gấp nhiều lần so với trồng lúa hay một số loại cây truyền thống khác.

Bên cạnh cây dưa hấu là sản phẩm truyền thống của địa phương, tại trang trại hiện có nhiều sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng và tiêu thụ tốt ở hệ thống siêu thị và các cửa hàng rau sạch trên địa bàn, như: măng tây, dưa lê, dưa lưới, mít Thái Lan...

Tiến sĩ Trần Thế Hùng hướng dẫn người lao động chăm sóc cây măng tây.

Trong bối cảnh người tiêu dùng đang sống trong nỗi lo âu về thực phẩm bẩn, sản phẩm của trang trại bước đầu đã được đón nhận. Trên diện tích 15ha, anh Hùng cũng đã quy hoạch khoa học nhằm bảo đảm “mùa nào thức nấy” để cung cấp sản phẩm cho khách hàng. Song song với quá trình sản xuất, anh đang đồng thời tiến hành các bước để sản phẩm được cấp chứng chỉ Vietgap. Bước tiếp theo là mở cửa hàng thực phẩm sạch, đưa sản phẩm có mặt trong các siêu thị trên địa bàn nhằm xây dựng tương lai ổn định cho trang trại, đáp ứng đầy đủ yêu cầu của người tiêu dùng trong tương lai.

Nắm bắt nhu cầu thị trường với tư duy đón đầu, hiện trang trại đang cung cấp cây ngô để làm thức ăn cho dự án nuôi bò của Tập đoàn Hòa Phát tại huyện Bố Trạch. 4ha diện tích ngô đã và đang cho thu hoạch, bảo đảm đất quay vòng nhanh và hiệu quả trên từng diện tích.

Giấc mơ nông nghiệp sạch

Chăn nuôi dê để cung cấp dê thịt cho thị trường, nuôi gà theo phương pháp hữu cơ lấy trứng và các loại gà đặc sản, như: gà Đông Tảo, gà Hồ... là những kế hoạch TS Nguyễn Thế Hùng đang bắt tay vào thực hiện. Đối với cây dưa hấu, là loại cây kén đất, anh đang tiến hành trồng thử nghiệm cây dưa hấu ghép với cây bầu để có sản xuất liên tục các vụ dưa trên một diện tích đất.

Bên cạnh việc sử dụng những kiến thức được trang bị, quá trình sản xuất, anh tuân thủ triệt để quy trình bón phân, chăm sóc, thu hái... “Khi bắt tay vào xây dựng trang trại, tôi nhận được không ít lời can gián của người thân và bạn bè bởi những khó khăn trong sản xuất và thị trường tiêu thụ của các loại nông sản. Nhưng trước vấn nạn thực phẩm bẩn đang hàng ngày ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, tôi muốn những kiến thức của mình không chỉ hữu ích trên giảng đường đại học, mà nó sẽ góp phần mang lại nguồn thực phẩm sạch cho mọi người.

Dù khởi đầu có nhiều khó khăn, nhưng hiện tại, cùng với một số sản phẩm đã cho thu hoạch, như: dưa hấu, dưa lê, mướp đắng, sắp tới là măng tây và các loại cây ăn quả, tôi tin mình đã lựa chọn đúng. Và không dừng lại ở đó, trang trại của tôi hiện là địa chỉ tham quan của sinh viên Trường đại học Quảng Bình và những người gắn bó với nông nghiệp! Tôi cũng biết mình sẽ còn phải đương đầu với nhiều khó khăn, nhưng nếu thấy khó mà ngại làm, thì sẽ chẳng có giấc mơ nào có thể trở thành hiện thực!”, anh tâm sự.

Và cùng với giấc mơ nông nghiệp sạch, Tiến sĩ Trần Thế Hùng cũng đang nhen nhóm một giấc mơ lãng mạn, đó là từ trang trại xanh với hồ nước tuyệt đẹp, rừng tràm và bãi cát, tương lai sẽ có những tour du lịch ngắn cho những người có nhu cầu.

“Cắm trại bên hồ, chèo thuyền kayak, tự tay thu hái và chế biến các loại rau củ, thịt gà, thịt dê..., sẽ là những phút giây thư giãn tuyệt vời sau những ngày làm việc căng thẳng của mọi người. Đó cũng là một phần quan trọng trong giấc mơ của tôi!”, anh Hùng chia sẻ.

Ngọc Mai

Các tin mới:

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang