• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nông sản - bao giờ mới hết giải cứu?

Nguồn tin:  Báo Sóc Trăng, 08/05/2017
Ngày cập nhật: 10/5/2017

Những cuộc giải cứu nông sản vừa qua cho thấy, tinh thần sẵn sàng chia sẻ khó khăn của cộng đồng với nông dân cả nước là rất đáng trân trọng. Tuy nhiên, nó cũng đặt ra không ít vấn đề cần giải quyết về tính bền vững của nền nông nghiệp đất nước trong giai đoạn hội nhập.

Hết dưa hấu, thanh long, củ hành tím, chuối giờ đến lượt con heo và chưa biết tới đây sẽ còn phải giải cứu thêm loại nông sản nào nữa hay không? Đặt ra câu hỏi trên để thấy rằng, giữa sản xuất với tiêu thụ nông sản vẫn còn một khoảng cách quá tầm với của nhà nông, mà ngay bản thân họ, dù cố gắng đến đâu cũng khó mà rút ngắn lại được.

Mỗi khi có một mặt hàng nông sản nào đó khó tiêu thụ dẫn đến dư thừa, thường nhà nông là người bị quy trách nhiệm đầu tiên, nhưng quanh đi, quẩn lại cũng chỉ có mấy nội dung: sản xuất tự phát, chạy theo phong trào, không theo quy hoạch… Tuy nhiên, có mấy ai chịu khó đặt ra và tự tìm cho mình câu trả lời rằng: Tại sao họ phải chạy theo phong trào, hay tại sao họ luôn tự phát, không theo quy hoạch…?

Con heo đang gặp khó, phải cần sự “giải cứu” của cộng đồng.

Chỉ cần gần gũi với nông dân nhiều hơn, chúng ta sẽ thấy rằng, hầu hết, họ đều không có một kế hoạch sản xuất rõ ràng, mà chủ yếu làm theo kiểu: “đến hẹn lại trồng” hoặc thấy loại nào đang có giá cao, lời nhiều là “nhào vô” để mong sớm đổi đời. Họ không thể làm khác, hay nói đơn giản hơn là họ không dám làm khác vì sợ rủi ro sẽ lớn hơn so với cách làm bấy lâu nay của mình.

Thực tế cho thấy, dù việc tiêu thụ vẫn còn bấp bênh, nhưng cứ đến mùa vụ, nông dân miền Trung lại xuống giống trồng dưa hấu, nông dân TX. Vĩnh Châu vẫn cứ trồng hành tím… bởi đây là những loại cây trồng quen thuộc đối với họ và hơn thế nữa, chỉ cần thị trường tốt, thì mức lợi nhuận sẽ rất cao. Cái điệp khúc “đến hẹn lại trồng” cứ thế lặp đi lặp lại năm này qua năm khác, lâu dần thành thói quen, mà ta hay gọi là tập quán canh tác.

Tinh thần chia sẻ của người dân Việt Nam là rất đáng trân trọng, nhưng cũng không thể bắt người dân cả nước chia sẻ mãi được, bởi không ai có thể ăn mãi mỗi quả dưa hấu, củ hành tím hay thịt heo và càng không thể ăn ngon khi mà lòng mình không mong muốn. Hơn thế nữa, nếu cứ mãi giải cứu không chỉ làm méo mó đi nền kinh tế thị trường, mà còn tạo tâm lý trông chờ, ỷ lại nơi người nông dân, dẫn đến khó thay đổi thói quen, tập quán sản xuất phù hợp với thời kỳ hội nhập kinh tế thế giới.

Việc giải cứu như vừa qua và cả mới đây là phù hợp, nhưng cũng cần xác định đây chỉ là giải pháp tạm thời, cấp bách. Về lâu dài, nếu muốn không còn tái diễn cảnh giải cứu nông sản, điều quan trọng là làm sao thay đổi được thói quen, tập quán sản xuất của người nông dân, hướng họ đến những cách làm mới, tiên tiến và hiệu quả hơn. Đây là việc làm khó và lâu dài, nhưng cần thiết và buộc phải làm để mục tiêu nâng cao giá trị và phát triển bền vững của đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp được thành công như kỳ vọng.

Một vấn đề khác cũng cần quan tâm thực hiện là xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ để hạn chế rủi ro cho nông dân. Đây là vấn đề được đề cập rất nhiều, kể cả trên nghị trường, nhưng hiệu quả đến nay vẫn chưa như mong đợi. Việc phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường nào đó, tất sẽ dẫn đến những rủi ro cao.

Câu chuyện con cá tra trong những năm đầu phát triển, khi thị trường Mỹ làm khó, ngay lập tức con cá tra bị bí đầu ra. Rất may, sau sự cố trên, chúng ta rút kinh nghiệm và mở rộng thị trường cá tra đa dạng hơn. Tương tự như thế, con tôm Việt Nam, dù bị cạnh tranh gay gắt nhưng vẫn được tiêu thụ tốt nhờ các doanh nghiệp chủ động đa dạng sản phẩm chế biến theo từng phân khúc thị trường.

Hiện nay, trình độ sản xuất của người nông dân đã được nâng lên đáng kể, việc tiếp cận, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất không còn là vấn đề khó, mà cái khó lớn nhất của họ là khâu tiêu thụ. Vì vậy, bên cạnh việc tác động vào khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành, điều quan trọng là cần phải khơi thông thị trường, tạo nên nhiều “dòng chảy” cho nông sản đến được với người tiêu dùng, để những rủi ro trong tiêu thụ không còn tái diễn, giúp sản xuất nông nghiệp ngày một hiệu quả và bền vững hơn.

Tích Chu

Các tin mới:

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang