• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nhiều khó khăn cho nông dân! - Bài cuối: Để ngành Nông nghiệp phát triển vững chắc

Nguồn tin:  Báo ảnh Đất Mũi, 23/05/2017
Ngày cập nhật: 24/5/2017

Hướng dẫn nông dân chủ động thay đổi phương thức sản xuất; quy hoạch vùng, chọn đối tượng nuôi trồng phù hợp; liên kết chuỗi sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, hướng đến sản xuất sản phẩm sạch, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường... Giải pháp tháo gỡ khó khăn trong thời gian tới cơ bản đã có, nhưng vấn đề đặt ra là triển khai thế nào để đạt hiệu quả, để ngành Nông nghiệp có những bước phát triển vững chắc, để không còn những “chiến dịch giải cứu” nông sản cho nông dân.

Bà con Ấp 19/5 cùng cán bộ xã Khánh Bình thăm đồng lúa thuộc Cánh đồng lớn.

Cần thắt chặt hơn “liên kết 4 nhà”

Thông tin từ Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư tỉnh, từ năm 2012 - 2016, Trung tâm đã triển khai thực hiện Cánh đồng lớn với quy mô diện tích 13.028,7ha, có 10.153 hộ tham gia, tại 54 điểm thuộc các địa phương vùng ngọt gồm 3 huyện: Thới Bình, U Minh, Trần Văn Thời và TP. Cà Mau. Hiệu quả mang lại từ mô hình Cánh đồng lớn là một trong những lời giải cho câu hỏi vì sao cần phải liên kết “4 nhà”: Nhà nông - Nhà nước - nhà khoa học và nhà doanh nghiệp.

Có mặt tại Cánh đồng lớn Ấp 19/5, xã Khánh Bình (huyện Trần Văn Thời) vào buổi sáng sớm, đâu đâu cũng gặp hình ảnh nông dân tất bật ra đồng làm đất, nhổ cỏ, chăm sóc mạ non chuẩn bị cho vụ gieo cấy lúa hè thu. Chỉ tay về đám mạ non vươn lên xanh rì, ông Trần Văn Cảnh, Tổ trưởng Tổ hợp tác Tân Tiến, cho biết: “Năm nay, dù gặp chút bất lợi về thời tiết, tuy nhiên đến thời điểm này, hầu hết bà con đã xuống giống, mạ đã được 5 - 10 ngày tuổi. Từ khi tham gia Cánh đồng lớn, thấy hiệu quả thiết thực từ mô hình, bà con rất phấn khởi, tích cực hưởng ứng, tuân thủ các quy định đã đề ra như: Bơm nước, sạ lúa, phun thuốc trừ sâu bệnh đồng loạt... nhằm hạ thấp chi phí và nâng cao năng suất lúa”. Ông Dương Minh Sang, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Bình: “Từ việc thí điểm mô hình Cánh đồng mẫu lớn ban đầu với 92ha, đến nay đã nhân rộng trên 900ha. Dưới sự hướng dẫn của Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành và chính quyền địa phương, đến nay Cánh đồng lớn đã đi vào cuộc sống người dân và phát huy hiệu quả tích cực, góp phần giảm chi phí, tăng năng suất sản lượng lúa từ 4 tấn lên 6 - 7 tấn/ha/năm”.

Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh năng suất cao của anh Trương Nhựt Thành duy trì hiệu quả cao từ năm 2016 đến nay.

Có thể nói, Cánh đồng lớn là hướng đi tương đối bền vững trong sản xuất nông nghiệp, bởi tạo được sự liên kết giữa “4 nhà” và giữa nông dân với nhau, tạo ra khả năng tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tốt hơn, lợi nhuận đạt được cũng cao hơn. Hiện nay, việc phối hợp này đã có, song điều băn khoăn nhất của người dân hiện nay là mối quan hệ giữa nông dân và doanh nghiệp vẫn chưa chặt, do một số nguyên nhân khách quan. Ông Trần Văn Cảnh nhận định: “Đã qua, có doanh nghiệp đến gặp dân hợp đồng mua lúa lâu dài, giá cả hợp lý, thậm chí cao hơn lái hàng sáo từ 100 - 200 đồng/kg, song doanh nghiệp đặt ra điều kiện là nông dân phải vận chuyển lúa đến tận kho của doanh nghiệp, với điều kiện này nông dân không thể đáp ứng nên đành chấp nhận bán cho lái hàng sáo, bởi họ đến tận nhà hộ dân thu mua”.

Như vậy, để phát triển bền vững nền nông nghiệp nói chung và mô hình Cánh đồng lớn nói riêng, “cái bắt tay” thật chặt giữa “4 nhà”, nhất là nhà doanh nghiệp và nhà nông, hiện nay là điều vô cùng cần thiết.

Nâng cao năng suất, chất lượng từ ứng dụng khoa học, công nghệ

Con tôm và cây lúa là hai nông sản chủ lực của Cà Mau. Trong những năm qua, tỉnh đã đẩy mạnh thực hiện các chương trình, dự án ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, thủy sản thông qua nhiều hình thức, như: Xây dựng mô hình trình diễn, nhân rộng các mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao; mở các lớp tập huấn, dạy nghề nhằm làm thay đổi cách nghĩ, cách sản xuất của bà con nông dân, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích đất canh tác.

Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh năng suất cao tại ấp Tân Thành, xã Tân Duyệt (huyện Đầm Dơi) với trên 50 hộ dân tham gia, sau một thời gian thực hiện thí điểm, cho thấy đây là mô hình mở ra hướng đi mới, nhiều triển vọng cho bà con. Anh Trương Nhựt Thành, hộ tham gia mô hình, chia sẻ: “Với sự hướng dẫn, hỗ trợ vốn và kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh và Phòng Nông nghiệp huyện, cùng kinh nghiệm tích lũy sau nhiều năm nuôi tôm công nghiệp, bản thân đã áp dụng thành công mô hình này và hiệu quả được duy trì từ năm 2016 đến nay. Tuy chi phí đầu tư ban đầu lớn, nhưng hiệu quả cũng như sản lượng tôm đạt khá cao, lợi nhuận gấp nhiều lần so nuôi tôm công nghiệp thông thường. Theo tôi, mô hình có thể nhân rộng để bà con cùng thực hiện”. Từ hiệu quả mang lại của mô hình, tính đến nay, toàn huyện Đầm Dơi đã phát triển được 99,9ha nuôi tôm công nghiệp thâm canh năng suất cao (bằng phương pháp trải bạt), với 120 hộ dân tham gia, năng suất đạt trên 30 tấn/ha/vụ nuôi, đạt khoảng 100 - 120 tấn/ha/năm, gấp khoảng 10 - 15 lần năng suất tôm công nghiệp thông thường.

Trong chuyến đi khảo sát địa điểm dự kiến xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Năm Căn vào đầu tháng 5 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải cho rằng: Cà Mau là tỉnh có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn nhất nước, với khoảng 300.000ha, chiếm 28% diện tích nuôi trồng thủy sản cả nước, sản lượng đạt từ 150.000 - 170.000 tấn/năm; kim ngạch xuất khẩu hằng năm đạt từ 1 - 1,3 tỷ USD, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, nuôi trồng thủy sản của tỉnh vẫn còn bộc lộ hạn chế, khó khăn và thiếu tính bền vững do ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng; phát triển sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, khó quản lý; năng suất tôm nuôi trung bình còn thấp so với khu vực. Thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, với ngành hàng chủ lực là tôm, trong thời gian tới, Cà Mau tập trung xây dựng và phát triển các vùng chuyên canh quy mô lớn theo hình thức tập trung, trang trại, đạt các tiêu chuẩn phổ biến về an toàn vệ sinh thực phẩm. Khuyến khích đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến, bảo quản để tạo các sản phẩm chất lượng cao cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, tiếp tục nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ cao hiện đã triển khai có hiệu quả, như: Nuôi tôm lót bạt ứng dụng quy trình công nghệ cao, nuôi tôm công nghiệp có hố siphon, nuôi tôm công nghiệp 2 giai đoạn là mô hình nuôi tôm sú quảng canh cải tiến ít thay nước và mô hình nuôi tôm thẻ thâm canh năng suất cao... Và hiện nay, tỉnh cũng tạo điều kiện, kêu gọi cho doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao sản xuất tôm giống, nuôi siêu thâm canh và gia hóa tôm bố mẹ, như: Tập đoàn Việt - Úc, Công ty CP Thủy sản N.G Việt Nam... nhằm hình thành một số khu vực nuôi siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao.

Bên cạnh con tôm, Cà Mau có thêm một thế mạnh khác nữa là cây lúa. Việc chọn giống lúa và một số cây trồng, con giống có chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu đưa vào sản xuất cũng được các sở, ngành liên quan của tỉnh quan tâm vào cuộc, hỗ trợ nông dân trong quá trình sản xuất, nhằm tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường. Hiện nay, tại các địa phương vùng ngọt hóa: Huyện Trần Văn Thời, U Minh, Thới Bình và TP. Cà Mau đã triển khai thực hiện hiệu quả một số mô hình, như: Cánh đồng lớn thâm canh lúa cao sản, với diện tích 10.867ha, có 8.689 hộ tham gia; Cánh đồng luân canh lúa - tôm, diện tích 2.081,7ha, số hộ tham gia 1.378 hộ; Cánh đồng lớn đậu xanh 80ha, 86 hộ tham gia; Mô hình trồng dưa hấu VietGAP...

Thông tin từ Sở Khoa học và Công nghệ, hiện Sở cũng đã đề xuất Bộ xem xét, phê duyệt Dự án “Ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng và phát triển mô hình sản xuất lúa chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP cho hệ canh tác lúa - tôm tỉnh Cà Mau”. Theo đó, diện tích lúa ổn định đến năm 2020 của tỉnh là 313.500ha, trong đó lúa cao sản chất lượng cao trên 70ha và trên 51ha lúa với các giống lúa phù hợp thực hiện trên đồng lúa - tôm. Dự kiến, Dự án được thực hiện trong 36 tháng (từ tháng 5/2017 đến tháng 4/2020), tổng kinh phí trên 30 tỷ đồng. Nếu Dự án được triển khai thuận lợi, hứa hẹn cung ứng ra thị trường sản lượng lúa chất lượng cao, an toàn thực phẩm, có thể xâm nhập vào thị trường khó tính, phù hợp với nhu cầu hội nhập.

Các giải pháp để ngành Nông nghiệp tỉnh phát triển ổn định, bền vững, lâu dài đã được các sở, ngành, đoàn thể liên quan vào cuộc và chính nông dân, những người trực tiếp bắt tay thực hiện, sẽ góp phần quyết định cho sự thành công hay thất bại. Đã đến lúc người nông dân không thể sản xuất theo tập quán canh tác đơn lẻ, manh mún mà phải canh tác theo đúng quy trình hướng dẫn, có sự liên kết chặt chẽ “4 nhà” trong sản xuất, tiêu thụ. Quá trình này đòi hỏi tiến hành ngay từ bây giờ, chỉ có như thế mới giữ và đứng vững trên thương trường thời hội nhập và người nông dân không còn bị động chạy theo thị trường như hiện nay.

Loan Phương

Các tin mới:

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang