• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Sản xuất theo hợp đồng để không còn “giải cứu” nông sản

Nguồn tin:  Báo An Giang, 22/05/2017
Ngày cập nhật: 23/5/2017

“Đó là phương thức sản xuất tiên tiến nhất mà các nước phát triển đang làm. Sản xuất theo hợp đồng giúp nông dân (ND) biết sản phẩm làm ra bán cho ai, lời bao nhiêu. Nhà nước quản lý được quy hoạch để thúc đẩy sản xuất phát triển. Làm được việc này sẽ không còn chuyện “giải cứu” nông sản”- ông Châu Văn Ly, Chủ tịch Hội ND tỉnh, khẳng định.

Đầu ra ổn định

Trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, ND trong nước nói chung, An Giang nói riêng vẫn duy trì lối tư duy cũ, sản xuất mang tính tự phát, chạy theo phong trào. Cụ thể, thấy hàng xóm trồng cây gì, nuôi con gì bán có lời thì nhanh chóng làm theo, chẳng biết trồng ra sẽ bán cho ai, giá bao nhiêu, lời hay lỗ. “Năm 2003 - 2008, cá tra xuất mạnh sang các nước phát triển, người nuôi cá trong giai đoạn này lãi ít nhất từ 3.000 đồng/kg. Thấy nuôi cá lãi nhiều, các thành phần trong xã hội đều nhảy vào. Ai cũng nuôi cá tra mà không biết đến khi thu hoạch sẽ bán cho doanh nghiệp nào. Hậu quả, cung vượt cầu, tất cả đều phá sản…”- ông Doãn Tới, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Navico, nhớ lại.

Rau màu cũng cần sản xuất theo hợp đồng. Ảnh: Minh Hiển

Đi ngược với cách làm của nhiều ND trong tỉnh, một số ND ở TP. Long Xuyên đã tiến hành liên kết với Công ty TNHH Angimex-Kitoku (AKJ) để sản xuất lúa Nhậttừ năm 1996. Phương thức hợp tác, sản xuất theo đơn đặt hàng của công ty. Hai bên ký với nhau hợp đồng liên kết sản xuất ngay từ đầu vụ. AKJ đưa ra giá mua cho từng giống lúa để ND thảo luận. Sau đó tiến hành ký hợp đồng sản xuất. Như vậy, ngay khi ký hợp đồng, ND đã biết mình sản xuất ra 1 kg lúa lời bao nhiêu. “Đây là phương thức sản xuất tối ưu, giải quyết được tình trạng cung - cầu lệch pha nhau. 25 năm trồng lúa Nhật, chưa năm nào ND không bán được lúa. Khi tiến hành ký hợp đồng thì ND biết được vụ này mình lãi bao nhiêu. Nhà nước không phải cực công, tốn tiền để lo chuyện “giải cứu” nông sản”- bà Nguyễn Thị Bích Phượng, Chủ tịch Hội ND phường Mỹ Hòa (TP. Long Xuyên) khẳng định.

Kiểm soát quy hoạch

Sản xuất không theo hợp đồng đã làm phá vỡ một số quy hoạch của ngành Nông nghiệp. Nhà nước mất kiểm soát trên lĩnh vực điều tiết sản xuất, thất thu thuế rất lớn. Không ít ND thua lỗ vì tình trạng “thừa hàng, dội chợ”, giá bán dưới giá thành sản xuất. Khi lực lượng thương lái nhảy vào “làm chủ” cuộc chơi, người sản xuất lẫn người mua hàng hóa lại không định được giá bán. Chính thương lái là người quyết định, vì vậy cả người sản xuất lẫn tiêu dùng đều bị thiệt. “Miếng bánh” lợi nhuận được giới thương lái chia nhau. Đây là một nghịch lý của quá trình đi từ sản xuất tập trung quan liêu bao cấp lên sản xuất hàng hóa theo cơ chế thị trường”- ông Lê Thành Lập, nguyên Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh nhận định.

Hơn 20 năm qua, ND sản xuất lúa Nhật chẳng cần sự “giải cứu” của Nhà nước lẫn cộng đồng

Thương lái, xét dưới góc độ tích cực, đó là tác nhân để điều tiết cung-cầu. Tuy nhiên, nếu Nhà nước không quản lý được lực lượng này thì họ sẽ gây ra khó khăn cho nền sản xuất, bởi đa phần ND và thương lái hợp đồng với nhau bằng miệng. Khi giá có biến động thì 2 bên dễ nảy sinh “lòng tham”, từ đó dẫn đến bẻ kèo.

Sản xuất theo hợp đồng chính là tiền đề để Nhà nước quản lý được quy hoạch ngành hàng, hạn chế đến mức thấp nhất cung-cầu “lệch pha”. Về lâu dài, cả xã hội không phải lo việc “giải cứu” nông sản. Đây là hình thức tốt để loại trừ lực lượng thương lái làm ăn bất chính. Để sản xuất đi vào quỹ đạo chung, ngay từ bây giờ, bên cạnh việc tiếp tục vận động ND và doanh nghiệp đi vào con đường làm ăn hợp tác, các cơ quan chức năng cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện cơ chế, chính sách để trong trường hợp, bên nào bội tính thì bị phạt nặng. “Đa phần hợp đồng của ND ký với doanh nghiệp làm rất sơ xài, bởi hợp đồng không có tham vấn của luật sư, vì vậy khi có 1 bên bội tính, thưa ra tòa cũng rất khó phân xử”- Luật sư - Ths. Trần Ngọc Phước, Đoàn Luật sư An Giang, chia sẻ.

“Tính đến thời điểm này, lúa, cá tra, heo, dưa hấu, hành tím, thanh long do ND làm ra đều phải giải cứu. Nguyên nhân do ND không chịu hợp tác với Nhà nước. Trồng ào ạt, bán không được thì kêu. Để không lặp lại tình trạng này, ND cần ngồi lại với Nhà nước để thực hiện mô hình kinh tế hợp tác. Ở đó, Nhà nước sẽ hỗ trợ ND tìm đầu ra bởi Nhà nước có mạng lưới xúc tiến thương mại, trong đó có lực lượng tham tán thương mại Việt Nam ở các nước. “Cung ít, cầu nhiều” hàng hóa sẽ bán được với giá cao…”- Ths. Lê Phát, nguyên Trưởng khoa Lý luận, Trường Chính trị Tôn Đức Thắng, chia sẻ.

Minh Hiển

Các tin mới:

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang