• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Sản xuất nông nghiệp: "Chết" vì quy trình ngược - Bài 1: Bi kịch 3 người “ăn” một con heo

Nguồn tin:  Báo Đồng Nai, 15/05/2017
Ngày cập nhật: 17/5/2017

Một danh sách dài các loại sản phẩm nông nghiệp đang chờ được “giải cứu”, từ trái chuối xuất khẩu, dưa hấu đến con heo, con gà, con cá sấu... Đây là “quả đắng” của việc sản xuất nông nghiệp Việt Nam bao năm qua vẫn đi theo quy trình ngược: nuôi trồng trước, bán tính sau. Trong khi đó, những quốc gia có nghề nông bền vững luôn xác định “bán cho ai” trước khi bắt tay vào sản xuất.

Với cách làm đua theo năng suất mà bỏ quên chất lượng, dù nhiều loại nông sản Việt đứng đầu thế giới về sản lượng xuất khẩu, đến nay chưa nhiều loại nông sản Việt có thương hiệu lâu bền, chưa kể tiếng xấu về tồn dư kháng sinh, tồn dư chất hóa học. Nguy hiểm hơn, nông sản nội đang mất dần chỗ đứng trên sân nhà vì chính người tiêu dùng trong nước cũng đang e ngại.

Trong vòng 10 năm trở lại đây, chưa có thời điểm nào giá nhiều loại nông sản lại đồng loạt chạm đáy suốt thời gian dài như giai đoạn hiện nay. Các địa phương, Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn đã phải vào cuộc thực hiện hàng loạt các cuộc “giải cứu”: cứu heo, cứu chuối, cứu dưa hấu...

Một trại heo thuộc xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu, thời điểm giá heo chỉ còn 17-18 ngàn đồng/kg.

Ngay từ đầu năm 2017, Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn đã tính toán là Việt Nam đang dư thừa thịt heo với gần 30 triệu con heo thịt, tính trên 90 triệu người dân thì phải 3 người “ăn” 1 con heo mới tiêu thụ hết. Và không chỉ có heo, còn có hàng loạt các loại nông sản khác dội chợ chỉ trong vòng mấy tháng qua, khiến nhiều nông dân lâm vào tình cảnh hết sức khó khăn.

* Cầm sổ đỏ vì heo

Suốt những tháng qua giá heo hơi luôn đứng dưới giá thành sản xuất, người nuôi vẫn đang lỗ cả triệu đồng cho mỗi con heo xuất chuồng. Giá bán tại trại đối với heo quá trọng lượng có thời điểm chỉ còn từ 15-16 ngàn đồng/kg.

Sau nhiều tháng cầm cự, hàng loạt người nuôi heo đang đứng trên bờ vực phá sản, phải thế chấp sổ hồng nhà cửa, sổ đỏ đất trang trại vì thua lỗ. Ngay cả các đại lý cám cũng điêu đứng vì khó thu hồi công nợ do người chăn nuôi chưa có tiền trả.

Một trang trại heo thịt lớn ở xã Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Cửu) đang thua lỗ thê thảm. Ảnh TL

Ông Nguyễn Hoàng Yên, chủ trại heo tại TX.Long Khánh, chia sẻ: “Nhiều tháng nay tôi rao bán trại heo mới đầu tư hơn 1,5 tỷ đồng nhưng đến nay vẫn không tìm được người mua. Tôi cũng đang giảm dần quy mô tổng đàn nuôi tại trại cũ vì càng nuôi càng lỗ”.

Không chỉ gia đình ông Yên mà rất nhiều chủ trại chăn nuôi khác cũng đều đang “ngồi trên lửa” vì phải thế chấp sổ hồng nhà, sổ đỏ đất trang trại để vay vốn đầu tư, giờ chỉ biết gồng mình gánh nợ trong khi đồng vốn đổ ra đang mòn dần vì giá heo mãi giảm sâu.

Ông Nguyễn Hữu Thắng, một trong những chủ trại heo có quy mô lớn nhất của huyện Vĩnh Cửu với cả ngàn heo nái và hàng ngàn đầu heo thịt, đang cố gắng giảm đàn. Ông Thắng chia sẻ: “Trang trại tôi đang nợ ngân hàng khoảng 20 tỷ đồng. Khó khăn nhất với người chăn nuôi chúng tôi hiện nay là đồng vốn. Chúng tôi mong được ngân hàng giãn nợ, đồng thời Nhà nước cũng nên có chính sách hỗ trợ về đồng vốn cho người chăn nuôi trong giai đoạn ngặt nghèo này”.

* Những vườn chuối “đắng”

Không chỉ người chăn nuôi điêu đứng vì cảnh tồn hàng mà nông dân trồng chuối xuất khẩu của Đồng Nai cũng rơi vào cảnh đầu tư cả trăm triệu đồng trồng chuối rồi bỏ chín rục trên vườn vì không có người mua. Năm ngoái, giá chuối già xuất khẩu tăng cao vì Trung Quốc ồ ạt gom hàng.

Ông Chống Xìn Sắm (xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom) đã chặt bỏ vườn tiêu bị sâu bệnh chuyển sang trồng giống chuối cấy mô. Ông mạnh tay đầu tư cây giống, phân tro và cho lắp hệ thống tưới nước tiết kiệm... vì khi mua giống chuối cấy mô về trồng, chủ vựa chuối có hứa với ông Sắm sẽ bao tiêu sản phẩm.

Ông Chống Xìn Sắm ngậm ngùi: “Đến khi 20 tấn chuối vào vụ thu hoạch, tôi gọi thương lái nhiều nơi nhưng không ai mua vì Trung Quốc không nhập hàng. Tôi đành bỏ mặc vườn chuối chín rộ từng ngày, vì thu hoạch lại lỗ thêm tiền công. Gọi thương lái không đến, chúng tôi cũng đành chịu vì việc hứa bao tiêu chỉ là “câu cửa miệng”.

Nông dân Võ Văn Mết (xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom) chặt bỏ chuối chín vì không có người mua.

Đồng Nai đã phải thành lập ngay Ban “giải cứu” chuối nhằm hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm. Sau con heo, trái chuối là danh sách dài các loại nông sản khác, như: dưa hấu, trái vải, cá sấu... chỉ cần Trung Quốc ngưng nhập là giá lại rẻ như cho.

* Thua “đau” vẫn khó “sáng mắt”

Vòng luẩn quẩn này đã tiếp diễn hàng chục năm qua nhưng vẫn chưa khiến nông dân “sáng mắt”. Chỉ cần thương lái “rỉ tai” mặt hàng này bán chạy, giá tốt là nông dân lại chạy đua ồ ạt tăng đàn, tăng diện tích để rồi phải nhận lấy trái đắng. Căn nguyên cũng vì nông dân thiếu thông tin về thị trường.

Anh Chống Xìn Sắm, xã Cây Gáo (huyện Trảng Bom) bỏ vườn chuối chín vì gọi thương lái không thu mua. Ảnh TL

Ông Hoàng Văn Đảm, chủ trang trại cây ăn trái ở ấp 2A (xã Xuân Bắc, huyện Xuân Lộc), bày tỏ: “Nông dân chúng tôi rất thiếu thông tin về thị trường cho các loại trái cây, vì thế đành phải dựa vào kinh nghiệm, thấy loại cây nào lợi nhuận cao thì trồng nên rủi ro rất nhiều".

Đơn cử, theo ông Đảm, mấy năm trước thấy xoài Thái ăn xanh giá cao, ông chuyển dần từ xoài 3 mùa sang trồng loại xoài này. Sau 3 vụ trúng giá, xoài Thái ăn xanh lại rớt giá do quá nhiều người cùng trồng. Gần đây, ông lại chuyển một phần diện tích vườn sang trồng quýt đường nhưng cũng không biết thị trường lâu dài ra sao.

Cùng nỗi lo trên, ông Phạm Văn Đạo (ấp 3, xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu), chủ trang trại khoảng 300 heo thịt và 50 heo nái, xót xa: “Hơn 20 năm làm trang trại, chưa khi nào tôi thấy giá heo rớt thê thảm và thời gian kéo dài như vậy".

Ông Đạo cho biết, rơi vào tình cảnh như hiện nay cũng là vì người chăn nuôi gần như “mù” thông tin về thị trường, chỉ biết heo bán có giá cao là đua nhau tăng đàn. Giá như có dự báo về thị trường tiêu thụ heo thịt ngắn hạn, dài hạn thì tôi đã kịp điều tiết để bớt lỗ.

Cũng chính từ sự “mù” về thông tin thị trường nên tâm lý nông dân luôn bất an và dễ “phát hoảng” khi thị trường xảy ra biến động. Tình trạng đua nhau bán đổ bán tháo khi giá nông sản xuống thấp cũng góp phần vào sự hỗn loạn của thị trường.

Ông Nguyễn Hữu Thắng (huyện Vĩnh Cửu) cho rằng: “Việc chạy đua theo phong trào tăng đàn đã gây hậu quả nghiêm trọng mà thị trường đang chứng kiến, thì nay tình trạng phá đàn, mạnh ai nấy bán cũng nguy hiểm không kém".

Ông Thắng đề nghị Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn, chính quyền ở địa phương nên quan tâm đến việc trấn an thị trường, vì hiện ai cũng hoang mang, cả người chăn nuôi, cả thương lái... Thực tế, lượng heo quá tải trong dân không đáng báo động như mọi người vẫn tưởng. Người chăn nuôi nên bình tĩnh, không nên bán đổ bán tháo, gây náo loạn thị trường.

Chính sự hoảng loạn này càng tạo cơ hội cho tư thương ép giá nông dân. Theo phản ánh của người chăn nuôi, mỗi khi có thông tin heo giảm giá, nhất là do các công ty lớn trong ngành chăn nuôi giảm là tạo sức ép ngay đến giá thị trường. Người chăn nuôi cũng hoảng lên và chấp nhận giá heo thấp hơn.

Chỉ cần một thông tin trên báo chí về giảm giá heo, dù việc giảm giá đó chỉ mang tính cục bộ của một địa phương, cũng dẫn đến thương lái ở TP.Hồ Chí Minh ép giá mua chung trên thị trường theo mức giảm mới...

Bình Nguyên - Hương Giang - Kim Ngân

Các tin mới:

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang